1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…có được Luật Lao động điều chỉnh?

(Dân trí) - Hàng loạt các công việc phát sinh trong tình hình mới đang nằm ngoài sự điều chỉnh của Luật Lao động hiện hành, như: Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…Vậy trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012 đang trình Quốc hội Khoá 7 xem xét, vấn đề này sẽ được giải quyết ra sao?

Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…có được Luật Lao động điều chỉnh? - 1

Lái xe Grab - nghề thu hút nhiều lao động trẻ

Trao đổi thắc mắc của PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Bình - Vụ Phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) thừa nhận thực tế có nhiều nhóm công việc xuất hiện mới theo sự phát triển của thị trường.

“Đơn cử, các trang thương mại điện tử luôn có một đội quân hùng hậu làm công việc giao hàng (shipper) phục vụ bán hàng onlie. Chưa kể hàng loạt các dịch vụ thuê thu hộ tiền nước, tiền điện thoại, tiền điện, tiền internet, dịch vụ kế toán thuê, dịch vụ thợ xây…” - ông Nguyễn Văn Bình.

Không chỉ là thống kê trên lý thuyết, thực tế thông tin từ quá trình tranh tụng giữa Vinasun và Grab trong năm 2018 đã cho thấy, quan hệ kinh doanh của Grab đã tạo ra việc làm cho 175.000 người, gồm người lái xe ô tô và mô tô. 

Ông Nguyễn Văn BÌnh nói về việc mở rộng khái niệm người lao động, hợp đồng lao động trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012

“Riêng 2 thay đổi về khái niệm người lao động và hợp đồng lao động, phạm vi điều chỉnh của Luật Lao động sửa đổi đợt này có thể tăng thêm từ 3-5 triệu người” - ông Nguyễn Văn Bình nói.

Vậy câu hỏi đặt ra, họ có phải là nhân viên của các đơn vị chủ quản đó không? Và có nên hay không nên coi họ là đối tượng điều chỉnh của Luật Lao động sửa đổi? Nếu không điều chỉnh bằng Luật Lao động, quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT, BHTN) của nhóm đối tượng trên liệu có cần tính tới?

Giải thích điều này, ông Nguyễn Văn Bình cho rằng mô hình việc làm đang phát triển phong phú, linh hoạt và thay đổi nhanh so với thực tế trước đó. "không đơn thuần công việc chỉ còn là một anh công nhân đi làm trong nhà máy hay một chị thợ may trong xưởng may".

“Thay vào đó, nhiều đối tượng trên đang làm theo một hình thức quan hệ lao động mới và thu nhập theo kiểu nào đó mà không chịu sự điều chỉnh của Luật Lao động” - Vụ phó Vụ Pháp chế cho biết.

Lái xe Grab, nhân viên giao hàng, người thu phí…có được Luật Lao động điều chỉnh? - 2

Nhân viên giao hàng

Trong khi đó, Luật lao động hiện hành chỉ điều chỉnh hình thức quan hệ lao động truyền thống, như: Người lao động có địa điểm làm việc cụ thể, hợp đồng lao động cụ thể…

Lo lắng trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Bản chất của các hoạt động nêu trên là việc đi làm thuê để kiếm sống. Nhưng do không thuộc hình thức truyền thống, họ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lao động hiện hành, bị “bỏ rơi” về quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN”.

Đây là thách thức của pháp luật lao động hiện tại. Vậy, dự thảo Luật Lao động sửa đổi lần này sẽ có những điều chỉnh quan trọng để đối phó với tình hình trên?

“Đầu tiên là thay đổi định nghĩa về người lao động. Không giống như Luật hiện hành, dự thảo đã bỏ khái niệm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Thay vào đó là người lao động làm việc theo thoả thuận với người khác, được trả lương và chịu sự điều hành giám sát của người sử dụng lao động”- vụ Phó Vụ Pháp chế cho biết.

Bên cạnh đó, khái niệm hợp đồng lao động cũng được thay đổi cũng đã mở rộng phạm vi.

“Nếu tên gọi hoặc hình thức hợp đồng có thể là tư vấn, liên kết nhưng hội tụ đủ các điều kiện mới thì cũng sẽ được coi là hợp đồng lao động. Thậm chí không nhất thiết phải gọi bản cam kết đó đúng với tên là hợp đồng lao động thì mới là hợp đồng lao động” - ông Nguyễn Văn Bình cho biết.

Theo Vụ phó Vụ Pháp chế, điểm khó khăn khi mở ra vấn đề này là cơ chế giải quyết khi phát sinh tranh chấp lao động, giải quyết quyền lợi liên quan tới quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Hoàng Mạnh