1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Chất vấn Thủ tướng và tất cả các Bộ trưởng cuối nhiệm kỳ

(Dân trí) - Thủ tướng và tất cả các thành viên Chính phủ phải tham dự đủ 2,5 ngày phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 để sẵn sàng cho Quốc hội có thể chất vấn bất cứ chức danh nào về việc thực hiện các lời hứa, cam kết với Quốc hội, cử tri trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội này…

 


Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp 10.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo công bố chương trình kỳ họp 10.

Phiên chất vấn đặc biệt – phiên chất vấn sau cùng tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII này là một nội dung nhận rất nhiều quan tâm tại phiên họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 10 sáng nay (19/10) do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì.

Trình bày về chương trình kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, kỳ họp dự kiến kéo dài trong 31 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ (khai mạc vào 20/10, bế mạc ngày 28/11), dành 19 ngày để thảo luận, thông qua 18 luật, 14 Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án  luật khác.

Kỳ họp này Quốc hội cũng làm một việc rất quan trọng là phân bổ ngân sách – bản chất của vấn đề chính sách. Quốc hội cũng bầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia (bầu Chủ tịch Hội đồng và phê chuẩn danh sách các uỷ viên của Hội đồng).

Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội cũng sẽ bầu Tổng Thư ký của Quốc hội theo như quy định tại luật Tổ chức Quốc hội mới đã có hiệu lực thi hành.

Về hoạt động chất vấn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cbo biết, Quốc hội sẽ tổ chức một phiên chất vấn tổng thể. Trong 2,5 ngày, Quốc hội nghe Thủ tướng chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao và Chánh án TAND tối cao về việc thực hiện các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và báo cáo thẩm tra của UB Thường vụ Quốc hội về các báo cáo này. Quốc hội sẽ xem lại xem sau các Nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chất vấn thì những yêu cầu đề ra của mình đã được hoàn thành đến đâu. Các lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, Trưởng ngành theo đó sẽ được đánh giá, chất vấn đến cùng xem nội dung nào hoàn thành, nội dung nào không, hoàn thành đến đâu, lý do tại sao.

“Đây sẽ là cuộc chất vấn đi đến cùng các vấn đề” – ông Nguyễn Sỹ Dũng nhận định.


Các thành viên Chính phủ là khách mời trong một phiên chất vấn tại Quốc hội.

Các thành viên Chính phủ là khách mời trong một phiên chất vấn tại Quốc hội.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch cụ thể của phiên chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc diễn giải, chất vấn tài kỳ họp này là thực hiện rà soát lại việc chất vấn ở các kỳ họp trước. Quốc hội tổ chức chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ về việc thực hiện 8 Nghị quyết đã ban hành trong cả nhiệm kỳ, sau mỗi phiên chất vấn.

Sau đó Quốc hội có thể ra Nghị quyết về nội dung này và truyền đạt lại cho Quốc hội khoá sau để tiếp tục chất vấn. Ông Phúc nhấn mạnh, đây là hoạt động rất mới mà chưa áp dụng lần nào, để đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Theo đó, trong 2,5 ngày chất vấn, tất cả thành viên Chính phủ phải có mặt, tham dự phiên chất vấn để Quốc hội có thể chất vấn bất cứ thành viên nào về các vấn đề liên quan. Vấn đề nào liên quan đến Thủ tướng thì Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp trả lời, trong đó có thể có báo cáo thêm như thông lệ tại các kỳ họp cuối năm, nếu thấy cần thiết. Đó là quyền của Thủ tướng.

Một câu hỏi khác cũng liên quan đến hoạt động chất vấn là kỳ họp này Quốc hội tiến hành khi nhiều địa phương đã tiến hành Đại hội Đảng và một số đại biểu đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu sau diễn biến này. Việc này có thể dẫn đến thay đổi về thái độ hoặc quan điểm của nhiều đại biểu trong chất vấn, có thể không khí chất vấn gay gắt hơn, ngược lại cũng có nhân sự sẽ trở nên “dịu dàng” bất ngờ?

Đáp lời, ông Nguyễn Hạnh Phúc hóm hỉnh: “Không biết đại biểu sẽ gay gắt hay dịu dàng hơn, phải chờ xem phán đoán này thực tế sẽ thế nào. Nhưng đại biểu Quốc hội thì phải làm tròn vai của mình, phát biểu phải cho đúng với vai trò một đại biểu”.

Tại cuộc họp báo, báo giới cũng đặt vấn đề với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nói về tình trạng đại biểu đọc bài phát biểu của người khác viết cho trên hội trường (có thể là bài viết các bộ, ngành chuẩn bị) nên có những phiên thảo luận nhiều đại biểu nói nguyên những nội dung giống nhau, thậm chí giống cả ở lỗi sai. Dư luận có quyền nghi ngờ về việc vận động không lành mạnh trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam? Làm thế nào chống những việc tác động tới quyết định của Quốc hội bởi những biểu hiện lợi ích nhóm tương tự?

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông chưa kiểm chứng thông tin này nhưng về nguyên tắc, hoạt động của mỗi ngành, lĩnh vực sẽ được cử tri đánh giá về tổng thể. Còn việc đại biểu phát biểu là quyền, là lựa chọn của mỗi người và cử tri cũng đánh giá về chính những hoạt động đó của đại biểu.

“Cá nhân tôi nếu có thấy thoả mãn về việc thực hiện nhiệm vụ của một Bộ trưởng nào đó thì tôi có quyền phát biểu về việc đó nhưng đánh giá cao nhất là thuộc về người dân. Vậy nên một vài đại biểu phát biểu ca ngợi về ngành này, ngành kia khi thấy hài lòng, thỏa mãn với việc điều hành cảu lãnh đạo ngành thì điều đó cũng là bình thường” – ông Hạnh Phúc nói.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm