1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Góp ý sửa đổi Hiến pháp:

Bàn luận sôi nổi về tăng quyền hạn của Chủ tịch nước

(Dân trí) - “Chủ tịch nước có quyền triệu tập Chính phủ và chủ trì họp bàn về các vấn đề thuộc thẩm quyền”, "Yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật”… nhiều ý kiến góp ý sửa Hiến pháp đều đề cập vấn đề tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước.

Cùng với các góp ý được gửi và đăng tải trên website duthaoonline của Văn phòng Quốc hội, nhiều đề xuất từ giới chuyên môn, người dân cũng gửi tới Dân trí. Qua đó có thể thấy rất nhiều người quan tâm tới nội dung sửa đổi bổ sung trong dự thảo Hiến pháp về chế định Chủ tịch nước.

Độc giả Phạm Gia Minh viết trên duthaoonline: “Việc sửa đổi Hiến pháp lần này phải quy định rõ Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, là người đứng đầu Nhà nước. Phải làm nổi bật vai trò của người đứng đầu tham gia các hoạt động đội nội và đối ngoại. Thủ tướng Chính phủ là người điều hành Chính phủ do Chủ tịch nước giới thiệu để Quốc hội bầu”.

Cụ thể nội dung này, độc giả đề xuất quy định khi giới thiệu Thủ tướng để Quốc hội bầu, Chủ tịch nước chuẩn bị danh sách 3 ứng viên. Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên trực tiếp, không phải qua Quốc hội phê chuẩn.
Nhiều ý kiến góp ý đăng tải trên duthaoonline đề xuất hướng tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước.
Nhiều ý kiến góp ý đăng tải trên duthaoonline đề xuất hướng tăng thẩm quyền cho Chủ tịch nước.

Phạm Gia Minh cũng đặt vấn đề hợp nhất hai chức danh Tổng bí thư và Chủ tịch nước là một để tăng thêm quyền và vị trí đứng đầu Đảng và Nhà nước; Thành lập cơ quan điều tra Quốc gia do Chủ tịch nước đứng đầu để thực hiện việc Điều tra các đối tượng có chức sắc phạm tội.

Tán thành quan điểm này, độc giả Vũ Hữu Phương “đề nghị Hiến pháp quy định Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư”. Độc giả Lê Khắc Thành đề nghị sửa điều 91 thành: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, là Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thay mặt Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”.

Bạn Vũ Hữu Lân góp ý cần quy định bổ sung: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch nước thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về công tác đối nội và đối ngoại”. Điều này làm rõ vai trò cơ bản của Chủ tịch nước, tránh vi hiến có thể xảy ra.

Độc giả Phạm Gia Minh phân tích, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu Nhà nước về đối nội và đối ngoại nên Hiến pháp cần quy định cho Chủ tịch nước có quyền đề cử và với sự phê chuẩn của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Chủ tịch nước vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là thành viên của Chính phủ và có tác động trực tiếp đến bộ máy Hành pháp. Chủ tịch nước sẽ chủ trì việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Chính phủ và phải là trung tâm quyết sách của Chính phủ.

“Nếu quy định như vậy thì vai trò, vị trí và quyền lực của Chủ tịch nước sẽ tương tự như quyền lực của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 1946...” – độc giả này viết.

Tuy nhiên, muốn quyền lực của Chủ tịch nước được tăng cường theo hướng này thì quy định về cách thức hình thành chức vụ Chủ tịch nước phải được thay đổi theo hướng Chủ tịch nước là do nhân dân trực tiếp bầu ra. Như thế, quyền lực của Chủ tịch nước nhận được từ nhân dân, do nhân dân uỷ quyền nên có thể độc lập với Quốc hội ở một mức độ nhất định.

Độc giả “chốt” lại, với quy định Đảng lãnh đạo như ở nước ta hiện nay, nên chăng có thể quay lại thực tế lịch sử của đất nước trước đây (và cũng giống với quy định của Trung Quốc hiện nay) là Nguyên thủ quốc gia sẽ đồng thời là Tổng Bí thư hoặc Chủ tịch Đảng. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vừa là Chủ tịch nước, vừa là Chủ tịch Đảng.

Mặt khác, xét ở khía cạnh quan hệ với Quốc hội, theo Phạm Gia Minh, trong xu thế hiện nay và nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền, sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước cần phải rạch ròi hơn, sự giám sát và kiểm soát quyền lực Nhà nước cũng cần được tăng cường.

Độc giả đặt vấn đề Hiến pháp nên quy định cho Chủ tịch nước quyền yêu cầu Quốc hội thảo luận lại hoặc xem xét lại một dự luật mà Quốc hội đã thông qua trong một thời gian nhất định và quyền này không thể bị từ chối. Nếu ở lần thảo luận lại này mà Quốc hội vẫn thông qua với ít nhất là 2/3 số phiếu tán thành thì Chủ tịch nước phải công bố.

“Quy định như vậy sẽ vừa làm tăng trách nhiệm, sự cẩn trọng của Quốc hội trong việc làm luật, vừa làm cho quy trình làm luật cẩn thận, kỹ càng và chắc chắn hơn, qua đó vừa nâng cao sự ổn định của luật, vừa tăng cường được ảnh hưởng, sự quan tâm và trách nhiệm của Chủ tịch nước với việc làm luật của Quốc hội và đảm bảo sự giám sát lẫn nhau trong hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước” – độc giả lập luận.

Liên quan đến vấn đề tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước, độc giả Hoàng Ngọc Sơn gửi đến Dân trí kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều Điều 93. Trong khoản 1, độc giả đề nghị bổ sung thêm cụm từ “có quyền bãi bỏ các văn bản của Chính phủ, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nếu văn bản đó không phù hợp với Hiến pháp, pháp luật.

Ở khoản 5, độc giả đề nghị viết: Chủ tịch nước thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân …….; bổ nhiệm, cách chức các chức danh: Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương.

Ở Điều 95, khoản 2, độc giả Sơn đề nghị ghi “Khi cần thiết, Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ và chủ trì họp bàn những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.

Ở Điều 96, độc giả đề nghị viết “Chủ tịch nước ban hành sắc lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo luật định”.
 

Mời độc giả Dân trí tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992. Các bài viết xin vui lòng gửi về địa chỉ xahoi@dantri.com.vn

P.Thảo