DNews

"Bê tông hóa" không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu

Hà Mỹ

(Dân trí) - Từ trường hợp của vườn hoa Hàng Đậu, chuyên gia chỉ ra những hệ lụy của việc "bê tông hóa" các công viên, vườn hoa trong đô thị và giải pháp nhằm giảm thiểu tác động môi trường của trường hợp này.

"Bê tông hóa" không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu

Trước đề xuất của UBND quận Hai Bà Trưng về việc làm 5 quảng trường quanh hồ Thiền Quang, cùng thiết kế mới của vườn hoa Hàng Đậu (quận Ba Đình) bị dư luận phản ứng, nhiều người lo ngại về một xu hướng xuất hiện ở Hà Nội và các đô thị: Xu hướng "bê tông hóa" không gian công cộng. 

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, TS Ngô Hoàng Ngọc Dũng, giảng viên Khoa Kiến Trúc & Quy Hoạch, Trường đại học Xây Dựng Hà Nội, và cũng là chuyên gia của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho biết chưa thể kết luận có xu hướng này xảy ra, vì những thiết kế không gian trong đô thị luôn đa dạng, không theo khuôn mẫu nào.

Dù vậy, ông Dũng đưa ra những cảnh báo về hệ lụy của việc bê tông hóa các mảng xanh trong đô thị và nhấn mạnh công tác nghiên cứu để giảm tác động của nắng nóng đô thị, bảo vệ con người trong điều kiện khắc nghiệt phải là ưu tiên hàng đầu khi thiết kế cải tạo các công viên, vườn hoa. 

Cân nhắc giải pháp về môi trường cho vườn hoa Hàng Đậu

Theo ông Dũng, kế hoạch cải tạo các vườn hoa, công viên để làm những địa điểm này trở nên thú vị, hấp dẫn với người dân hơn là việc làm hợp lý.

Ở trường hợp vườn hoa Hàng Đậu, ông nhận định số lượng cây xanh bóng mát ở giữa khuôn viên và bề mặt thảm cỏ bị giảm đi sau khi cải tạo có thể xuất phát từ mong muốn tăng thêm phần diện tích mở, không bị che chắn cho các hoạt động cộng đồng. 

Dù vậy, chuyên gia cho rằng giải pháp để làm dịu mát môi trường khi thời tiết nắng nóng trong khuôn viên của vườn hoa dường như chưa rõ ràng.

Bê tông hóa không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu - 1
Bê tông hóa không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu - 2

Theo kết quả quan trắc và tính toán nhiệt do ông Dũng cùng các đồng nghiệp thực hiện trong các nghiên cứu trước đây, các bề mặt cứng (gạch, đá, bê tông xi măng, bê tông asphalt) không được che nắng sẽ bị nung nóng nhiều hơn so với mặt cỏ hoặc bề mặt được che nắng.

Chênh lệch nhiệt độ bề mặt giữa các trường hợp này có thể lên đến 15 độ C vào thời điểm ban ngày của mùa hè.

"Vì vậy, theo tôi, có thể cân nhắc thêm những giải pháp về môi trường cho vườn hoa Hàng Đậu, để giảm ảnh hưởng xấu của nắng nóng", ông Dũng khuyến cáo. 

Chuyên gia cho rằng phương án cải tạo vườn hoa này có thể được hoàn thiện thêm, khiến không gian trở nên hấp dẫn hơn nữa theo đúng kỳ vọng. Nếu làm tốt, đây hoàn toàn có thể trở thành một ví dụ để các địa phương khác học tập.

Bê tông hóa không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu - 3

Phối cảnh thiết kế hồ Thiền Quang với đề xuất làm 5 quảng trường xung quanh, cũng khiến nhiều người lo ngại tình trạng "bê tông hóa" xảy ra ở khu vực này (Ảnh: UBND quận Hai Bà Trưng).

Đưa ra góc nhìn vừa là một kiến trúc sư, vừa là một người dân gắn bó với vườn hoa Hàng Đậu, KTS Nguyễn Bảo Lâm (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), cho biết hoàn toàn bất ngờ trước thiết kế mới của khuôn viên này. 

Theo ông, vườn hoa Hàng Đậu trước đây là một không gian "nhỏ nhỏ", thân thiện với người dân vì khuôn viên xanh với nhiều loại cây, hoa.

Nhưng đến nay, ông Lâm cho rằng không chỉ bị bê tông hóa, không gian được thiết kế đá xung quanh cũng tạo cảm giác phân cách rõ rệt giữa bên ngoài và bên trong. Khi đi từ ngoài vào, không thể nhìn thấy rõ khuôn viên của vườn hoa này. 

"Không gian vườn hoa Hàng Đậu hiện tại trông rất bí bách, nhìn xa như những lô cốt. Trong khi đáng lẽ những công viên, vườn hoa phải được thiết kế mở, thân thiện để tạo cảm giác dễ tiếp cận cho người dân, thì vườn hoa Hàng Đậu lại đi ngược lại xu hướng này", ông Lâm nhấn mạnh. 

Ông cho rằng trong thiết kế có các thước đo cho một công trình bao gồm thiết kế kỹ thuật, cảnh quan, thẩm mỹ, môi trường và dư luận xã hội, trường hợp dự án cải tạo vườn hoa Hàng Đậu đã thất bại hoàn toàn tất cả tiêu chí trên. 

Vị kiến trúc sư đưa ra kỳ vọng phương án cải tạo vườn hoa này tiếp tục được cải thiện, có thêm không gian xanh cho người dân và đặc biệt là giảm tác động của nắng nóng khi mùa hè sắp đến. 

