“Đại lão mộc” ngàn tuổi ở đền Voi Phục
(Dân trí) - Thật thú vị khi chỉ còn ít ngày nữa, Hà Nội kỷ niệm đại lễ 1.000 năm tuổi thì ở giữa lòng thủ đô cũng có một vườn “đại lão mộc” có tuổi xấp xỉ 1.000. Đó chính là vườn muỗm ở đền Voi Phục (Thụy Khuê, Tây Hồ).
Đền Voi phục
Cụ May cho biết: đền Voi Phục Thụy Khuê có trước đền voi phục Thủ Lệ bởi sau khi dân làng Thụy Khuê dựng đền thì làng Thủ Lệ, nơi Linh Lang từng ở mới xây dựng một ngôi đền và cũng đặt tên là Voi Phục.
Trước đây đền có tên là đền thờ thánh Linh Lang, sau này khi đào được đôi voi đá ở giếng ngọc trước cửa đền mới gọi tên là đền Voi Phục. Trong đền Voi phục ở Thụy Khuê hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật cổ. Đó là bộ nghi trượng thời Lê, đôi rồng đá được chế tác với những nét hoa văn cách điệu…
Nét đặc biệt nữa, đền Voi phục Thụy Khuê có lẽ là một trong số ít ngôi đền, đình, chùa còn giữ được trọn vẹn 9 cây muỗm cổ thụ. Trải qua bao thăng trầm, bao biến cố của lịch sử, vườn cây này vẫn sừng sững cùng thời gian. Những cây muỗm này đều rất cao lớn, lực lưỡng, thân cây mốc thếch, u mấu hoặc có màu trắng bạc.
Ông Tùng, trưởng ban quản lý di tích, kể, cách đây mấy năm có một đoàn các nhà khoa học nước ngoài thuộc dự án khảo sát cây xanh của Liên Hiệp Quốc đến khảo sát các cây muỗm ở đây. Sau khi làm công tác khảo sát, đo đạc tán lá, thân cây, thậm chí dùng máy khoan với cái mũi khoan trông rất lạ chọc thủng thân cây, họ đưa ra kết luận: “Những cây muỗm trong đền có tuổi ít nhất là 700 năm, nhiều có thể đến gần 1.000 năm”. Vườn cây nghìn năm tuổi này bao gồm 7 cây ở trong khuôn viên đền và hai cây ở ngoài, một cây ở bên kia đường và một cây ở trong nhà dân.
Chuyện trồng những cây muỗm quanh ngôi đền này ra sao không được sử sách, văn bia nhắc đến nhưng trên thực tế khi dựng đền chùa, các cụ ngày xưa đều trồng cây, vừa lấy bóng mát, lại tảo vẻ thanh bình, uy nghiêm. Chín gốc cây tượng trưng cho sự trường cửu cùng thời gian (Chùa Láng cũng có 9 cây muỗm nhưng chỉ có tuổi trên 300 năm). Muỗm là loài sống rất thọ và có sức sống mãnh liệt. Điều lạ là thân muỗm lớn rất chậm, song thân chỉ lớn chừng vài người ôm.
Cụ May cho biết rằng ngay từ thuở bé đã thấy vườn cây to như thế này rồi. Các cây muỗm dù đã già, song năm nào quả cũng sai trĩu trịt. Đầu xuân, hoa nở li ti phủ trắng những tán cây khổng lồ. Mỗi khi có cơn gió nhẹ từ Hồ Tây thổi vào, hoa rụng phủ kín mái đền, sân đền, khuôn viên sau đền và nhà dân quanh đó. Vào dịp tháng Tư lúc muỗm chín, trung bình mỗi cây phải cho cả tấn quả.
Tiễn tôi ra về, cụ May tâm sự: “Những gốc muỗn già cổ thụ cũng như ngôi đền Voi Phục là một chứng nhân thầm lặng chứng kiến bao sự đổi thay của Thăng Long - Hà Nội. Mong sao quá trình đô thi hóa, những ngôi nhà cao tầng mọc lên sẽ không làm biến mất những di sản quý báu của cha ông để lại”.
Hoàng Giang