DNews

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do

Thanh Tùng Hạnh Linh

(Dân trí) - Mỗi lần tên Quảng trường Ba Đình vang lên như một lần nhắc lại những trang sử hào hùng, tinh thần quật cường của nhân dân Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa trong thời kỳ chống Pháp ở cuối thế kỷ XIX.

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do

Lời tòa soạn: Khởi nghĩa Ba Đình là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, diễn ra vào năm 1886-1887 tại xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trận đánh này đã để lại một mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh chống giặc giữ nước của dân tộc ta.

Trải qua 138 năm, mỗi lần nhắc lại ký ức hào hùng của cha ông, người dân xã Ba Đình luôn tự hào khi tên của vùng đất này được chọn để đặt cho Quảng trường Ba Đình - trái tim của thủ đô Hà Nội.

Niềm tự hào của cả dân tộc

Những ngày này, tại chiến khu Ba Đình, xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, đơn vị thi công đang gấp rút xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình tại chân núi Thúc, thôn Điền Hộ.

Ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Ba Đình, cho biết dịp lễ mùng 2/9 hằng năm có nhiều đoàn du khách ghé thăm khu căn cứ Ba Đình. "Du khách đến Ba Đình được nghe người dân kể về chuyện đắp lũy, xây thành, tinh thần chiến đấu anh dũng của người dân Ba Đình. Điều này, khiến chúng tôi rất tự hào", ông Xuân nói.

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do - 1

Công sở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay (Ảnh: Thanh Tùng).

Bà Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình rất tự hào khi ngôi trường của mình đang công tác mang tên chiến khu Ba Đình.

Theo bà Dung, nhằm giúp học sinh hiểu hơn về lịch sử, hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng, nhiều lần nhà trường đã tổ chức các hoạt động, trò chơi dân gian về cuộc khởi nghĩa Ba Đình, đưa cho học sinh đi thăm lăng Bác Hồ ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

"Ra Ba Đình, Hà Nội tôi cảm nhận được sự thân thuộc. Học sinh cũng rất chăm chú lắng nghe câu chuyện về Ba Đình ở Nga Sơn, về Quảng trường Ba Đình. Sau mỗi chuyến đi, tôi thấy yêu hơn mảnh đất, cảm phục tinh thần quật cường của người dân Ba Đình, xã Nga Sơn, nơi tôi đang gắn bó", bà Dung bày tỏ.

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do - 2

Quảng trường Ba Đình (Ảnh: Nguyễn Hải).

Ông Mai Nhữ Đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho biết công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình được địa phương xây dựng với diện tích hơn 1,6ha, tổng mức đầu tư là 95,5 tỷ đồng.

"Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, chúng tôi có ý tưởng sẽ đặt một bức ảnh lớn của Quảng trường Ba Đình, Hà Nội tại khu di tích. Mỗi du khách đến tham quan sẽ được nghe kể về mối liên hệ giữa Ba Đình ở huyện Nga Sơn và Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Dù là hai địa danh khác nhau nhưng chung một niềm tự hào, một ý chí, một "nhịp đập", ông Đồng bày tỏ.

Theo ông Đồng, nhiều năm qua, UBND huyện, Huyện đoàn Nga Sơn thường xuyên tổ chức các buổi tham quan Quảng trường Ba Đình, Hà Nội và tổ chức báo công với Bác Hồ.

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do - 3

Dự án tôn tạo khu di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình đang được huyện Nga Sơn triển khai xây dựng (Ảnh: Thanh Tùng).

Với ông Đồng, mỗi lần ra thăm Quảng trường Ba Đình, Hà Nội là một lần về nguồn. "Chính tinh thần quật cường, không chịu khuất phục trước thực dân Pháp của nghĩa quân mà tên Ba Đình được chọn đặt cho Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Hai địa danh cách xa nhau hơn 100km nhưng chung một mục tiêu lớn vì hòa bình, độc lập", ông Đồng bộc bạch.

Nhằm tưởng nhớ công ơn của các tướng lĩnh, nghĩa sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến 32 ngày đêm, hằng năm UBND huyện Nga Sơn đều tổ chức gặp mặt, hỏi thăm các thân nhân của các tướng lĩnh, nghĩa sỹ.  

Quảng trường Ba Đình và chân lý độc lập, tự do của dân tộc

PGS.TS Mai Văn Tùng, Trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, cho biết cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở huyện Nga Sơn còn vinh dự được đặt tên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội).

Nói về nguồn gốc tên gọi Quảng trường Ba Đình, ông Tùng cho biết người đặt tên cho quảng trường là bác sĩ Trần Văn Lai - Thị trưởng (Đốc lý) của thành phố Hà Nội. Điều đặc biệt, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do - 4

PGS.TS Mai Văn Tùng trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo vị PGS.TS, để chuẩn bị cho ngày đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, đã có nhiều nơi được đưa ra để lựa chọn, nhưng cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Quảng trường Ba Đình.

"Chia sẻ về lý do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Quảng trường Ba Đình, nhà sử học Dương Trung Quốc đã nói: "Bác Hồ chọn Quảng trường Ba Đình vì Bác muốn có một thông điệp không chỉ với dân tộc Việt Nam mà còn là với toàn thế giới đó là: Quyền độc lập dân tộc của dân tộc Việt Nam là do dân tộc Việt Nam giành lại được và nó phù hợp với nguyên lý của nhân loại. Như Bác Hồ đã nhấn mạnh: Không có gì quý hơn độc lập, tự do", ông Tùng nhắc lại lời của nhà sử học Dương Trung Quốc.

Theo ông Tùng, cuộc khởi nghĩa Ba Đình là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, cuộc khởi nghĩa lớn, có ý nghĩa và tầm vóc lịch sử quan trọng cũng vì một mục tiêu, một lý tưởng đó là độc lập, tự do của dân tộc. Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình cũng truyền đi thông điệp vĩ đại: Không có gì quý hơn độc lập, tự do.

Ba Đình - 2 địa danh chung niềm tự hào và chân lý độc lập, tự do - 5

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Ảnh: Tư liệu).

"Việc đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, được báo chí nước ngoài đồng loạt đưa tin, tên Ba Đình một lần nữa được nhắc đến. Từ Quảng trường Ba Đình, Bác Hồ muốn truyền thông điệp cho cả thế giới biết rằng: Ba Đình biểu thị tinh thần yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc", ông Tùng nhấn mạnh.