Bắt đầu phiên chất vấn “chưa từng có”: “Cân” sức nặng lời hứa của các Bộ trưởng
(Dân trí) - Báo cáo tổng hợp thẩm tra việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ của Đoàn Thư ký kỳ họp thể hiện hướng đánh giá “sòng phẳng” những kết quả đạt được, cảnh báo nghiêm khắc những điểm yếu vẫn tồn tại qua nhiều năm.
Đối với những nội dung thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, khái quát chung, Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét, về cơ bản, các báo cáo của Chính phủ đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, chỉ một số báo cáo theo lĩnh vực có nội dung đáp ứng đúng theo yêu cầu đề cương đã gửi (như các báo cáo thuộc lĩnh vực xây dựng, tài nguyên và môi trường, lao động, thương binh và xã hội, tư pháp).
Một số báo cáo đã bám sát theo đề cương nhưng còn thiếu phần báo cáo tổng hợp tình hình trả lời phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội (như các báo cáo thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, nội vụ, công an, thanh tra, dân tộc). Một số báo cáo, phần tồn tại, hạn chế, nguyên nhân còn chưa thật rõ (như các báo cáo thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải).
Một số báo cáo còn chưa bám sát đề cương, chủ yếu nêu kết quả đạt được và biện pháp thực hiện trong thời gian tới, chưa nêu rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm liên quan (như các báo cáo thuộc lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, thông tin và truyền thông).
Khối các bộ ngành về kinh tế, lĩnh vực kế hoạch – đầu tư được ghi nhận đã tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ cấu đầu tư công; quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA.
Dù vậy, những hạn chế cũng được chỉ rõ qua thực tiễn giám sát như chất lượng quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở một số bộ, ngành và địa phương chưa cao; thiếu sự phối hợp, lồng ghép và phù hợp với khả năng kinh tế và cân đối nguồn lực, còn mang tính khép kín... Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ở các dự án vẫn diễn ra; tăng quy mô, tăng giá không hợp lý.
Cơ quan thẩm tra báo cáo nhắc đến việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm trong việc sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 đã đề cập đến trách nhiệm của 6 bộ và 46 địa phương nhưng cần đầy đủ hơn. Mặt khác, chưa nêu rõ về trách nhiệm cá nhân đối với các sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.
Trưởng Đoàn thư ký cũng đề cập kết quả tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trong đó nhấn mạnh, sau hơn 2 năm thực hiện cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu đã có kết quả nhất định: số lượng các ngân hàng thương mại yếu kém đã giảm, nợ xấu được kiềm chế và bước đầu được xử lý, năng lực tài chính được nâng lên; nguy cơ đổ vỡ, mất khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng yếu kém được đẩy lùi, an toàn hệ thống được cải thiện. Tuy nhiên, báo cáo mới chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả thực hiện, chưa chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp về sắp xếp, tổ chức cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém…
Những nhận định này được nhắc lại trong phần đánh giá về lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh kết quả cơ cấu lại thệ thống ngân hàng thương mại, bảo đảm hoạt động hiệu quả, an toàn của hệ thống ngân hàng, cơ quan thẩm tra chỉ rõ, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cũng gặp những khó khăn, hạn chế. Việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian với nhiều thủ tục, quy định.
Việc giải quyết nợ xấu và sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, Đoàn Thư ký kỳ họp thống nhất, sau 3 năm thực hiện (2012-2014), tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 311,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 67% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012). Chất lượng tín dụng đang có chiều hướng được cải thiện và được phản ánh chính xác, minh bạch hơn. Dù vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản chậm hồi phục, các quy định có liên quan của pháp luật còn nhiều bất cập... gây khó khăn cho quá trình xử lý nợ xấu.
Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các tổ chức tín dụng từng bước được xử lý. Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau; sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ với tổng vốn điều lệ của hệ thống.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn chưa xử lý được dứt điểm pháp nhân của tổ chức tín dụng yếu kém; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích để hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, chính sách hỗ trợ tài chính, miễn, giảm thuế đối với các tổ chức tín dụng tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng yếu kém…
Đối với ngành xây dựng, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã tập trung giải quyết tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản, giải quyết vấn đề nhà ở xã hội.
Ngành Xây dựng cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng công trình; tăng cường quản lý chất lượng các công trình trọng điểm, công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình có quy mô lớn, phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, hạn chế thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, phòng ngừa được nhiều sai phạm, rủi ro về chất lượng công trình. Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau thẩm tra thiết kế vào khoảng 9,28% trong năm 2013 và khoảng 5,39% trong năm 2014. Tỷ lệ sự cố chất lượng công trình xây dựng năm 2014 cũng đã giảm so với 2013. Dù vậy, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp; tình trạng thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ thi công, nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc.
Cơ quan thẩm tra cũng “phê” công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị có nơi còn thiếu quyết liệt, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại một số dự án khu đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, một chỉ tiêu cụ thể là giảm tai nạn giao thông 5-10% được đề cập. Theo đó, từ 2012 đến nay, các chỉ số về tai nạn đã liên tục giảm theo từng năm, trên cả 3 tiêu chí. So với 2011 thì đến 2014, số người chết đã giảm 21,45%. Tuy nhiên, mục tiêu giảm số người chết như vậy vẫn chưa dạt đầy đủ tiêu chí đề ra trong Nghị quyết 21 năm 2011 của Quốc hội. So với yêu cầu giảm 5-10% tai nạn đề ra tại Nghị quyết 87 năm 2014 thì kết quả cũng chưa đạt.
Ngành giao thông được ghi nhận đặc biệt ở việc hoàn thành một số hạng mục công trình thiết thực trong đời sống kinh tế-xã hội (Quốc lộ 1A; cầu treo dân sinh; đường tuần tra biên giới; giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới...). Các dự án theo hình thức BOT cũng đã được giải trình làm rõ…
P.Thảo