Cống hóa sông Tô Lịch: "Mất nhiều được chẳng là bao"
Các nhà khoa học, tổ chức môi trường trong nước và quốc tế cho rằng nếu cống hóa sông Tô Lịch thì "mất nhiều, được chẳng là bao".
Các nhà khoa học, tổ chức môi trường trong nước và quốc tế cho rằng nếu cống hóa sông Tô Lịch thì "mất nhiều, được chẳng là bao".
Với lý do để ngăn nước thải, tạo thêm không gian cho đô thị, trong kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội vừa qua, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm - ông Dương Đức Tuấn đã đề xuất cống hóa một số con sông, trong đó có sông Tô Lịch.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thuỷ lợi đã không tán thành đề xuất này. GS.TS.NGND Trần Hiếu Nhuệ, Ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam kiêm Trưởng ban cộng đồng và Phát triển bền vững cho biết, nếu chúng ta cống hóa sông Tô Lịch sẽ "mất nhiều được chẳng là bao".
"Cống hóa sông Tô Lịch chỉ được một phần rất nhỏ không gian góp phần giảm áp lực hơn cho giao thông. Tuy nhiên, việc này được đánh giá là mất nhiều hơn, vì nhiều quốc gia trên thế giới họ trân trọng những dòng sông chảy qua thành phố. Vì thế, theo tôi chúng ta phải giữ bằng được dòng sông Tô Lịch và tìm mọi giải pháp để làm sạch, giúp dòng sông hồi sinh, trở về đúng nghĩa với dòng sông Tô Lịch lịch sử cách đây nhiều năm.
Hơn nữa, sông Tô Lịch đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa của thủ đô. Năm 1010, đoàn di đô của vua Lý Công Uẩn đi ngược sông Đáy, sông Hồng rồi vào sông Tô Lịch, xây dựng kinh thành Thăng Long." - GS Nhuệ nói.
Chuyên gia lấy mẫu nước tại sông Tô Lịch. Ảnh Tô Thế
Đồng quan điểm với GS Nhuệ, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội khóa 14 cũng cho rằng: "Hà Nội không nên cống hóa sông Tô Lịch vì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề cân bằng môi trường của Thủ đô Hà Nội.
Thành phố nào có nhiều công viên, hồ nước và dòng sông thì rất tốt. Các quốc gia tiên tiến trên thế giới họ rất trân trọng những dòng sông chảy qua thành phố và hạn chế mức tối đa bê tông hóa không gian đô thị. Nếu sông Tô Lịch ô nhiễm thì Hà Nội cần tìm nhiều giải pháp để xử lý làm sạch để đảm bảo cảnh quan, vừa chống biến đổi khí hậu, thời tiết".
Hiện nay, việc thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, mùi hôi dòng sông đã giảm, lượng bùn giảm và nước đã trong hơn - GS Nhuệ chia sẻ thêm.
Các chuyên gia đều cho rằng cống hóa một con sông dài hơn 14km không phải đơn giản, TP sẽ phải nghiên cứu, đầu tư nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách và vấn đề môi trường vẫn chưa thể giải quyết.
Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ Takeba Akira - Cố vấn Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản khẳng định: "Chúng tôi tự tin với công nghệ Nano - Bioreactor khi mang về làm sạch sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch mất khả năng tự làm sạch.
Qua khảo sát chúng tôi thấy hiện trạng sông Tô Lịch lúc này là mùi hôi thối nồng nặc bốc lên hàng ngày, hàng giờ; lượng bùn tích tụ ở tầng đáy dày 1-1.5m; chất lượng nước theo chỉ số COD, NH4+... quá mức cho phép. Bản thân công nghệ này tạo thành hệ thống tăng khả năng tự làm sạch của dòng sông".
Theo Hà Phương, Tô Thế
Báo Lao động