1 triệu tỷ đồng "đắp chiếu" và trăn trở "nước nghèo có tiền không thể tiêu"
(Dân trí) - Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đang rất lớn nhưng hơn 1 triệu tỷ đồng đang gửi trong ngân hàng mà "không sao tiêu được". Nghịch lý này, theo Bộ trưởng Tài chính, phải sửa luật mới có thể giải quyết.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm là một thực tế được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh khi nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 25/5.
Nhận định chỉ tiêu tăng trưởng năm nay là một áp lực rất lớn và có khả năng chỉ đạt ngưỡng dưới 6%, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị), đề cập một nút thắt quan trọng cần tháo gỡ liên quan đến dòng tiền.
Thiếu tiền đầu tư nhưng "tiền sẵn trong túi mà không tiêu được"
Theo ông Đồng, tồn dư ngân quỹ Nhà nước đang gửi ở hệ thống ngân hàng ở mức khá cao từ năm 2019 và gia tăng đáng kể từ năm 2022, tới giữa tháng 5 đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng.
"Đây là một vấn đề nhức nhối. Một quốc gia còn nghèo, luôn thiếu vốn cho đầu tư phát triển nhưng lại phải đối mặt với một nghịch lý tiền sẵn trong túi mà không sao tiêu được. Đây cũng chính là cục máu đông gây tắc nghẽn dòng tiền trong nền kinh tế, khi tiền thuế, phí của doanh nghiệp và người dân nộp về Kho bạc Nhà nước nằm đắp chiếu ở Ngân hàng Nhà nước, không quay trở lại được nền kinh tế do tắc nghẽn ở kênh giải ngân đầu tư công", vị đại biểu nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo đại biểu, thực trạng này thực ra đã được nhận diện khá lâu. Các nguyên nhân được chỉ ra mỗi năm một dài thêm, nhưng điểm mấu chốt của vấn đề vẫn chưa thể được giải quyết triệt để.
"Cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, nhưng liệu chính sách tài khóa có thực sự phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế hay không?", đại biểu đặt vấn đề.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt gần 14,7% kế hoạch năm. Mức này mới đạt gần 15,7% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn cùng kỳ 2022 (18,48%).
Trả lời thêm về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận những thực tế đại biểu nêu là hoàn toàn đúng.
Ông Phớc nhấn mạnh đầu tư công dẫn dắt cho đầu tư tư nhân phát triển, nếu đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Khi đó, các ngành đều được thụ hưởng.
Về số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ông Phớc nói đây cũng là một hạn chế.
"Do điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính phải gửi tiền ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8% một năm", ông Phớc lý giải nguyên nhân do giải ngân vốn đầu tư công chậm, chủ yếu do khâu chuẩn bị dự án.
Bộ trưởng Tài chính phân tích theo Luật Đầu tư công, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, nhưng khi khâu chuẩn bị dự án bị "tắc" dẫn tới các khâu tiếp theo như giải ngân vốn không thực hiện được, cũng như không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao. Điều này dẫn tới thực trạng "vốn chờ dự án đủ thủ tục".
Trong xây dựng cơ bản, ông Phớc chỉ ra ba khâu là chuẩn bị đầu tư (lập dự án, thiết kế kỹ thuật, lập dự án, công tác mời thầu, đấu thầu, giải phóng mặt bằng...); thực hiện đầu tư và quyết toán.
Khâu vướng mắc nhất trong các dự án đầu tư công hiện nay là chuẩn bị đầu tư, vì chậm nên kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán bị "nghẽn".
Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh phải sửa luật, có thể dùng một luật để sửa nhiều luật, trong đó sửa Luật Đầu tư công mới có thể khắc phục tình trạng này.
Cần nghị quyết của Quốc hội để cán bộ dám "vượt rào"
Cũng dành thời gian bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường có chung lo ngại về việc "có tiền không tiêu được".
"Thị trường thế giới bị thu hẹp, tăng trưởng không thể trông chờ vào khu vực xuất khẩu như những năm trước đây thì phải đẩy mạnh tổng cầu trong nước, trong đó cầu thông qua đầu tư công là một trong những trụ cột quyết định. Do vậy, giải ngân đầu tư công chậm sẽ rất đáng lo ngại, khó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Cường phân tích.
Thêm vào đó, vị đại biểu cũng băn khoăn khi thực tế xuất hiện tâm lý e ngại của nhiều cán bộ trong quá trình triển khai công vụ, cụ thể là những vấn đề liên quan đến phê duyệt, chuẩn bị các dự án đầu tư công.
Hơn 1 triệu tỷ đồng còn nằm trong Ngân hàng Nhà nước, theo ông Cường, do không triển khai được thủ tục giải ngân vốn đầu tư công. "Tiền giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã tăng lên gần 200.000 tỷ so với năm trước. Nhiệm vụ đặt ra rất cao, tiền luôn sẵn có nhưng các thủ tục để tiến hành giải ngân đang bị ách lại, đó là vấn đề đáng lo ngại", ông Cường nêu thực tế.
Về mặt chỉ đạo, ông đánh giá Chính phủ đã rất quyết liệt, có nhiều biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí đưa ra quy định cán bộ không thực hiện hết chức trách nhiệm vụ có thể bị xử lý, luân chuyển hoặc cho thôi việc.
Dù vậy, vị đại biểu cho rằng nếu chỉ bằng những biện pháp hành chính, dù mạnh, có thể thúc đẩy được tiến độ giải ngân hiện nay, bởi tâm lý e ngại, lo sợ trong công vụ khá tràn lan trong đội ngũ công chức. Trong khi đó, những vướng mắc của quy định pháp luật hiện khá phổ biến, nếu chờ sửa hết những quy định đó sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế đình trệ.
Vì vậy, ông Cường cho rằng rất cần có nghị quyết của Quốc hội cho phép các cơ quan thực thi công vụ được quyền hành động trong khuôn khổ, mà nếu thực hiện quy định đó sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho lợi ích chung.
"Chỉ có cơ chế như thế mới khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua ràng buộc, rào cản về quy định để hành động vì công việc chung mà không bị quy kết vào những sai phạm", theo lời ông Cường.
Ông lưu ý thêm việc này phải được thực hiện công khai, minh bạch ngay từ đầu để người dân giám sát. Với những cơ chế đó, theo vị đại biểu, sẽ tránh được chuyện cán bộ vin vào những quy định của luật pháp mà trì hoãn giải quyết các thủ tục, không chỉ trong đầu tư công mà trong cả các công việc khác.