Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Cán bộ né tránh, đùn đẩy làm chậm mọi thứ"

Hoài Thu

(Dân trí) - Người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nêu thực tế các địa phương xin ý kiến bộ, ngành nhiều cái không cần thiết và cho rằng việc cán bộ né tránh, đùn đẩy làm chậm mọi thứ.

Thực trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong thực hiện công vụ một lần nữa được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận tổ sáng 25/5, về tình hình kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây là một trong những nguyên nhân nội tại khiến nền kinh tế đối diện nhiều thách thức.

Từ góc nhìn khái quát, ông Dũng đánh giá những khó khăn của nền kinh tế hiện nay là khó khăn chung của thế giới, Việt Nam không thể nằm ngoài quy luật bởi đặc thù của một nền kinh tế mở.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cán bộ né tránh, đùn đẩy làm chậm mọi thứ - 1

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: Minh Châu).

Trong khi đó, từ nội tại, khả năng chống chịu và năng lực của nền kinh tế và năng suất lao động vẫn còn hạn chế và khó có thể khắc phục trong ngày một ngày hai.

Bên cạnh đó, vấn đề cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh và đùn đẩy trách nhiệm làm chậm lại mọi thứ. "Ở địa phương xin ý kiến của các bộ ngành nhiều quá, mà nhiều cái không cần thiết", ông Dũng nêu thực tế.

Về tăng trưởng, với mức tăng GDP 3 tháng đầu năm chỉ đạt 3,32%, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thách thức tăng trưởng trong những quý còn lại là rất lớn. "Để đạt mức tăng trưởng 7,5% ở các quý tới là rất khó nhưng không nên vội điều chỉnh chỉ tiêu, mà phải nỗ lực phấn đấu, tìm cơ hội bù đắp những thiếu hụt trong tăng trưởng", ông Dũng nói.

Nêu 3 thách thức lớn của doanh nghiệp về dòng tiền, thị trường và khả năng tiếp cận đơn hàng, hấp thụ vốn, ông Dũng đánh giá ách tắc hiện nay đang nằm ở khâu thủ tục khiến doanh nghiệp kêu ca rất nhiều, nếu không giải quyết nhanh sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Giải pháp, theo Bộ trưởng Dũng, cần giám sát công việc ở các địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh. Ông đánh giá vừa qua việc này đã làm tốt, cắt giảm hàng nghìn điều kiện kinh doanh nhưng các chính sách mới ban hành lại xuất hiện những thủ tục, rào cản mới.

Cũng bày tỏ thực trạng đáng lo ngại khi không ít cán bộ công chức làm việc cầm chừng, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận đây là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vi phạm các quy định đã được Đảng, Trung ương và luật đề ra.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Cán bộ né tránh, đùn đẩy làm chậm mọi thứ - 2

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Hồng Phong).

"Chúng ta cần có thái độ rất rõ ràng, không thể bao che trong tình trạng đất nước đang rất khó khăn", bà Trà cho rằng thực trạng này làm cản trở sự phát triển của kinh tế, xã hội và làm giảm niềm tin của người dân.

Để giải quyết, Bộ trưởng Nội vụ nêu 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, cần xóa bỏ nhận thức của một bộ phận công chức là "không làm thì không sai, thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước tòa". "Đây là nhận thức rất nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn cho việc xây dựng công vụ, chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức", bà Trà nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng cần hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách, đặc biệt trong những lĩnh vực như đầu tư, tài chính ngân sách…

Song song với nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ để ban hành nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

"Việc này đang vướng rất nhiều quy định của luật nên chúng tôi tham mưu tới đây nên có nghị quyết thí điểm về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Sau đó Thủ tướng mới ban hành nghị định", bà Trà cho rằng có như vậy mới đủ cơ sở pháp lý để bảo vệ được cán bộ.

Nếu không có nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định không thể "xé rào" thực hiện được việc này.

Ngoài ra, nữ Bộ trưởng cho rằng cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức bởi thực tế ở các cơ quan Từ trung ương đến địa phương, nơi đâu có người đứng đầu dám làm, dám chịu trách nhiệm thì nơi đó vẫn phát triển.