1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chưa phát hiện tham nhũng qua kê khai tài sản, thu nhập

(Dân trí) - “Từ khi thực hiện quy định kê khai tài sản thu nhập (năm 2007) đến nay, chưa có trường hợp nào phát hiện được tham nhũng, nhưng để xử lý người “khai gian” thì đã có” - Phó Cục trưởng Cục PCTN, Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển cho biết.

Ông Phí Ngọc Tuyển là Tổ trưởng Tổ biên tập Nghị định 78 về vấn đề minh bạch tài sản vừa được Thủ tướng ký ban hành, trao đổi với Dân trí nhiều nội dung về vấn đề trước ngày quy định mới có hiệu lực thi hành (từ 31/7 tới).

Thêm một Nghị định mới về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo, xây dựng được ban hành. Như vậy từ năm 2007 đến nay đã có 3 Nghị định cùng nhiều thông tư điều chỉnh việc này nhưng thực tế hiệu quả đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN) chưa rõ ràng, thuyết phục. Theo ông Nghị định ban hành lần này có gì mới để khắc phục những bất cập, hạn chế trong những quy định hiện hành?

Đúng là khi có Luật PCTN năm 2007, Chính phủ có ban hành Nghị định 37/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành về vấn đề công khai minh bạch tài sản, thu nhập. Sau đó, năm 2011, ban hành Nghị định 68/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Qua thực tiễn thực hiện, nhiều ý kiến đánh giá việc kê khai tài sản thu nhập như hiện nay còn hình thức. Quy định sửa đổi lần này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động này trong phòng, chống tham nhũng và hướng tới mục tiêu xa hơn là kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức. 

Theo các quy định của Nghị định 78/2013/NĐ-CP, nghĩa vụ, trách nhiệm của người kê khai tài sản, thu nhập tăng lên. Theo quy định trước đây, các đối tượng phải kê khai chỉ có trách nhiệm kê khai đơn thuần, không ai kiểm tra xem việc kê khai như thế đúng hay không, chỉ khi cần thiết, tổ chức yêu cầu xác minh mới phải giải trình về việc kê khai.

Còn theo quy định mới, ngoài việc kê khai, người kê khai còn phải công khai bản kê tại cơ quan, đơn vị, nơi thường xuyên làm việc và phải giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm. Việc công khai để mọi người biết là để nhiều người, nhiều con mắt soi rọi vào. Nếu người kê khai không trung thực sẽ có người phát hiện được.

Phó Cục trưởng Cục PCTN Phí Ngọc Tuyển.
Phó Cục trưởng Cục PCTN Phí Ngọc Tuyển.

Khi có căn cứ nghi ngờ việc kê khai không trung thực, che giấu tài sản thì cơ chế xử lý người kê khai đặt ra như thế nào, thưa ông?

Nghị định 78/2013/NĐ-CP cũng có một điểm mới là mở rộng hơn điều kiện để tiến hành xác minh đối với bản kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức. So với quy định cũ, quyền của cơ quan đưa ra quyết định xác minh rộng hơn. Nếu người có thẩm quyền quản lý cán bộ xét thấy việc giải trình nguồn gốc tài sản của cán bộ không hợp lý có thể ra quyết định xác minh và từ nay các cơ quan như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cũng có thể yêu cầu xác minh nếu người kê khai có liên quan đến hành vi tham nhũng.

Trước đây, chỉ khi khẳng định được cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, cơ quan chức năng mới được yêu cầu xác minh, còn theo quy định mới, chỉ cần có liên quan là đã có thể yêu cầu xác minh. Hay nói cách khác, bản kê khai tài sản sẽ được sử dụng phục vụ cho công tác điều tra phát hiện hành vi tham nhũng

“Việc kê khai tài sản, thu nhập theo luật 2007 mới chỉ phục vụ công tác cán bộ, chưa phục vụ việc chống tham nhũng vì chỉ để đưa vào hồ sơ cán bộ, hiệu lực xác minh cũng yếu. Về quy mô, trên thế giới, không nước nào có số bản khai nhiều như ở Việt Nam, nhiều gấp 3 lần các nước cao nhất. Đó là do chúng ta xác định đối tượng kê khai quá rộng.

Về thủ tục, Lần này, chúng ta quy định định kỳ hàng năm các đối tượng chỉ kê khai tài sản một lần (số lượng rút xuống so với quy định kê khai trước khi bầu cử, kê khi phê bình, kỷ luật, kê khai cuối năm…). Biểu mẫu kê khai cũng cân đối cả nội dung tài sản và nguồn gốc".
Được biết, theo những hướng dẫn cụ thể của Nghị định, cả nước sẽ có khoảng 1,7 triệu cán bộ công chức phải thực hiện kê khai minh bạch tài sản; nhưng thực tế, từ khi áp dụng quy định này đến nay, chưa có trường hợp tham nhũng nào được phát hiện bằng cách này. Nhiều ý kiến cảnh báo sẽ là quá lạc quan khi kỳ vọng, với một số điểm đổi mới như ông nói, việc kê khai tài sản sẽ hết… hình thức?

