1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

TPHCM đẩy mạnh thanh tra các ngành, nghề dễ xảy ra tai nạn lao động

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Năm 2023, TPHCM xảy ra 44 vụ tai nạn lao động chết người, giảm 12,45% so với năm 2022 nhưng vẫn là địa phương có số người chết vì tai nạn lao động cao.

Ngày 8/5, TPHCM tổ chức lễ phát động hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

 TPHCM đẩy mạnh thanh tra các ngành, nghề dễ xảy ra tai nạn lao động - 1

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, phát động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 (Ảnh: H.N).

Phát biểu tại buổi lễ, bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, nhắc lại những vụ tai nạn thương tâm vừa xảy ra như vụ tai nạn ngày 22/4 tại Nhà máy xi măng ở Yên Bái làm 7 người tử vong, vụ nổ lò hơi ngày 1/5 tại Đồng Nai làm 6 người chết…

Bà Tới nhấn mạnh: "Đó là hồi chuông cảnh báo về công tác an toàn, vệ sinh lao động".

Trong năm 2023, số vụ tai nạn lao động đã xảy ra trên địa bàn thành phố là 703 vụ; trong đó, số vụ có người chết là 44 vụ. So với năm 2022 đã giảm 12,45% về số vụ tai nạn lao động, riêng số vụ tai nạn lao động chết người giảm đến 45%.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lượng Thị Tới, thành phố vẫn không thể chủ quan với con số trên. Bởi số vụ tai nạn lao động năm 2023 giảm mạnh so với năm 2022 nhưng TPHCM vẫn là một trong các địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất nước.

Do đó, bà kêu gọi các ban ngành, tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc thực thi các quy định trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

 TPHCM đẩy mạnh thanh tra các ngành, nghề dễ xảy ra tai nạn lao động - 2

Bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM (Ảnh: H.N).

Phát biểu tại chương trình, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, khẳng định phương châm của thành phố trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 là lấy phòng ngừa làm nguyên tắc ưu tiên trong quản lý an toàn, vệ sinh lao động.

Do đó, ông đề nghị các đơn vị tăng cường tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, cơ quan quản lý phải tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh.

Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh: "Cần đầu tư mạnh hơn cho công tác an toàn, vệ sinh lao động gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cả khu vực không có quan hệ lao động".

Ngoài ra, Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chỉ đạo ngành lao động tổ chức các cuộc thanh tra trong những ngành nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, những ngành sử dụng máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn…