1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bão rời đất liền ra biển Tây, số người chết không ngừng tăng

16 giờ chiều nay, bão Durian đã rời đất liền ra biển Tây, có thể nhắm đến đảo Phú Quốc và Thổ Chu. Chỉ trong vòng 17 tiếng quẩn thảo, bão đã cướp đi ít nhất 50 sinh mạng, làm mất tích 19 người, giật sập gần 20.000 căn nhà. Đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng bởi các địa phương đang tiếp tục được cập nhật.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương, hơn 1.000 tàu thuyền của Vũng Tàu bị bão nhấn chìm, va đập là bài học nhãn tiền cho Kiên Giang nên công tác kêu gọi, cưỡng chế tàu thuyền được tiến hành cấp tập trong ngày hôm nay. Cho đến 15 giờ chiều nay, toàn bộ tàu thuyền trong khu vực biển Kiên Giang đều được kéo lên bờ, vào sâu trong đất liền chứ không neo đậu ven bờ nữa. 2.000 người dân ở các nơi ven biển, nhà tạm bợ đã di dời xong.

 

Đảo Phú Quốc đang là nỗi lo của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, sợ hậu quả giống như đảo Phú Quý, Bình Thuận tối qua. "Chúng tôi đang hồi hộp chờ bão, nếu gió vào đất liền cấp 7, 8 thì khi ra biển có thể tăng đột ngột lên cấp 11, rất nguy hiểm", ông Sương nói. Hiện Phú Quốc đã neo toàn bộ tàu thuyền vào tránh bão ở sông Dương Đông và di dời tất cả dân ven biển tiến sâu trong đất liền. 

Tại cuộc họp chiều nay, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo các bộ ngành thủy sản, bộ đội biên phòng phải rà lại từng tàu đang trú ẩn và đang hoạt động ngoài khơi. Bởi khi rời đất liền ra đến biển, bão sẽ được tiếp thêm năng lượng để tăng sức mạnh. Như thế, bão sẽ đe dọa tới huyện đảo Phú Quốc, và đảo Thổ Chu. Vùng biển phía tây rất nhiều cá, nên đang tập trung nhiều tàu thuyền về trú ẩn.

20 người ở Đồng bằng sông Cửu Long chết vì bão

Chưa đầy 1 ngày hứng chịu những cơn gió cấp 7 khi vào đất liền của bão số 9, nhiều khu vực ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đã bị bão cày nát. Hàng ngàn nhà cửa bị sập, hàng trăm cây cối trốc gốc ngổn ngang... Theo thống kê sơ, riêng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hơn 20 người đã thiệt mạng.

Sau khi bão đi qua Bến Tre, gần như 4 huyện Bình Đại, Ba Tri, Chợ Lách, Mỏ Cày và thị xã Bến Tre trở nên hoang tàn. Thống kê chưa đầy đủ sau 1 tiếng đồng hồ bão quần phá, Ủy ban phòng chống lụt bão cho hay, có 19 người thiệt mạng vì bị nhà sập đè, hơn 100 người bị thương. Gần 3.900 căn nhà bị sập hoàn toàn trong khi có đến 25.500 ngôi bị tốc mái. Ước tính khoảng 80% nhà cửa trên địa bàn tỉnh khu vực ảnh hưởng bị sập và tốc mái.

Đại diện tỉnh ủy cho biết, chưa bao giờ đón bão nên nhiều người dân ven biển chủ quan, bão đến cứ ngủ trong nhà nên bị sập, đè chết. Nhiều người chết hiện vẫn phải để ngoài trời vì nhà sập hoàn toàn, không còn chỗ để quàn thi thể.

4 ghe tàu của tỉnh tối qua đã trốn lệnh tập trung, tự ý ra khơi đánh bắt cá, đến nay được ghi nhận là mất tích, chưa thấy liên lạc. Toàn bộ cây cối, hoa màu bị đổ, gãy, trốc gốc. Nhân viên trực ban Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre cho hay, thị xã rơi vào cảnh tan hoang chưa từng có.

Tỉnh ủy Bến Tre trưa nay đã quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ có người thiệt mạng 2 triệu đồng/người, đồng thời yêu cầu các bệnh viện, trạm xá tập trung cứu chữa người bị thương.