Hiện nay cả nước chỉ có khoảng 1 triệu bản kê khai/năm thôi. Nhưng chỉ thế cũng đã là một con số khổng lồ rồi. Không có quốc gia nào có só bản kê khai lớn như vậy. Đúng là từ 2007 đến nay, nếu nói thông qua biện pháp kê khai tài sản mà phát hiện cán bộ tham nhũng thì chưa có trường hợp nào nhưng để xử lý người vi phạm, gian lận thì đã có.

Thực ra biện pháp kê khai nằm trong nhóm các biện pháp phòng ngừa chứ không phải trong nhóm các biện pháp phát hiện. Biện pháp kê khai tài sản vừa có tác dụng ngăn ngừa hành vi tham nhũng khi nó tác động vào suy nghĩ của người kê khai, vừa có tác dụng hỗ trợ cho việc điều tra phát hiện hành vi tham nhũng với tư cách là cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai mà tổ chức có được.

Còn đương nhiên, khi hoạch định chính sách, vạch ra hướng điều chỉnh như thế thì phải có niềm tin là nó sẽ tốt hơn cái cũ. Những công cụ đó sẽ làm tăng tính thực chất của việc kê khai tài sản, thu nhập lên.

Vẫn có nhiều ý kiến phân tích, biện pháp buộc kê khai tài sản, thu nhập chỉ chạm được đến phần ngọn của vấn đề. Phần quan trọng là việc kiểm soát thu nhập của cán bộ công chức – điểm yếu của Việt Nam hiện nay. Vấn đề không được giải quyết từ gốc sẽ ít ý nghĩa. Ý kiến của ông về nhận định này?

Đánh giá như thế mới chỉ là một phần. Thu nhập và tài sản là 2 mặt của một nội dụng. Việc kiểm tra, kiểm soát có 2 dòng, thứ nhất là kiểm tra xuôi, đi từ nguồn gốc đến kết quả. Nhưng thông thường, một cuộc kiểm tra lại đi ngược dòng này, từ kết quả mà lần ngược đến nguồn gốc.

Chẳng hạn, đặt giả thiết một cán bộ tham nhũng, quá trình bắt đầu từ hành vi làm phát sinh nguồn thu bất hợp pháp, kết quả sẽ xác định bằng một tài sản. Quá trình thực hiện hành vi tham nhũng bị che giấu nhưng kết quả của hành vi ấy có thể lộ ra ở tài sản. Vậy nên kê ra tài sản thì có thể thông qua đó kiểm tra ngược lại sẽ ra cái gốc của sự việc.

Dù Luật sửa đổi một số điều của luật PCTN lần này đã được thông qua, đang triển khai thực hiện, nhiều người vẫn cho rằng, việc khuôn lại yêu cầu công khai bản kê tài sản thu nhập so với đề xuất ban đầu là buộc công khai ở cả nơi cư trú của người kê khai sẽ hạn chế nhiều khả năng giám sát của cộng đồng, người dân. Chỉ công khai ở cơ quan đơn vị - môi trường chủ yếu là các nhân viên với lãnh đạo, sẽ ít người dám lên tiếng phản ứng, yêu cầu gì ngay cả khi có nghi ngờ về bản kê khai tài sản của lãnh đạo?

Tài sản cá nhân là một trong những yếu tố nhân thân của con người. Nếu chúng ta đem công khai hóa một cách tuyệt đối như thế, xóa đi yếu tố cá nhân sẽ làm mất động lực phấn đấu của cán bộ công thức, mất động lực phát triển của xã hội.

Người Việt có câu “bắt chuột không được để vỡ bình”. Vậy nên vấn đề công khai hóa tài sản của một cá nhân cũng cần được cân nhắc giữa cái được và không được của giải pháp đó.

Còn đối với những người quan tâm một cách thực sự tới việc đấu tranh PCTN thì công khai bản kê khai tài sản tại cơ quan, đơn vị công tác là mức độ vừa phải, đủ để có thể nắm được thông tin. Việc phát hiện, lên tiếng khi đó đúng với nghĩa là để đấu tranh loại bỏ hành vi tham nhũng, với mục đích thực sự công tâm, trong sáng. “Một người thì kín, chín người thì hở”, trong một cơ quan thường không phải là 9 người, mà hơn thế biết cấp trên kê khai tài sản lấp liếm thì việc đó không thể giấu được.

Xin cảm ơn ông!

“Theo dự kiến ban đầu, đến năm 2016 mới sửa đổi toàn diện luật PCTN nhưng yêu cầu cấp thiết cần sửa ngay một số điểm. Có những nội dung chưa tổng kết, đánh giá hết, chưa chín nên chưa thể đưa vào. Vậy nên Nghị định về công khai minh bạch tài sản, thu nhập cũng có những điểm chưa thực sự thỏa mãn được.

Cơ chế kê khai tài sản thu nhập mới chỉ xây dựng theo hướng nhắm tới mục tiêu đầu trong số 2 mục tiêu thường được đặt ra là ngăn ngừa hành vi tham nhũng và phát hiện xung đột về lợi ích”.

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm