1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sau bão, nhiều người dân chịu màn trời chiếu đất

Hơn một ngày sau khi bão số 9 đi qua, ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, đảo Phú Quý, nhà cửa bị sập, tốc mái vẫn còn ngồn ngang. Nhiều người dân Đồng bằng sông Cửu Long tối 6/12 phải ngủ ngoài trời.

Ông Trần Quốc ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, thảng thốt: "Nhà ai cũng không sập thì tốc mái, không có chỗ để mà trú đêm". Phụ nữ, người già, trẻ em dắt díu nhau trú tạm ở các trường học, cơ quan hành chính, những nơi còn tương đối nguyên vẹn sau bão. Còn đàn ông ở lại nơi từng gọi là nhà để trông coi tài sản. "Chúng tôi chưa hoàn hồn lại sau cơn bão nữa nên không biết phải làm gì bây giờ", ông Quốc cho biết.

Nhiều người dân Bình Đại, Mỏ Cày, Ba Tri lâm cảnh màn trời chiếu đất, bởi có đến 86.598 ngôi nhà bị tốc mái, 19.307 nhà bị sập. Điện bị cúp ở nhiều nơi vì 400 điểm dây bị đứt, 165 trụ điện bị ngã đổ, đến giờ này chưa khôi phục hoàn tất.

Theo thống kê chiều nay của Ủy ban phòng chống lụt bão tỉnh Bến Tre, số người chết từ 19 người ban đầu đã giảm xuống còn 14. 5 người tưởng chết đã được cứu sống khi đưa vào bệnh viện. 470 người bị thương. Ước tính thiệt hại của Bến Tre lên đến 300 tỷ đồng.

Chiều qua, UBND tỉnh này đã quyết định ứng 50 tỷ đồng vốn từ trung ương, Sở Tài chính cũng xuất 14,5 tỷ đồng, Ủy ban phòng chống lụt bão trao 50 triệu đồng... cùng hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn sau cơn bão. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo tỉnh Bến Tre thừa nhận đã chủ quan trong việc chuẩn bị đối phó với bão, không phân công phụ trách địa bàn cho từng thành viên Ban thường vụ.

Cha mẹ chết, con bơ vơ

 

Thủ tướng hoãn công du để thăm hỏi đồng bào bị bão

Theo kế hoạch, hôm nay (7/12) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên đường thăm Singapore và Malaysia. Tuy nhiên, ông đã quyết định hoãn chuyến công du để thăm hỏi đồng bào bị thiên tai. Sáng mai, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị rút kinh nghiệm phòng chống bão Durian, được tổ chức tại TPHCM.

Hôm nay, người đứng đầu Chính phủ đã đến Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất sau bão Durian. Thủ tướng đã xuống thăm hỏi một số gia đình có người bị chết trong cơn bão, đồng thời đi khảo sát tại một số nơi thiệt hại nặng.

Cùng ngày, Phó thủ tướng Nguyễn Gia Khiêm đã ra thăm đồng bào huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), cùng với địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả. Phú Quý là nơi đầu tiên cơn bão tràn qua, để lại cảnh hoang tàn với khoảng 2.000 nhà bị sập hoặc tốc mái, hơn 600 tàu thuyền bị chìm. Rất may không có người thiệt mạng.

Chiều ngày 6/12, chúng tôi tới gia đình chị Đào Thị Hằng, SN 1982. Chị Hằng chết để lại hai con nhỏ là cháu Nguyễn Nhất Ánh (SN 2003) và Nguyễn Nhất Hạ (SN 2002). Khi thấy bão, chị Hằng cùng mẹ già 73 tuổi và 2 con nhỏ đã chui xuống gầm giường tránh bão. Thế nhưng những trận cuồng phong liên tiếp đã cuốn cả tấm ô văng của nhà mới xây bên cạnh đổ sập, chị Hằng chỉ biết che chở cho 2 con nhỏ, mẹ già còn mình gánh chịu tất cả.

