1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

9 cây muỗm nghìn tuổi ở đền Voi Phục “kêu cứu”

Tính đến nay, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã vinh danh 182 Cây di sản trên tổng số hơn 500 bộ hồ sơ gửi về. Tuy nhiên, những con số trên chưa phản ánh hết thực trạng việc bảo vệ cây cổ thụ ở Việt Nam.

Muỗm cổ thụ trong sân đền Voi Phục

Muỗm cổ thụ trong sân đền Voi Phục
 

Cây di sản “oằn mình” chống sâu bệnh

 

Để công nhận một cây trở thành Cây di sản, VACNE phải thành lập Hội đồng xét duyệt với những tiêu chí cụ thể về tên khoa học của cây, xác định tuổi cây, chu vi, đường kính, chiều cao, các giá trị của cây về văn hóa, lịch sử, xã hội và giáo dục... VACNE cũng đề ra rất nhiều nguyên tắc, quy định về việc đảm bảo các điều kiện bảo vệ và kỹ thuật chăm sóc sau khi cây đã được công nhận là di sản. Thế nhưng, xung quanh việc công nhận, đang có nhiều thắc mắc về những cam kết hỗ trợ bảo vệ cây. Điển hình là trường hợp cụm 9 cây muỗm ở đền Voi Phục (361 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Đây chính là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh Cây di sản nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong lễ vinh danh 9 cây muỗm này, đại diện VACNE đã khẳng định: “Khi cây được công nhận, Cây di sản sẽ được bảo vệ, chăm sóc với khả năng cao nhất có thể. Cây đó sẽ không bị chặt hạ, bán, được cắm bia ghi danh, có chuyên gia chăm sóc...”.

 

Nhưng, chưa đầy 2 năm được vinh danh, một số cây trong cụm 9 cây muỗm này đã có dấu hiệu bị nấm xâm hại, cá biệt có cây đã bị ăn rỗng ruột. Trao đổi cùng PV, ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban Di tích đền Voi Phục cho biết khi phát hiện ra những dấu hiệu cây bị nấm, ăn rỗng, ông có liên lạc với VACNE với mục đích thông tin, yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Sau lời kêu cứu, VACNE có cử người xuống tận nơi, lấy mẫu nấm về kiểm tra, và xem xét hiện trạng cây muỗm đang “nguy kịch” cạnh đền Mẫu. Nhưng rồi sau cũng không thấy thông báo lại kết quả khám bệnh. Viện Lâm nghiệp cũng cử chuyên gia xuống, trong đó có cả các chuyên gia đến từ Australia, nhưng cho đến thời điểm này lại vẫn chưa có bất cứ kết luận hay hỗ trợ nào. Theo quan sát của phóng viên ANTĐ, chỗ các chuyên gia của VACNE cắt mẫu nấm xét nghiệm đã kịp mọc lại một cây nấm mới to hơn cây đã bị cắt. Đáng chú ý, 1 cây trong quần thể 9 cây muỗm có đã bị rỗng ruột, cành lá trơ trụi. Nếu không được cứu chữa kịp thời, hẳn sẽ là điều đáng tiếc.

 

Được vinh danh nhưng không được bảo vệ

 


Một trong 9 cây muỗm gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục đã rỗng ruột

Một trong 9 cây muỗm gần 1.000 năm tuổi ở đền Voi Phục đã rỗng ruột

 

Trao đổi cùng PV, ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch VACNE cho biết, bản chất của chiến dịch vinh danh Cây di sản là để người dân quan tâm hơn đến việc bảo tồn các giá trị của cây cổ thụ. Tiêu chí của VACNE cũng nói rõ là việc bảo vệ các Cây di sản là vấn đề mang tính cộng đồng, vì vậy phải có sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ cây. Hội không có kinh phí trong việc vinh danh và bảo vệ Cây di sản. Tuy nhiên, khi nhận được những thông tin từ đền Voi Phục về việc cây muỗm bị bệnh, Hội đã nhờ nhiều đoàn chuyên gia xuống kiểm tra mà không thu phí, nếu có, chỉ là tiền thuốc chữa bệnh. Như vậy, Hội cũng đã hết lòng. Có thể khẳng định, cụm 9 cây muỗm ở đền Voi Phục là những Cây di sản nhận được sự quan tâm nhiều nhất của Hội sau khi được vinh danh. Nói theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, trách nhiệm của Hội chỉ dừng ở việc vinh danh, cùng lắm có một vài kiến nghị, góp ý trong quá trình bảo vệ cây. Cây di sản sau khi được vinh danh sẽ do người dân hoàn toàn chịu trách nhiệm chăm sóc.

 

Khi bắt đầu vinh danh Cây di sản, nhiều người hy vọng, việc vinh danh sẽ là hành động thiết thực để bảo vệ những gốc đại thụ quý giá. Nhưng sau một lộ trình xem ra, việc bảo vệ cây quý còn rất gian nan. Mới đây Hội cũng đã từ chối vinh danh một số cây đa, cây đề, cây vàng anh, cây muồng vàng (cây mắt cua) ở khu vực đình Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội… với lý do, cư dân đang xâm hại không gian sống của cây và chúng không có khả năng được bảo vệ.

 

Điều này đặt ra câu hỏi, vinh danh xong Hội không bảo vệ (hoặc không đủ sức bảo vệ), vậy đặt nặng việc bảo vệ sau vinh danh vào trong tiêu chí xét duyệt để làm gì? Những cây đã được vinh danh mà không được Hội góp sức bảo vệ thì trách nhiệm của Hội đến đâu?

 

Theo Đỗ Nguyễn
 
An ninh Thủ đô