1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Sửa Luật Lao động:

Quyền thử việc, đơn phương chấm dứt HĐLĐ sẽ được điều chỉnh ra sao?

(Dân trí) - “Thời gian thử việc của người lao động nên được quy định linh hoạt hơn và phải đóng BHXH, BHYT. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần nêu lý do mà chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định…”. Đây là một số góp ý của đại biểu quốc hội về dự thảo sửa đổi Luật Lao động.

Quyền thử việc, đơn phương chấm dứt HĐLĐ sẽ được điều chỉnh ra sao? - 1

Trên tinh thần lắng nghe và tiếp thu những yếu tố hợp lý và đổi mới, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động 2012 đã có báo cáo gửi Uỷ Ban thường vụ quốc hội về nhiều nội dung, trong đó có thời gian thử việc, quyền chấm dứt HĐLĐ...

Tránh thiệt thòi cho người lao động

Về quy định phụ lục hợp đồng lao động, một số đại biểu quốc hội và ý kiến tham vấn đề nghị giữ như quy định hiện hành, như: Phụ lục hợp đồng có thể được dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Ban soạn thảo đã tiếp thu theo hướng phụ lục hợp đồng được dùng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động, trừ trường hợp sử dụng phụ lục hợp đồng để sửa đổi thời hạn hợp đồng. Điều này nhằm tránh tình trạng lợi dụng để ký hợp đồng lao động chuỗi gây bất lợi cho người lao động.

Được biết, ngày 20/9, tại Hà Nội, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 tiếp tục sẽ nhận được sự góp ý và chỉnh lý tại Thường vụ Quốc hội.  

Liên quan tới vấn đề thử việc, Ban soan thảo cũng tiếp nhận nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội thể hiện sự đồng ý với quy định có thỏa thuận về nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.

Nhưng cũng có đại biểu quội hội đề nghị: Cần quy định linh hoạt hơn về thử việc, làm rõ thời gian thử việc có được coi là thời gian làm việc chính thức và phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hay không?

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ thực tế này, Ban soạn thảo đề nghị tiếp thu theo hướng.

Cụ thể: Hai bên có thể thỏa thuận nội dung về thử việc trong hợp đồng lao động hoặc bằng hợp đồng thử việc riêng, đồng thời quy định rõ trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian thử việc.

Mặt khác, trường hợp việc làm thử được quy định trong hợp đồng lao động thì thời gian thử việc cần phải được tính là thời gian làm việc chính thức và việc tham gia các chế độ bảo hiểm thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành tương ứng.

Đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, Ban soạn thảo cũng nhận được đa số ý kiến tán thành của đại biểu quốc hội về việc sửa đổi theo hướng người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần nêu lý do mà chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định, gọi tắt là phương án 1.

Tuy nhiên, một số ít đại biểu quốc hội cũng có ý kiến đề nghị phải có quy định cần thiết hạn chế việc người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bị lôi kéo sang làm việc cho đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp.

Điều này dựa trên cơ sở cụ thể hóa “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” trong lĩnh vực lao động, tạo nên cơ chế bổ sung, đồng bộ với quy định tại khoản 7, Điều 45 Luật Cạnh tranh.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo Bộ luật trình Quốc hội kỳ họp tới sẽ chỉ quy định một phương án về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động là Phương án 1.

Về việc cụ thể hóa “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” trong lĩnh vực lao động, Bộ trưởng giải thích thêm: “Bộ luật hiện hành và dự thảo Bộ luật đã quy định: Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm (khoản 2 Điều 21 dự thảo Bộ luật)”.

Do đó, việc bổ sung thêm các hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” khác trong lao động cần nghiên cứu kỹ, thận trọng sao cho vừa bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, vừa bảo đảm quyền tự do việc làm, lựa chọn nơi làm việc của người lao động.

Hoàng Mạnh