Khoảng 10h sáng nay, bão số 9 đổ bộ vào Bến Tre với sức gió mạnh cấp 8. Khác với khi vào Tiền Giang chủ yếu đi dọc ven biển, qua Bến Tre bão đột ngột chuyển hướng lên hẳn đất liền, càn lướt qua các huyện Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày, Chợ Lách, Thạnh Phú... Huyện Bình Đại nằm ven biển và ngay tâm bão nên thiệt hại nặng nề nhất.  

Tiền Giang thiệt hại nặng

Chánh văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết, tính đến 12h hôm nay, tỉnh có 2 người chết, 20 người bị thương do bão. Tổng số nhà bị thiệt hại gần 3.700 căn. 26 cơ quan, trường học hư hỏng nặng. 25 ghe tàu bị chìm và mất gần 30 bè cá đứt dây. Riêng các bè cá khu vực cồn Tân Long bị ảnh hưởng nhiều nhất, chìm 27 bè cá lớn nhỏ. Hơn 180 cây to bị trốc gốc. 400 ha lúa và 82 ha hoa màu bị mất trắng.

Ông Pháp cho biết thêm, sau khi bão tan, gần 13.000 dân được đi dời trước đó đang chuẩn bị quay về nhà. Các lực lượng dân phòng và đội cứu hộ đang giúp dân ổn định lại chỗ ở. Toàn bộ học sinh được nghỉ học 1 ngày hôm nay để đảm bảo an toàn.

Vùng ven biển TPHCM nước dâng mạnh

Chiều nay, nước của các sông, rạch tại huyện Cần Giờ đang dâng lên ào ạt, làm ngập hai bên bờ và tràn vào nhà dân ven sông. Ghi nhận của phóng viên tại đây, chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, nước ở cầu Dần Xây từ chỗ cạn đáy đã dâng mấp mé bờ. Nhà của hơn 20 chục hộ dân phía đầu cầu bắt đầu bị nước tràn vào.

Chi cục trưởng Thủy lợi và phòng chống lụt bão TPHCM Nguyễn Ngọc Công khẳng định, hôm nay không phải là thời điểm đỉnh triều cường. "Việc nước dâng đột ngột và cao ở vùng ven là do ảnh hưởng của mưa bão". Hiện, mực nước triều ở TPHCM đi được 1,33m. Ngày mai, triều cường sẽ tăng cao thêm 0,04m nữa và đạt đỉnh là 1,4m sau đó. Đây là mức nguy hiểm làm triều ngập thành phố.

Những người dân được di dời tránh bão nay cũng lục tục trở về nhà. Song, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoặc tốc mái chưa được sửa chữa kịp nên đêm nay, nhiều người dân sẽ phải ngủ ngoài trời hoặc trú nhờ nhà khác. Lãnh đạo huyện cho biết, việc hỗ trợ khắc phục hậu quả cho những nhà dân bị thiệt hại còn phải chờ chỉ đạo của UBND thành phố.  

Kiên Giang đủ thời gian để “chạy” bão

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương cho hay, trong khi bão hoành hành ở các tỉnh đầu miền Tây Nam bộ thì Kiên Giang ở cuối đất nước nên có nhiều thời gian chuẩn bị đón bão hơn.  

Hơn 1.000 tàu thuyền của Vũng Tàu bị bão nhấn chìm, va đập là bài học nhãn tiền cho Kiên Giang nên công tác kêu gọi, cưỡng chế tàu thuyền được tiến hành cấp tập trong ngày hôm nay. Cho đến 15h chiều nay, toàn bộ tàu thuyền trong khu vực biển Kiên Giang đều được kéo lên bờ, vào sâu trong đất liền chứ không neo đậu ven bờ nữa. 2.000 người dân ở các nơi ven biển, nhà tạm bợ đã di dời xong.

Đảo Phú Quốc đang là nỗi lo của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, sợ hậu quả giống như đảo Phú Quý, Bình Thuận tối qua. "Chúng tôi đang hồi hộp chờ bão, nếu gió vào đất liền cấp 7, 8 thì khi ra biển có thể tăng đột ngột lên cấp 11, rất nguy hiểm", ông Sương nói.

Hiện Phú Quốc đã neo toàn bộ tàu thuyền vào tránh bão ở sông Dương Đông và di dời tất cả dân ven biển tiến sâu trong đất liền.

Theo Nhóm PV
Vnexpress

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm