Tăng quyền Chủ tịch nước để có thiết chế luôn giám sát Chính phủ
(Dân trí) - “Dự thảo Hiến pháp sửa đổi tăng quyền của Chủ tịch nước để có một thiết chế luôn luôn theo sát hoạt động của Chính phủ - cơ quan phải sử dụng quyền hạn nhiều nhất - là cần thiết, kịp thời, phù hợp thực tế”, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nói.
TS. Nguyễn Đình Lộc có cuộc trao đổi với báo chí về những nội dung đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi bên hành lang Quốc hội.
Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã chính thức trình Quốc hội tại kỳ họp này. Một nội dung Ban chỉ đạo sửa đổi Hiến pháp đề xuất là bổ sung một số quy định về chế định Chủ tịch nước theo hướng tăng thêm một số thẩm quyền của chức danh này đối với Chính phủ, Thủ tướng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước trong Hiến pháp 1992 khiến nhiều người thất vọng. Khi đó, chúng ta xác định cơ quan hành pháp là Chính phủ, lập pháp là Quốc hội, tư pháp là Tòa án. Nhưng chế định Chủ tịch nước thì chưa xác định vị trí rõ ràng. Khi đặt vấn đề sửa Hiến pháp, nhiều người đã mong muốn sửa chương quy định về thẩm quyền của Chủ tịch nước.
TS. Nguyễn Đình Lộc
Đây có phải là biện pháp để tăng cơ chế kiểm soát quyền lực cấp cao?
Đúng là như thế. Cơ quan phải sử dụng quyền hạn nhiều nhất hiện là Chính phủ. Vì thế, thẩm quyền của Chính phủ phải đi vào cụ thể. Bây giờ có một thiết chế luôn luôn theo sát hoạt động của Chính phủ để phát hiện và xử lý các quy định trái Hiến pháp là rất tốt.
Dự thảo có đề xuất quy định Chủ tịch nước được yêu cầu Chính phủ họp về vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm. Nội dung này phải hiểu thế nào, thưa ông?
Đây là một điểm rất mới, độc đáo. Khi cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước. Ở đây phải thấy rằng, Chủ tịch nước cần sự giúp đỡ của Chính phủ. Vì Chính phủ điều hành mọi hoạt động liên quan đến đời sống xã hội thì quy định của Chủ tịch nước người ta phải chấp hành. Nhưng việc chấp hành lại không đưa đến kết quả như mong muốn. Trong trường hợp đó, Chủ tịch nước có thể tự làm được rồi. Tuy nhiên, cơ quan có thể trực tiếp nắm được tình hình này lại chính là Chính phủ nên Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp là kịp thời, cần thiết, phù hợp với thực tế.
Về cơ chế bảo hiến, dự thảo nêu 2 phương án về việc lập cơ quan bảo vệ hiến pháp. Ông tán thành phương án nào?
Cơ chế bảo hiến theo hướng có cơ quan chuyên trách, một thiết chế tương đối phổ biến trên thế giới. Và có như vậy, hoạt động này mới có hiệu quả. Nhưng trong dự thảo, phương án 1 là không lập cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp (được UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp lựa chọn) thì sẽ không giải quyết được những bất cập, hạn chế vốn đã tồn tại lâu nay.
Ví dụ, trong những năm qua, có những trường hợp vi phạm Hiến pháp nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý.
Theo tôi, lựa chọn phương án 2 (thành lập Hội đồng Hiến pháp để có cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp) là hợp lý nhất. Vì cơ chế bảo hiến với cơ quan chuyên trách là một thiết chế tương đối phổ biến trên thế giới. Điều này cũng thể hiện rằng Hiến pháp là ý chí thực sự của nhân dân. Nếu có cơ quan chuyên trách thì khi có những vi phạm Hiến pháp sẽ kịp thời điểm tra, xử lý.
Theo tôi nên điều chỉnh dự thảo Hiến pháp sửa đổi sao cho thiết chế, chức năng bảo hiến được chấp nhận.
Một vấn đề khác hiện cũng còn nhiều băn khoăn trong dự thảo là phần quy định về vai trò của Đảng, Quốc hội. Theo ông, hướng sửa đổi đề xuất đã đầy đủ, phù hợp?
Vấn đề xác định vai trò của Đảng, nói thực tôi cũng chờ đợi nhiều hơn. Vì Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo thì không ai băn khoăn nhưng người dân mong chờ là có một thiết chế rõ ràng. Hiến pháp hiện hành cũng như Điều lệ Đảng đều nói rõ mọi tổ chức hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật nên vị trí, hoạt động của cơ quan nào cũng phải luật hóa. Hơn nữa, Đảng ta là đảng cầm quyền thì cần có luật về việc cầm quyền của Đảng.
Việc thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng là điều thiêng liêng đối với chúng ta, nhưng sự lãnh đạo của Đảng cần phải luật hóa.
Còn Quốc hội là cơ quan đại diện thực hiện quyền của người khác, đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Nhưng điều đó lại không được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp này.
Vấn đề bị “kêu” nhất trong bản Hiến pháp 1992 là việc Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Một câu hỏi đặt ra, Quốc hội được quyền giám sát tối cao thì không ai giám sát Quốc hội hay sao? Theo tinh thần Hiến pháp 1992 là phải tự giám sát mình.
Do đó, những vấn đề này cần phải làm cho rõ ràng. Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Nhưng phải có cơ chế, thiết chế giám sát Quốc hội. Tất cả những việc này càng đòi hỏi phải có cơ chế bảo hiến.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo