Vì sao VEC được "ưu ái" chậm thu phí không dừng 4 tuyến cao tốc?
(Dân trí) - Hạn chót thu phí tự động không dừng là 31/12 tới đây, nhưng do đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa được phê duyệt nên phải chờ thông qua và bố trí vốn.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết như vậy liên quan tới các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và thời hạn "đóng cửa" trạm thu phí chậm thu phí tự động không dừng, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tối 2/12.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện nay có 5 tuyến cao tốc do VEC đầu tư và quản lý khai thác. Riêng tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình kết nối Pháp Vân đi Cầu Giẽ thu phí không dừng đã hoạt động, mang lại hiệu quả, kết nối được cả tuyến. Còn lại 4 tuyến chưa triển khai thực hiện.
"Cao tốc TPHCM đi Long Thành, Dầu Giây cũng có hệ thống thu phí và lắp hệ thống trên xe, nhưng do không tiện dụng nên chưa sử dụng. Các tuyến khác chưa có tiền để triển khai" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Thông tin về nguyên nhân của tình hình trên, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết do tái cơ cấu của VEC, đề án chưa được phê duyệt. Quốc hội đã có nghị quyết liên quan đến bố trí vốn, trước mắt phải bố trí vốn, thông qua đề án của VEC.
"Việc huy động vốn phải có ý kiến của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban cũng phải chờ tái cơ cấu VEC" - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Gần đây nhất, ngày 25/11, trong cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo xử lý vướng mắc liên quan đến việc này để có báo cáo Bộ Chính trị, trong đó có cả vướng mắc trong huy động vốn để lắp đặt trạm thu phí không dừng.
"Từ giờ đến 31/12 khả năng không thể xong được 4 trạm. Vì vậy các này sẽ đưa vào sử dụng, khai thác theo cam kết của Bộ GTVT đối với giai đoạn 1 và 2" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm.
Theo Bộ GTVT, trong số 44 trạm thu phí giai đoạn 1 đã lắp đặt vận hành hai làn thu phí không dừng mỗi chiều đường ở 38/44 trạm. Đối với 33 trạm giai đoạn 2 của dự án, hiện nay có 25 trạm đã được 20 nhà đầu tư quản lý ký phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng.
Cũng tại cuộc họp báo, vấn đề "giải cứu" các hãng hàng không bị thiệt hại do Covid-19 cũng được nêu lên, đặc biệt là sau khi Vietnam Airlines được hỗ trợ vay vốn thì các hãng hàng không tư nhân như Vietjet, Bamboo cũng muốn vay vốn hỗ trợ của Chính phủ.
Về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Từ khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải nói chung, không riêng ngành hàng không, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành, thực hiện chủ trương của Chính phủ đưa ra một số quyết sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải thông qua việc giảm phí mặt đất, giảm thuế nhiên liệu bay… và việc này đối xử bình đẳng không phân biệt hãng hàng không nào.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhấn mạnh: "Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, có vốn của Nhà nước, do đó Nhà nước cần bảo toàn nguồn vốn này khi hãng bị tác động nặng nề vì đại dịch. Còn với đề xuất của các hãng hàng không tư nhân hiện nay còn cần phải làm rõ là vốn của các hãng hàng không này ở đâu và hỗ trợ theo phương thức nào...".