Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

"Nhiều mâm cơm liên hoan giá vài tạ thóc nhưng chỉ ăn 30%, rất lãng phí"

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Nói về tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng lãng phí trong ăn uống, liên hoan là rất lớn. Ông cho rằng tiết kiệm phải trở thành lẽ sống, đạo đức cơ bản của con người.

Sáng 23/5, phát biểu thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng công tác chống lãng phí hơn một năm qua đã được thực hiện khá tốt, đã có những con số khá ấn tượng.

Còn nhiều vấn đề lãng phí

Theo ông Trí, thực tế hiện nay còn rất nhiều vấn đề về lãng phí, còn nhiều khu nhà bị bỏ hoang, vắng lặng; nhiều dự án còn chưa giải quyết được và đang nằm chờ; nhiều vấn đề Quốc hội đã thông qua nhưng thực tế chưa đi nhiều vào cuộc sống, rất đáng lo ngại.

Nhiều mâm cơm liên hoan giá vài tạ thóc nhưng chỉ ăn 30%, rất lãng phí - 1

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu ý kiến (Ảnh: CTV).

Bên cạnh đó, ông Trí cho rằng lãng phí trong ăn uống, trong liên hoan là rất lớn. Theo ông, tất cả cuộc liên hoan từ cấp huyện đến cấp tỉnh... hầu hết đều lãng phí, vẫn còn nhiều mâm cơm trị giá vài tạ thóc nhưng nhiều khi chỉ ăn 50-60%, thậm chí chỉ 30%, thực sự rất lãng phí.

"Tôi ao ước có cuộc phát động rộng rãi, mạnh mẽ để thực hành tiết kiệm trong liên hoan, tiệc chiêu đãi... Trên thế giới có hơn 1 tỷ người bị đứt bữa do Covid-19, do chiến tranh... Tiết kiệm phải trở thành lẽ sống, trở thành đạo đức cơ bản của con người thì mới có thể thực hiện thường xuyên được", vị đại biểu nêu ý kiến.

Cho rằng việc chống lãng phí thời gian qua là tìm ra những sai sót để kỷ luật, ông Trí cho rằng công tác này phải đi xa hơn, đi trước hơn từ ý tưởng, dự định, chiến lược trong vấn đề đầu tư, sử dụng và giải quyết các vấn đề xã hội.

Nêu ví dụ về 2 bệnh viện ở Hà Nam bị bỏ hoang nhiều năm, ông Trí cho biết 2 bệnh viện do Bộ Y tế đầu tư, thời điểm ban đầu kỳ vọng 2 bệnh viện này sẽ phục vụ các bệnh nhân từ Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng bình mà không cần vào Hà Nội. Theo ông, đây có lẽ hơi duy ý chí và sau đó đã xảy ra những việc bê trễ, nhiều năm chưa đưa vào sử dụng.

Ông Trí cho biết cách đây vài hôm, ông nghe thông tin tỉnh Hà Nam tiếp tục xây dựng làng đại học, trung tâm với khoảng 25 trường đại học. "Tôi không phản đối nhưng cần suy nghĩ kỹ hơn, đó là ý nghĩ tự thân của chính trường đại học đi tìm kiếm để đầu tư xây dựng chứ Hà Nam chủ động bỏ ra 2.900 tỷ đồng xây dựng rồi mời các trường xuống thì chưa chắc đã thành công", ông Trí nói.

Ông Trí cho biết có lần về công tác ở Hà Nam, gặp một phó chủ tịch tỉnh nói rằng "kinh nghiệm cho thấy cứ một sinh viên nuôi được ba người dân nên chúng tôi quyết tâm xây dựng đại học ở Hà Nam". Ông cho biết khi nghe vậy ông đã rất băn khoăn và sau đó ý tưởng, việc xây dựng này không thành công.

Trước thông tin xây dựng làng đại học ở Hà Nam gần đây ông Trí cho biết ông thấy lo lắng và cho rằng cần phải suy nghĩ kỹ hơn, suy nghĩ chín chắn hơn trước khi quyết định đầu tư.

Cần tháo gỡ các dự án dù là tài sản công hay tư

Cũng thảo luận về vấn đề lãng phí, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) đề nghị cần nhanh chóng giải phóng các khu đất vàng bị "đóng băng".

Ông Sang cho rằng cần đẩy nhanh thu hồi tài sản từ các vụ án đã đưa ra xét xử, các dự án giá trị rất lớn mà để tồn đọng nhiều năm là lãng phí rất lớn, cần nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện.

Theo đại biểu, dường như các cơ quan vẫn ngần ngại, một số nơi không đề xuất phương án giải quyết.

"Tôi thấy có vụ 2-3 năm qua có án rồi vẫn án binh bất động, án tuyên chưa rõ thì yêu cầu tòa giải thích hoặc họp liên ngành giải quyết chứ cứ để những khu đất vàng nằm đó rất đáng tiếc. Đề nghị các bộ ngành phối hợp giải quyết để tránh lãng phí", ông Sang nói.

Nhiều mâm cơm liên hoan giá vài tạ thóc nhưng chỉ ăn 30%, rất lãng phí - 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu (Ảnh: Media Quốc hội).

Nêu thực tế tài sản công, đất công đang bị lãng phí lớn, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị cần quan tâm tới chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí. Theo ông, nhiều dự án dở dang, chỉ cần tiếp sức 5-10% là có thể đi vào hoạt động.

Đại biểu cho rằng không chỉ tài sản công, trên thị trường có nhiều tài sản tư, nhiều ngôi nhà, tòa nhà bị bỏ hoang, "ngay chợ Bến Thành có tòa nhà khung xương để suốt, rất đau xót". Ông Ngân cho rằng các cơ quan liên quan cần tập trung tháo gỡ dù là tài sản công hay tài sản tư vì đều là nguồn lực xã hội.

Cũng phát biểu về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TPHCM) cho biết Tổng Bí thư từng nhấn mạnh chống lãng phí phải như chống giặc ngoại xâm. Vậy chúng ta phải nhận diện lãng phí như thế nào?

Từ vấn đề đầu tư công, giải ngân vốn trung hạn đến tiết kiệm, chi tiêu ngân sách trong các lĩnh vực đang được đề cập tới, đại biểu cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận, nhiều công trình được đầu tư trước đây nhưng vẫn chậm tiến độ, không biết thời gian về đích nên cần tăng cường kiểm tra để cùng cơ quan quản lý Nhà nước, chủ dự án tìm ra nguyên nhân, vướng mắc để tháo gỡ.