Mất mát trong bão Durian: Lỗi của sự chủ quan?
Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã thẳng thắn phê bình lãnh đạo một số địa phương chủ quan với bão. Đằng sau lời phê bình đó là trên 100 người chết và mất tích, trên 400 người bị thương, trên 1.000 tàu thuyền bị đắm, hàng chục ngàn ngôi nhà hư hại và hàng ngàn người lâm cảnh màn trời chiếu đất…
Nguyên nhân? Trước hết, Durian là một cơn bão có đường đi trái qui luật, khó dự báo tới mức cơ quan dự báo khí tượng quốc gia Việt Nam và các cơ quan dự báo khí tượng uy tín trên thế giới vẫn không báo được đường đi, cường độ...
Thoạt đầu, các cơ quan đưa ra dự báo cho rằng khi chạm vào Khánh Hòa thì bão Durian suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Liền sau đó các cơ quan lại thay đổi khi đưa ra cảnh báo: đã mạnh lên thành bão. Bản đồ dự báo bão của hải quân Mỹ, cơ quan khí tượng Nhật, Hong Kong và Đại học London liên tục điều chỉnh đường đi thay đổi của bão. Lưỡi hái chết chóc của nó cứ chờn vờn dọc miền duyên hải Nam Trung bộ.
Sự thất thường, bất thường của bão Durian là một yếu tố gây nên hậu quả thảm khốc.
Đó chỉ là chuyện của cơn bão.
Về sức gió, Durian chỉ là cơn bão thuộc hàng “đàn em” so với siêu bão Xangsane, cấp gió 8-9 so với cấp 13-14. Thế nhưng khi Xangsane đổ trực diện vào miền Trung, thiệt hại về nhân mạng thấp hơn so với Durian. Bởi miền Trung chống bão bằng tất cả sự cảnh giác cao độ.
Còn với Durian, dù nó chưa đổ vào đất liền nhưng đã lấy đi 23 nhân mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, 16 người mất tích. 5 giờ sáng 5/12, bão vừa chạm vào tỉnh Bến Tre, chưa kịp đi qua hết tỉnh thì đã có 17 người thiệt mạng, nhiều người bị thương.
Trên 100 người chết và mất tích, có gì để biện bạch nếu đó không phải là sự chủ quan, khinh suất của cả người dân lẫn chính quyền các cấp?
Một câu chuyện chủ quan “lạnh gáy” xin kể ra đây để tất cả cùng mừng và cùng lo: Trong khi nhiều tỉnh ĐBSCL đã cho học sinh nghỉ học trong ngày 5/12 thì Trà Vinh bình chân như vại. Sáng 5/12, khi thầy trò đã vào lớp thì bão ập đến. Phụ huynh nhốn nháo lo cho con; thầy trò nhớn nhác tìm người và phương tiện ứng cứu. Rất may, thầy trò cùng nhau cố thủ trong trường và không có tai họa nào xảy ra mặc dù có trường bị sập.
Có thể người dân và chính quyền các tỉnh miền Tây Nam bộ - mặc dù đã được khuyến cáo - nhưng vẫn chủ quan vì miền đất này ít chịu bão tố. Nhưng những gì diễn ra gần đây cho thấy: bão tố ngày càng có những diễn biến bất thường và không tuân theo qui luật. Cơn bão Linda năm 1997 từng để lại hậu quả thảm khốc ở ĐBSCL (cướp đi sinh mạng cả ngàn người) hoàn toàn chưa phải là chuyện cũ.
Mọi sự chủ quan đều là khởi đầu của thảm họa. Với một đất nước hằng năm phải hứng chịu hàng chục cơn bão thì bài học về sự chủ quan, khinh suất luôn phải trả giá rất đắt.
Theo Đặng Đại
Tuổi Trẻ