DNews

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu

Thanh Tùng Hạnh Linh

(Dân trí) - Trải qua thăng trầm của lịch sử, người dân xã Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) luôn tự hào vì tên của vùng đất này được dùng để đặt cho Quảng trường Ba Đình - trái tim của thủ đô Hà Nội.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu

Lời tòa soạn: Khởi nghĩa Ba Đình là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, diễn ra vào năm 1886-1887 tại xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trận đánh này đã để lại một mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh chống giặc giữ nước của dân tộc ta.

Trải qua 138 năm, mỗi lần nhắc lại ký ức hào hùng của cha ông, người dân xã Ba Đình luôn tự hào khi tên của vùng đất này được chọn để đặt cho Quảng trường Ba Đình - trái tim của thủ đô Hà Nội.

Tự hào hai tiếng Ba Đình

Như bao thế hệ người dân ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, ông Trịnh Văn Quang (50 tuổi) luôn hãnh diện mỗi khi nhắc đến địa danh nơi mình sinh ra được vinh dự đặt tên Quảng trường Ba Đình - trái tim của thủ đô Hà Nội.

Ông Quang chia sẻ, từ khi còn nhỏ, ông đã có nhiều kỷ niệm về mảnh đất với bề dày truyền thống cách mạng ở quê mình.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 1

Tranh mô phỏng lại trận đánh trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Ảnh: Tranh sơn dầu họa sĩ Phan Bảo).

Khi lớn lên, sau nhiều lần ông được bố mẹ và các bậc cao niên kể về cuộc khởi nghĩa Ba Đình, ông mới hay vùng đất nơi ông sinh ra có truyền thống yêu nước nồng nàn, nổi tiếng. Bởi vậy mà mỗi khi nhắc về lịch sử quê hương, ông nhớ rất tường tận và tràn đầy niềm tự hào.

"Đã là con, cháu ở Ba Đình ai cũng hiểu về lịch sử của quê hương. Đặc biệt, tôi vô cùng tự hào khi tên xã của mình được đặt cho Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đi đâu tôi cũng kể về quê hương, đồng thời căn dặn con cháu phát huy truyền thống tốt đẹp của vùng quê cách mạng", ông Quang xúc động.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 2

Ông Trịnh Văn Quang, thôn Thượng Thọ, xã Ba Đình (Ảnh: Thanh Tùng).

PGS.TS Mai Văn Tùng, Trưởng khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức (một người con của vùng đất Mai An Tiêm), cho biết, việc đặt tên Quảng trường Ba Đình bắt nguồn từ những ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa 32 ngày đêm lịch sử.

"Cuộc khởi nghĩa Ba Đình là biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta", PGS.TS Mai Văn Tùng chia sẻ.

PGS.TS Mai Văn Tùng cho hay, khởi nghĩa Ba Đình là một trong những cuộc khởi nghĩa sớm nhất, có ý nghĩa mở đầu và là đỉnh cao của phong trào Cần Vương, cổ vũ tinh thần yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Thanh Hóa nói chung và nhân dân xã Ba Đình, huyện Nga Sơn nói riêng.

Cuộc khởi nghĩa còn biểu thị tinh thần đoàn kết vùng miền và các dân tộc anh em (Thái, Mường, Kinh), tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 3

PGS.TS Mai Văn Tùng nói về ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Ba Đình (Ảnh: Hạnh Linh).

"Cuộc khởi nghĩa Ba Đình tuy thất bại nhưng tinh thần quật cường của người dân và nghĩa quân đã thắp sáng cho các cuộc trường chinh vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam về sau. Đây là một sự kiện có ý nghĩa mở đường và biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí quyết tâm chiến đấu", PGS.TS Mai Văn Tùng nói.

PGS.TS Mai Văn Tùng cho biết, tên cuộc khởi nghĩa Ba Đình còn được đặt cho nhiều địa danh quan trọng của cả nước. Đặc biệt, sau khi Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), bác sĩ Trần Văn Lai - Thị trưởng (Đốc lý) đầu tiên và duy nhất của thành phố Hà Nội trong Chính phủ Trần Trọng Kim - đã quyết định lấy tên Ba Đình đặt cho vườn hoa mang tên linh mục Pugininer.

Theo PGS.TS Mai Văn Tùng, bác sĩ Lai là người yêu lịch sử. Sau khi làm thị trưởng, ông đã đổi tên nhiều tuyến đường của người Pháp thành tên các vị anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa. 

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 4

Chiến sỹ tham gia cuộc khởi nghĩa Ba Đình bị thực dân Pháp bắt giữ (Ảnh: Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Văn Tùng cung cấp).

"Vì cảm phục nghĩa quân của Đinh Công Tráng đã chống Pháp rất anh dũng ở căn cứ Ba Đình, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX, ông Lai đã cho đổi tên vườn hoa mang tên linh mục Pugininer thành Ba Đình. Điều này thể hiện tinh thần, lòng tự hào dân tộc", PGS.TS Mai Văn Tùng nói.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

"Sau khi chống thực dân Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ tên Ba Đình cho quảng trường quan trọng bậc nhất cả nước. Ba Đình còn được đặt tên cho một quận lớn, quan trọng của thủ đô Hà Nội - nơi tập trung các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước", PGS.TS Mai Văn Tùng nói.

