Những huyện, xã không bắt buộc phải sáp nhập
(Dân trí) - Huyện, xã có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối địa bàn liền kề; có địa giới hành chính ổn định từ 1945 đến nay chưa điều chỉnh lần nào… thuộc diện phải sáp nhập nhưng không bắt buộc.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ tiếp tục được thực hiện trong 2 giai đoạn 2023-2025 và 2026-2030, theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Không bắt buộc sáp nhập nếu có yếu tố đặc thù
Bên cạnh việc quy định tiêu chí với những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện buộc phải sáp nhập, Nghị quyết này cũng quy định rõ từng trường hợp huyện, xã thuộc diện sắp xếp nhưng không bắt buộc, nếu có một trong các yếu tố đặc thù theo quy định.
Theo đó, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề; có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào… thuộc diện không bắt buộc phải sáp nhập.
Tương tự, đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội… cũng nằm trong diện này.
Nghị quyết cũng nêu một điều kiện khác để không buộc sáp nhập huyện, xã, đó là đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Cũng theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2023-2025 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021.
Giai đoạn 2026-2030 không bắt buộc thực hiện sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã được sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2023-2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ với các trường hợp trên, nếu địa phương thấy cần thực hiện sắp xếp để tổ chức hợp lý đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thì UBND cấp tỉnh báo cáo tại phương án tổng thể và đề án sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Tạm dừng phê duyệt dự án đầu tư trụ sở công ở nơi sắp sáp nhập
Trong thông báo kết luận về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện. Trong đó, xác định cụ thể yêu cầu về lộ trình, tiến độ thực hiện, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và của chính quyền địa phương các cấp.
Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình xem xét, tham gia ý kiến, thẩm định hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xem xét, giải quyết để bảo đảm tiến độ trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Về phía các địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị HĐND, UBND cấp tỉnh trong quá trình xây dựng phương án tổng thể sáp nhập huyện, xã trên địa bàn cần có sự đánh giá toàn diện, tránh xây dựng phương án sáp nhập giai đoạn 2026-2030 lại gặp khó khăn do không thể nhập, điều chỉnh với các đơn vị hành chính khác liền kề.
Ngoài ra, các địa phương cần có giải pháp để điều chỉnh, xử lý dứt điểm trường hợp có tranh chấp về địa giới hành chính, đơn vị hành chính có địa hình chia cắt, không thuận lợi cho người dân và công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý cần chủ động rà soát, xem xét tạm dừng phê duyệt, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trụ sở công tại những đơn vị hành chính dự kiến nhập, điều chỉnh vào đơn vị hành chính khác, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo báo cáo, giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết để sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, qua đó cả nước đã giảm 8 huyện và 561 xã.