1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Báo cáo Thủ tướng việc thu phí tự động các tuyến cao tốc do VEC quản lý

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Trong 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý và vận hành, mới chỉ có cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình triển khai thu phí tự động; 4 dự án còn lại dự kiến sẽ thực hiện trong quý III năm nay.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý.

Hiện nay, VEC được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư xây dựng và quản lý vận hành, khai thác 5 dự án đường cao tốc gồm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trong 5 dự án nêu trên, mới chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí ETC (15/40 làn) từ ngày 10/6/2020, các tuyến cao tốc khác vẫn triển khai thu phí theo hình thức một dừng.

Báo cáo Thủ tướng việc thu phí tự động các tuyến cao tốc do VEC quản lý - 1

Trạm thu phí Dầu Giây trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (Ảnh: CTV).

Theo Bộ GTVT, trên cơ sở số lượng các làn, lưu lượng xe qua các trạm thu phí và năng lực khai thác của hệ thống thu phí không dừng so với hệ thống thu phí một dừng, VEC tính toán trước mắt sẽ phân kỳ đầu tư 140 làn thu phí không dừng sẽ đảm bảo các cao tốc thu phí theo hình thức thu phí ETC đồng bộ, đáp ứng yêu cầu.

Về nguồn vốn đầu tư hệ thống thu phí ETC, trên cơ sở đề xuất của VEC, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng đồng thuận phương án sử dụng chi phí quản lý thu phí VEC đang thực hiện (thu phí một dừng) để thuê trọn gói dịch vụ thu phí ETC và phải hoàn thành trong quý I/2022.

VEC đã triển khai việc thuê nhà cung cấp dịch vụ thu phí cho các tuyến cao tốc do VEC quản lý bằng nguồn chi phí tổ chức thu phí trong phương án tài chính của dự án. Đến thời điểm này, VEC đã chuẩn bị các thủ tục về lập kế hoạch thuê, yêu cầu kỹ thuật, hồ sơ mời thầu để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của hình thức thuê dịch vụ thu phí ETC tại các dự án cao tốc do VEC quản lý còn có ý kiến khác nhau trong việc áp dụng các quy định pháp luật.

Theo Nghị định số 73/2019 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, việc thu phí có thể thực hiện theo 2 phương án.

Phương án 1, trường hợp coi hệ thống thu phí ETC là một dự án mới, VEC phải triển khai các thủ tục lập dự án thuê dịch vụ thu phí điện tử không dừng và thuộc thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt. Quy trình này sẽ mất nhiều thời gian do phải thực hiện rất nhiều thủ tục nên không thể hoàn thành trong năm 2022.

Phương án 2, trường hợp coi việc triển khai thu phí ETC chỉ là hình thức thu phí mới thay thế hình thức thu phí một dừng, VEC sẽ vận dụng trình tự thủ tục thuê nhà cung cấp dịch vụ như đối với hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng chi phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Triển khai theo phương án này, thẩm quyền do VEC quyết định và đẩy nhanh tiến độ do chỉ cần phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ để tổ chức lựa chọn ngay nhà cung cấp dịch vụ.

Báo cáo Thủ tướng việc thu phí tự động các tuyến cao tốc do VEC quản lý - 2

Hiện VEC đang quản lý, vận hành 5 tuyến đường cao tốc (Ảnh: CTV).

Với 2 phương án nói trên, Bộ GTVT khẳng định đều bảo đảm công khai, minh bạch thông qua đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, đều sử dụng chi phí quản lý thu phí trong phương án tài chính của các dự án cao tốc để thuê nhà cung cấp dịch vụ, do vậy không ảnh hưởng tới hiệu quả, phương án tài chính và phương án trả nợ của các dự án cao tốc.

Để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng, phát huy hiệu quả đầu tư, cũng như sớm lắp đặt, vận hành hệ thống đáp ứng nhu cầu xã hội, VEC đã tổ chức triển khai thực hiện theo phương án 2 để tổ chức thực hiện. Với phương án này tiến độ thực hiện sẽ được đẩy nhanh hơn, dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý II/2022, triển khai lắp đặt thiết bị và vận hành hệ thống trong quý III/2022.