150 tỷ đồng xây trạm bơm nước sông Hồng để “hồi sinh” sông Tô Lịch
(Dân trí) - UBND TP Hà Nội đang giao các sở ngành nghiên cứu phương án đầu tư khoảng 150 tỷ đồng xây dựng trạm bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây và bổ cập cho sông Tô Lịch.
Đề án trên với mục tiêu duy trì ổn định mực nước, thau rửa liên tục cải thiện chất lượng nước hồ, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững cho các loại thủy sinh trong hồ Tây. Cùng đó, nguồn nước được bổ cập ở hồ Tây có thể điều tiết qua hai cửa xả hồ Tây A và bồ Tây B ra sông Tô Lịch.
Nếu được các sở ngành và UBND TP Hà Nội thông qua, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, thời gian xây dựng trạm bơm có công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm khoảng nửa năm là hoàn thành. Theo Công ty Thoát nước Hà Nội tổng mức đầu tư cho dự án “hồi sinh” sông Tô Lịch này khoảng 150 tỷ đồng.
Ông Võ Tiến Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, dự án này được rất nhiều người dân của Thủ đô quan tâm. Trong các hội thảo khoa học, các chuyên gia về môi trường cũng đánh giá cao vấn đề này.
“Về mùa khô, mực nước ở hồ Tây xuống rất thấp, điều này ảnh hưởng lớn đến môi trường và thủy sinh vật. Còn với sông Tô Lịch muốn làm sạch thì một trong những phương án là phải có dòng chảy. Vì vậy, phương án xây dựng trạm bơm nước từ sông Hồng vào hồ Tây, sau đó điều tiết ra sông Tô Lịch được đánh giá là tối ưu nhất”, ông Hùng nói.
Trước câu hỏi, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch chỉ giải quyết được phần ngọn, chưa giải quyết được triệt để ô nhiễm, ông Võ Tiến Hùng cho hay, đây chỉ là một trong những giải pháp để “hồi sinh” dòng sông này.
Theo ông Hùng, hiện nay TP đang xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và hệ thống tách nước thải ra khỏi dòng sông Tô Lịch và sông Lừ, sông Sét. “Khi hệ thống xử lý nước thải này hoàn thành, tình trạng ô nhiễm ở các dòng sông trong nội thành sẽ được giải quyết”, ông Hùng cho hay.
Khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản bị chìm nghỉm trong nước sau mưa bão
Cũng tại hội nghị, ông Võ Tiến Hùng được đề nghị đánh giá hiệu quả của công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản đang được thí điểm làm sạch sông Tô Lịch so với Redoxy3C của Đức.
“Công nghệ Nano- Bioreactor đang được thử nghiệm nên chúng tôi chưa được biết chất lượng và giá thành của nó. Theo như đơn vị thí điểm dự kiến tới ngày 17/9 họ sẽ công bố kết quả thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano- Bioreactor”, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội nói thêm.
Theo ông Hùng, từ năm 2018 đến nay, có 5 đoàn thể, cá nhân “hiến kế” khắc phục tình trạng ô nhiễm ao hồ của TP Hà Nội. Tất cả các ý kiến đều được TP Hà Nội và Công ty Thoát nước tạo điều kiện thực hiện. Tuy nhiên, đến nay các giải pháp này chưa đem lại hiệu quả.
Thêm thời gian thanh tra chế phẩm Redoxy3C
Trả lời các câu hỏi liên quan đến kết quả thanh tra việc sử dụng chế phẩm độc quyền xử lý nước Redoxy3C, ông Võ Tiến Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội đã lý giải nguyên nhân thành phố Hà Nội chưa công bố kết quả mặc dù đã hết thời gian thanh tra.
“Theo tôi được biết, hiện TP đã gia hạn thời gian thanh tra việc sử dụng chế phẩm xử lý nước Redoxy3C. Việc này, TP sẽ thông báo, công bố kết quả sớm nhất khi kết thúc việc thanh tra”, ông Hùng nói.
Nói thêm về vấn đề trên, ông Hoàng Cao Thắng - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, Sở Xây dựng cũng là một đối tượng trong lần thanh tra này. Trong thời gian qua, Sở Xây dựng cũng đã phối hợp, cung cấp các tài liệu liên quan đến việc thanh tra đoàn thanh tra.
“Tôi được biết, hiện đoàn thanh tra thành phố đang có một số vướng mắc nên chưa đủ cơ sở để kết luận thanh tra. Việc này phải đúng quy trình thì mới có kết luận được”, ông Thắng cho hay.
Ngày 30/5, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết có một số thông tin dư luận phản ánh liên quan đến tính minh bạch trong việc sử dụng chất Redoxy3C. Đây là chế phẩm một công ty của Đức sản xuất cho TP Hà Nội xử lý ô nhiễm ao hồ trong hơn 2 năm qua.
Trước thông tin phản ánh trên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Thanh tra TP chủ trì thành lập đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc mua, đánh giá hiệu quả sử dụng đối với chất Redoxy3C, trong thời hạn 45 ngày phải kết luận, công bố công khai trước công luận.
Quang Phong