80 người đứng đầu bị kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong 2,5 năm, qua thanh tra đã phát hiện 216 vụ việc và 308 người có hành vi liên quan đến tham nhũng; 109 người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã kỷ luật 80 người.

Những con số này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong lĩnh vực thanh tra.

Báo cáo do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thay mặt Chính phủ ký, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát hiện hơn 300 cán bộ có hành vi liên quan tham nhũng

Trong giai đoạn 2,5 năm (từ 2021 đến nửa đầu năm 2023), báo cáo của Chính phủ cho thấy các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra tính công khai, minh bạch tại gần 34.400 cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra phát hiện 780 đơn vị vi phạm.

Bên cạnh đó, hơn 15.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn… cũng được các bộ, ngành, địa phương tiến hành. Qua đó phát hiện 865 vụ việc với gần 1.400 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 970 tỷ đồng.

80 người đứng đầu bị kỷ luật vì để xảy ra tham nhũng - 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Quốc hội).

Trong kiểm tra quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại hơn 122.300 cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành, địa phương đã xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm; kịp thời chấn chỉnh nhiều sai phạm.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy để phòng ngừa tham nhũng, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác hơn 111.400 cán bộ, công chức, viên chức.

Về kê khai tài sản, thu nhập, trong số 1,3 triệu cán bộ thực hiện kê khai có hơn 25.800 người được xác minh và 5 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Liên quan việc xử lý người đứng đầu vì để xảy ra tham nhũng, có 109 trường hợp người đứng đầu bị kết luận "thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng". Trong số này, 80 người đã xử lý kỷ luật.

Ngoài ra, qua công tác tự kiểm tra nội bộ, thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan đã phát hiện 216 vụ việc và 308 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.

Trong kỳ báo cáo, cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 1.090 vụ và 870 đối tượng liên quan.

Cùng với đó, cơ quan chức năng xử lý hành chính hơn 8.2 tổ chức, hơn 19.100 cá nhân và chuyển cơ quan điều tra 245 vụ, 353 đối tượng; khởi tố 29 vụ, 92 đối tượng…

Tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm

Ngoài các cuộc thanh tra chuyên đề, báo cáo của Chính phủ cho thấy Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra đã triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra trong kế hoạch và đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đáng lưu ý, trong đó có thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh…

Đề cập nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ nhấn mạnh cần tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng cần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng; tiến hành thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng.

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường thanh tra công tác quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn khiếu nại, tố cáo và dư luận xã hội quan tâm.

Cùng với chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch; nâng cao kỷ luật, đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra, Chính phủ quán triệt đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, nhất là tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập cũng là một mục tiêu được Chính phủ đề ra nhằm hướng tới việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.