Hệ lụy của "bê tông hóa" không gian công cộng

Đề cập thêm về tình trạng bê tông hóa công viên, vườn hoa trong Hà Nội cũng như các đô thị khác, TS Ngô Hoàng Ngọc Dũng cho biết chưa thể kết luận đây là một xu hướng đang xảy ra. Bởi lẽ các thiết kế, phương án cải tạo những không gian này ở Hà Nội hay các đô thị khác đều đa dạng, không theo một khuôn mẫu hay xu hướng cụ thể nào.

Ông Dũng đánh giá thực tế đã có những công viên, vườn hoa được thiết kế khá tốt về mặt cảnh quan, môi trường với tỉ lệ cây xanh lớn, như công viên Yên Sở, vườn hoa Con Cóc (Hà Nội) hay công viên ven sông Hương (Huế).

Ở trường hợp vườn hoa Hàng Đậu, chuyên gia nhấn mạnh có sự gia tăng bề mặt bê tông và giảm tỉ lệ thảm cỏ, hoa trong khi một số cây xanh bóng mát mới được trồng lại chưa trưởng thành. Hơn nữa, các giải pháp giảm nhiệt hoặc ứng phó với nắng nóng tại vườn hoa còn đang hạn chế.

Nhưng đây chỉ là một trường hợp, không đại diện cho xu hướng thiết kế công viên kiểu "bê tông hóa".

Dù vậy, ông Dũng đưa ra cảnh báo về hệ lụy của việc gia tăng bề mặt cứng hấp thụ nhiệt sẽ khiến nhiệt độ bề mặt của đô thị gia tăng. Điều này làm môi trường đô thị ngột ngạt, nguy hiểm hơn với sức khỏe của người dân.

"Chưa kể, những bề mặt cứng đều thoát nước kém, sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt đô thị. Vì vậy, việc phân tích trường hợp cải tạo vườn hoa Hàng Đậu sẽ giúp nhận ra các mặt được, chưa được để rút kinh nghiệm cho công tác thiết kế, cải tạo vườn hoa công viên trên cả nước", ông Dũng nêu góc nhìn. 

Bê tông hóa không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu - 4
Bê tông hóa không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu - 5

Chuyên gia gợi ý một số giải pháp giảm tác động của nắng nóng đô thị lên bề mặt không gian công cộng, bao gồm việc lắp mái che đa năng di động, bố trí các "chòi" di động (Ảnh: AUAS). 

Vị chuyên gia cũng cho biết trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các thành phố của Việt Nam sẽ phải hứng chịu nắng nóng gay gắt hơn cả về cường độ và thời gian kéo dài.

Do đó, việc nghiên cứu để thiết kế công viên nhằm giảm nắng nóng đô thị và bảo vệ con người trong những thời điểm nắng khắc nghiệt cho các công viên là vô cùng cần thiết; nên coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu khi cải tạo hoặc xây mới công viên, vườn hoa đô thị.

Với những không gian công cộng đã hoàn thiện nhưng vẫn muốn hạn chế tác động của môi trường lên bề mặt, ông Dũng gợi ý một số giải pháp có thể thực hiện. 

Các giải pháp này bao gồm việc bố trí mái che đa năng di động, bằng vật liệu nhẹ (vải dù, bạt) và được thiết kế đẹp để tạo thẩm mỹ, ở dọc các đường dạo; bố trí các dàn cây leo, ở phía trên các ghế ngồi công cộng, dàn phun sương để giảm nhiệt trong thời tiết khô nóng.

Bên cạnh đó, không gian ngoài trời có thể bố trí các "chòi" di động bằng gỗ, có mái phủ cây xanh, có ghế ngồi ở dưới để cho người dân tránh nắng. 

Bê tông hóa không gian công cộng: Góc nhìn từ vườn hoa Hàng Đậu - 6

Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết sẽ chỉ đạo đơn vị thi công tiếp tục chỉnh sửa hạng mục ghế đá, bồn hoa có góc nhọn trong khuôn viên vườn hoa Hàng Đậu (Ảnh: Hà Mỹ).

Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, quá trình thi công cải tạo vườn hoa Hàng Đậu, một số cây xấu, cây cong, yếu đã được chặt hạ thay thế; những cây có vị trí không phù hợp được dịch chuyển; mảng cỏ trước tượng đài được thay thế bằng dàn phun nhạc nước. Vì vậy, diện tích trồng cỏ giảm 21%.

Ngoài ra, các cây trồng lại phải cắt tỉa cành, lá nên mức độ phủ xanh chưa được như cũ và cần thêm thời gian để cây ra tán.

Cùng với đó, ông Chiến cho biết ý đồ chính trong cải tạo vườn hoa Vạn Xuân là tôn vinh tượng đài Cảm Tử nên trong thiết kế đã tạo trục chính giữa kéo dài, kết nối không gian với tháp nước Hàng Đậu.

"Khu vực trước tượng đài thể hiện cuộc sống hòa bình, ấm no hiện nay, có tổ chức dàn phun nhạc nước nên không trồng cây to, mảng cỏ tại đây là hợp lý", ông Chiến nêu quan điểm.

Nhấn mạnh ý tưởng của thiết kế mới là các bồn hoa tạo góc vát, sử dụng ngôn ngữ hình khối mạnh mẽ gợi lại hình ảnh chiến lũy đường phố và khí thế hào hùng của những ngày toàn quốc kháng chiến, ông Chiến thừa nhận sự thay đổi này ban đầu "có thể nhìn không thuận mắt".

Lãnh đạo quận Ba Đình khẳng định thời gian tới, quận chỉ đạo đơn vị thi công tiếp tục chỉnh sửa hạng mục ghế đá, bồn hoa có góc nhọn. Trong đó, một số bồn hoa chưa trồng đủ cây sẽ được bổ sung.