 

Nghe tiếng bà cụ già và trẻ em kêu cứu, hàng xóm tới bới trong đống đổ nát ra thì chị Hằng đã chết. Anh Nguyễn Thanh Hoạt, chồng chị Hằng nói trong nước mắt: “Chúng em lấy nhau được 5 năm, cả hai đều là công nhân nghèo, nay vợ em chết em chưa biết xoay xở thế nào”.

 

Gia đình chị Đặng Thị Lan trú ở số 442/1/25/2G Bình Giã, TP Vũng Tàu cũng gặp cảnh tương tự. Bốn mẹ con trú bão trong nhà. Căn nhà hàng xóm đổ ụp xuống nhà chị Lan. Chị Lan lấy thân che chở cho 3 đứa con. Chúng chỉ bị thương nhưng chị Lan thì mãi mãi ra đi.

 

Trước mặt chúng tôi là ba đứa trẻ ngơ ngác trong bệnh viện, đứa nhỏ nhất tên Bùi Văn Huy, SN 1998 bị thương  đang được chị bế nhưng cả chị nó cũng như người mất hồn.

 

Ở khu phố Hải Điền 3, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền khi cơn bão ập tới khiến căn nhà nguy cơ đổ sụp đe dọa tính mạng 3 đứa con, anh Ngô Viết Dũng cùng vợ là chị Bùi Thị Trúc đã cố gắng chống chọi với bão  bảo vệ tính mạng 3 đứa con nhỏ. Nhưng rồi nhà vẫn sập, anh Dũng và chị Trúc chết để lại 3 đứa con nhỏ bơ vơ.

Lãnh đạo Tiền Giang bị khiển trách  

Thiếu tướng Phạm Văn Tàu, thay mặt Ban chỉ đạo tiền phương của Chính phủ trực tiếp có mặt tại Gò Công, Tiền Giang ngay lúc bão đến hôm qua, bức xúc: "Khi bão đến, lãnh đạo còn đang họp Hội đồng nhân dân mà không tập trung chống bão để bảo vệ con người. Đề nghị nghiêm túc kiểm điểm và phạt nặng lãnh đạo tỉnh".

Theo Văn phòng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm và cứu nạn Tiền Giang, tỉnh đã tìm thấy được 4 người mất tích. Lực lượng cứu hộ tiến hành trục vớt thêm 17 ghe tàu bị chìm trong bão.

Công tác khắc phục thiệt hại cũng được tiến hành khẩn trương. Chiều nay, về cơ bản lực lượng xung kích đã hoàn tất giúp dân dựng lại nhà xiêu vẹo, tốc mái và hư hỏng nhẹ. Riêng những nhà bị sập và hư hỏng nặng, chính quyền địa phương tiến hành vận động bà con giúp nhau hoặc tìm chỗ cư ngụ tạm thời.

Dự kiến, tỉnh sẽ hỗ trợ cho các gia đình bị sập nhà 6 triệu đồng/hộ. Hộ có người bị thương được giúp 1 triệu đồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu tăng số người chết

Chuyên viên phòng thường trực chống lụt bão tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ông Nguyễn Ngọc Lộc cho biết: "Theo số liệu cập nhật mới nhất, tính đến 12 giờ trưa nay, 47 người dân của tỉnh bị thiệt mạng. Số người mất tích giảm xuống còn 9 và bị thương hơn 240 người".

Toàn tỉnh bị sập gần 8.000 căn nhà, khoảng 55.000 ngôi nhà và 85 chợ xiêu vẹo, tốc mái. Hơn 2.300 cây bật gốc. Hàng nghìn hecta cây trồng bao gồm công nghiệp cao su, tiêu, điều và cây ăn trái bị hư hỏng.

Lãnh đạo tỉnh cũng thừa nhận là công tác khắc phục đang còn gặp rất nhiều khó khăn mặc dù tỉnh đã rất cố gắng. Tạm thời, về cơ bản đã khắc phục được mạng lưới điện, các phương tiện thông tin liên lạc, dọn dẹp cây xanh đổ ngã và đảm bảo lương thực thực phẩm cho nhân dân.

Theo Vnexpress, Tiền Phong