Người dân Ba Đình giàu truyền thống yêu nước, cần cù, chịu khó

Tiếp bước tinh thần của cuộc khởi nghĩa 32 ngày đêm lịch sử, nhiều năm qua, các thế hệ người dân ở Ba Đình luôn cố gắng, cần cù, chịu khó, phát huy truyền thống yêu nước nồng nàn của cha ông.

Ông Trịnh Xuân Đắc (84 tuổi, thôn Thượng Thọ, xã Ba Đình) chia sẻ, trải qua những năm tháng gian khó nhất của đất nước, người dân Ba Đình luôn chịu thương, chịu khó, kiên trì, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Điển hình như sau cách mạng tháng 8/1945, cuộc sống của nhân dân Ba Đình vô cùng khổ cực. Song hưởng ứng lời kêu gọi "sẻ cơm nhường áo" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người dân Ba Đình tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào "Hũ gạo tiết kiệm" để dành lương thực gửi đến bộ đội, những người nghèo khó.

Đặc biệt, ngày 19/12/1946, cùng với phong trào chung của cả nước hưởng ứng lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến", nhân dân Ba Đình đã thực hiện đường lối kháng chiến "Toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh dựa vào sức mình là chính", từng bước giành thắng lợi ở các chiến dịch quan trọng.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 5

Ông Trịnh Xuân Đắc (Ảnh: Thanh Tùng).

"Dù điều kiện đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cùng với nhân dân Thanh Hóa, người dân Ba Đình vẫn sẵn sàng chịu khổ, vất vả để nhường lương thực cho bộ đội hành quân đánh giặc", ông Đắc nói.

Ông Đắc chia sẻ, thời kỳ năm 1953-1954, hằng đêm người dân Ba Đình đã miệt mài gom thóc, đóng gạo vào xe thồ vận chuyển lên chiến trường Điện Biên Phủ.

"Có hơn 300 người con của xã Ba Đình tham gia dân công hỏa tuyến, mở đường, tiếp tế lương thực, đạn dược, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ông Đắc chia sẻ.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 6

Trụ sở xã Ba Đình ngày nay (Ảnh: Thanh Tùng).

Cũng theo ông Đắc, trong kháng chiến chống Mỹ, người dân Ba Đình là hậu phương vững chắc, góp sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. "Nhiều thanh niên ở Ba Đình xung phong ra trận, nhà nào cũng có người đi đánh giặc cứu nước. Người ở nhà thì tay búa, tay liềm hăng say sản xuất, tiếp tế lương thực cho miền Nam ruột thịt", ông Đắc kể.

Ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Ba Đình cho biết, tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông, toàn xã có hơn 200 gia đình có công với cách mạng. Đặc biệt, Ba Đình có tới 3 Mẹ Việt Nam anh hùng, 105 liệt sỹ.

"Đó là những đóng góp, hy sinh to lớn của người dân Ba Đình đối với nền độc lập, tự do của dân tộc. Tiếp nối truyền thống đó, ngày nay, chúng tôi thường căn dặn con cháu phải chịu khó, không sợ khổ để củng cố tinh thần yêu nước, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh", ông Xuân chia sẻ.

Theo ông Xuân, hiện các xã trên địa bàn huyện Nga Sơn đều bắt đầu bằng chữ "Nga", riêng xã Ba Đình vẫn mang tên chiến khu Ba Đình.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 7

Khu Di tích căn cứ khởi nghĩa Ba Đình đang được tôn tạo, tu bổ (Ảnh: Thanh Tùng).

"Người dân Ba Đình rất vinh dự khi tên xã của mình được lấy tên đặt cho Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chúng tôi cũng rất vui bởi trên dải đất hình chữ S, nhiều địa phương cũng lấy địa danh Ba Đình để đặt tên quận, phường, tên đường, trường học. Không chỉ vậy, nhiều lần cùng bạn bè ra thăm Quảng trường Ba Đình, tôi thường tự hào giới thiệu với mọi người về truyền thống tốt đẹp của quê hương", ông Xuân nói.

Ông Xuân chia sẻ, nhiều năm qua xã Ba Đình luôn là lá cờ đầu trong các phong trào ở huyện Nga Sơn. "Năm 2018, địa phương về đích nông thôn mới. Ngoài ra, Ba Đình luôn dẫn đầu toàn huyện về diện tích, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 là 53 triệu đồng/người/năm, thuộc tốp đầu của huyện", ông Xuân chia sẻ.

Cũng theo ông Xuân, khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1992. Hiện, di tích còn lưu giữ một số vật dụng như súng, mác, bát, đĩa. Nhiều năm qua, nơi đây trở thành "địa chỉ đỏ", giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc.

Từ vùng đất chiêm trũng đến tên gọi quảng trường vang danh khắp năm châu - 8

Phối cảnh khu di tích (Ảnh: Thanh Tùng).

Nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình tại chân núi Thúc, thôn Điền Hộ.

"Với tiềm năng, ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa, chúng tôi hy vọng, khu căn cứ Ba Đình sẽ kết nối với các di tích, danh thắng trong vùng, phục vụ phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời đưa di tích Ba Đình đến với nhiều du khách trong và ngoài nước", ông Xuân bày tỏ.