Bí mật sức mạnh của cống ngăn lũ lớn nhất vùng Tứ giác Long Xuyên
(Dân trí) - Cống Trà Sư và cống Tha La là 2 công trình điều tiết nước lũ quan trọng nhất vùng Tứ giác Long Xuyên, góp phần bảo vệ sản xuất của người dân, đặc biệt là trong mùa nước nổi miền Tây.
Cống Trà Sư, nằm tại phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, là cống điều tiết lũ lớn nhất cho vùng Tứ giác Long Xuyên, với diện tích gần 500.000ha trải rộng trên 15 huyện, thành phố thuộc ba khu vực An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.
Riêng tỉnh An Giang, diện tích phục vụ là hơn 245.000ha, phần còn lại thuộc TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang.
Cống Trà Sư là công trình cống hở, góp phần điều tiết lũ từ Campuchia ra hướng biển Tây, tạo điều kiện đưa phù sa từ sông Hậu vào cải tạo đồng ruộng, cung cấp nước tưới cho hơn 17.000 ha đất tự nhiên trong mùa khô, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và phát triển giao thông đường thủy.
Cống Trà Sư có chiều rộng thông nước 88m, chia thành 4 khoang, 6 cửa, mỗi khoang rộng 22m; cửa phẳng, đóng mở thẳng đứng bằng hệ thống xi lanh thủy lực hiện đại.
Theo quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định, vào đầu mùa lũ khi mực nước thượng lưu cống lên mức 1,5m, đơn vị quản lý tiến hành đóng kín các cửa cống để kiểm soát lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, những ngày này tại khu nhà điều hành, quản lý cống Trà Sư luôn có ít nhất từ 2-4 nhân viên túc trực để theo dõi, vận hành hệ thống cống điều tiết lũ lớn nhất khu vực Tứ giác Long Xuyên.
Anh Trần Văn Cang (45 tuổi) là cán bộ vận hành Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra tổng quát và vận hành quy trình đóng, mở cửa cống Trà Sư.
Nhiệm vụ của anh Cang là phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi tất cả các đường ống thủy lực đã được đấu nối vào trạm dầu và xi lanh thủy lực, độ kín của các đấu nối ống mềm, thùng dầu, các đầu nối điện và các van, chất lượng nguồn điện đầu vào nhằm đảm bảo cho công tác vận hành diễn ra suôn sẻ.
Theo anh Cang, công tác vận hành cống sẽ diễn ra 1-2 lần trong năm. Mỗi lần vận hành có khoảng 2-3 cán bộ thực hiện, trong đó có 1 trạm trưởng. Khi trạm trưởng phát lệnh điều khiển từ một bên, thì lệnh đó được hệ thống xử lý và truyền tín hiệu cho tủ còn lại khởi động.
Hệ thống bơm hiện đại, đồng hồ áp suất được theo dõi và kiểm tra kỹ lưỡng mỗi khi vận hành cổng xả lũ.
Tại cống Trà Sư có 2 trạm camera giám sát hình ảnh; trạm quan trắc mực nước tự động; chế độ cập nhật mực nước 5 phút/lần; các thiết bị giám sát theo dõi quản lý được đặt tại nhà quản lý cống có chế độ theo dõi 24h/24h.
Trước đó, ngày 4/9, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đã phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi An Giang tổ chức vận hành mở cống Tha La, Trà Sư để kiểm soát lũ năm 2024. Mực nước thực đo lúc 8h ngày 4/9 tại thượng lưu cống Trà Sư là 1,68m, ở hạ lưu cống là 1,45m. Tại thượng lưu cống Tha La là 1,81m, hạ lưu cống là 1,52m. Theo đó, chênh lệch mực nước ở khu vực thượng lưu, hạ lưu 2 cống thời điểm mở cống đều xấp xỉ mức 0,30m.
Việc mở cống này khiến mực nước nội đồng trong vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ) có nhiều biến động.
Hiện tại, mực nước sau khi xả lũ được đo tại cống Trà Sư là +2,9m, cao hơn thời điểm mở cống xả lũ 1,4m. Dự kiến, trong thời gian tới mực nước sẽ có khả năng lên cao hơn khi đỉnh lũ miền Tây sẽ xuất hiện vào giữa tháng 10 này.
Hiện 4 khoang, 6 cửa của cống Trà Sư đã được mở hết hoàn toàn để xả lũ, các phương tiện tàu, ghe được phép di chuyển tự do qua cống.
Theo các nhân viên điều hành cống Trà Sư, sau khi người dân thu hoạch xong lúa vụ hè thu, đơn vị quản lý sẽ tiến hành mở các cống theo trình tự mở các cửa giữa trước, 2 cửa bên mở sau đó 1 ngày.
Đến cuối tháng 10 hoặc tháng 11, trước khi xuống giống vụ lúa đông xuân từ 5 đến 10 ngày, đơn vị quản lý sẽ tiến hành đóng cống Trà Sư để không cho lũ vào vùng Tứ giác Long Xuyên.
Nằm cách đó khoảng 1,5km là cống Tha La (phường Nhơn Hưng, thị xã Tịnh Biên), cống Tha La cũng làm nhiệm vụ điều tiết lũ nội đồng cho vùng Tứ giác Long Xuyên trên diện tích gần 500.000ha. Cống này cũng có cơ chế hoạt động tương tự nhưng nhỏ hơn so với cống Trà Sư.
Cống Tha La cũng thuộc loại cống hở, chiều rộng thông nước là 66m, chia thành 3 khoang, 4 cửa, mỗi khoang rộng 22m, cửa cống phẳng, đóng mở thẳng đứng bằng xi lanh thủy lực.
Trước đó, Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đã có thông báo về thời điểm vận hành mở cụm công trình cống Tha La, Trà Sư. Thực hiện theo quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên để điều tiết nước xả lũ tại 2 cống Tha La, Trà Sư, kết hợp điều tiết nước lũ trên thượng nguồn đổ về các kênh nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên qua hệ thống thoát lũ biển Tây.
Dự án Cống Tha La và Trà Sư có tổng mức đầu tư hơn 232 tỷ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang.
Nhà thầu liên danh gồm 4 đơn vị, trong đó Công ty Cổ phần Xây lắp Thủy lợi Hưng Yên thực hiện giá trị gói thầu trị giá khoảng 57,2 tỷ đồng. Ngày khởi công 1/10/2018, hoàn công vào ngày 20/12/2021.
Đây là hai cống điều tiết lũ lớn của vùng Tứ giác Long Xuyên, được xây dựng để thay thế 2 đập bằng cao su đã xuống cấp. Dự án được các đơn vị khẩn trương thi công, vượt tiến độ, hoàn thành trước kế hoạch. Đây cũng là một trong những công trình điển hình tạo dấu ấn phát triển tỉnh An Giang.