1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

An toàn lao động:

Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp: Tính nhân văn cao!

“Việc hình thành Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp tạo ra nhiều cơ hội để hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc giám sát công tác thực hiện đóng quỹ đang là một vấn đề thách thức…”


Người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có điều kiện tham gia Quỹ BHTN, BNN.

Người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có điều kiện tham gia Quỹ BHTN, BNN.

Ông Nguyễn Anh Thơ - Cục phó Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi  về công tác triển khai Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đây cũng là một nội dung quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) vừa được Quốc hội thông qua.

Xin ông cho biết rõ hơn về mô hình quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động nghề nghiệp?

Khi được hình thành, Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTN, BNN) có vai trò như “bà đỡ” của người lao động và doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm với người bị TNLĐ, BNN …

Về nguồn thu của Quỹ, quy định mức đóng linh hoạt của người sử dụng lao động tối đa 1% trên tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.  Quỹ sẽ bổ sung thêm nội dung chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người lao động bị TNLĐ, BNN sau khi đã điều trị, phục hồi chức năng.

Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần, bổ sung thêm nội dung chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ ro cho người bị TNLĐ, BNN.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp: Tính nhân văn cao! - 2

“Việt Nam đã gia nhập TPP và chuẩn bị tham gia vào Cộng đồng kinh tế Asean. Đây là những thị trường lao động rất năng động nhưng cũng yêu cầu rất cao về các điều kiện lao động như: Bảo hiểm, an toàn…Như vậy, đây là cánh cửa rất lớn, điều kiện rất cao cho các đối tượng bắt buộc cũng như tự nguyện tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN” - ông Nguyễn Anh Thơ nói.

Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ dành tối đa 10% hàng năm từ nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN, bao gồm: Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ TNLĐ, BNN theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội; huấn luyện về ATVSLĐ cho người tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Với quy định mở rộng đối tượng, Quỹ giúp người lao động không có hợp đồng lao động có cơ hội tham gia. Quỹ bổ sung thêm các nội dung chi hỗ trợ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc. Đồng thời hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.

Khi Quỹ BHTN, BNN đi vào hoạt động, những công tác gì cần chú ý thời gian tới, thưa ông?

Bảo hiểm cho người bị TNLĐ, BNN là một yêu cầu rất bức thiết trong thời điểm hiện nay. Hiện tại, Cục An toàn lao động đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp: Tính nhân văn cao! - 3

Trong đó quy định cụ thể về đối tượng tham gia; mức đóng và phương thức đóng; chế độ cho người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị TNLĐ, BNN…

Sắp tới, song song với bảo hiểm xã hội, khuyến khích đối tượng tham gia thì chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng như chia sẻ trách nhiệm từ Nhà nước đối với người lao động để tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN sẽ được đề xuất

Xin cảm ơn ông

Phan Minh (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN:

VCCI Nghệ An mở lớp hướng dẫn ATVSLĐ cho thành viên

Trong tháng 10/2015, Chi nhánh VCCI Nghệ An đã tổ chức Lớp tập huấn “Thực hiện quản lý vệ sinh lao động theo luật pháp - Kỹ năng kiểm soát” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Lớp học thu hút hàng chục cán bộ của các doanh nghiệp thành viên VCCI Nghệ An tham gia. Khoá tập huấn diễn ra nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao nhận thức, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ cũng như bảo đảm an toàn thân thể và tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp và góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Lớp học còn đề cập đến nhiều nội dung liên quan đến hoạt động phòng, chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp: Tính nhân văn cao! - 4

Theo đại diện Chi nhánh VCCI Nghệ An, tuy đã có một số chuyển biến trong công tác an toàn vệ sinh lao động, song tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng trong một số ngành nghề, nguy cơ mất ATVSLĐ vẫn cao. Nguyên nhân gây tai nạn lao động chủ yếu là do người sử dụng lao động vi phạm các quy định về ATLĐ và người lao động vi phạm tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật an toàn.

V.P

Quảng Ninh: Hai công nhân tử vong khi đang khai thác than

Chiều 31/10, ông Mai Quang Dương, đại diện Công ty Than Quang Hanh, cho biết lúc 20 giờ 30 ngày 29/10, một vụ tai nạn lao động khiến hai công nhân của công ty tử vong đã xảy ra tại khu vực công trường thuộc địa phận thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Theo đó, hai công nhân gặp nạn là anh Vũ Văn Khái, SN 1986, trú huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình và anh Lê Thanh Hải, SN 1986, trú huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hai nạn nhân đều thuộc Phân xưởng khai thác số 8 của Công ty Than Quang Hanh. Thông tin ban đầu cho thấy, hai nạn nhân đã bị một lượng lớn than vùi lấp lên người. Ngay khi phát hiện sự việc, lãnh đạo Công ty Than Quang Hanh và các đơn vị chức năng TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng cứu. Đến khoảng gần 21 giờ ngày 29/10, hai công nhân được tìm thấy nhưng đã tử vong.

“Trong ngày 30-10, thi thể các công nhân đã được đưa về quê nhà để an táng theo phong tục. Về trách nhiệm của công ty, chúng tôi ban đầu cũng đã có sự hỗ trợ vật chất nhất định đối thân nhân hai công nhân trên. Ngoài anh Khái và anh Hải, không có thêm công nhân nào bị thương trong kíp làm việc này vào ngày 29-10” - ông Dương nói. Nguyên nhân của sự việc đang được các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, làm rõ.

H.T

Hội thảo huấn luyện, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động

Ngày 30/10, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TBXH) tổ chức Hội thảo huấn luyện, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và quan trắc môi trường lao động. Hội thảo thu hút đại diện 40 Bộ, ngành và Sở LĐ-TBXH các tỉnh,thành miền Bắc và miền Trung.

Hội thảo là dịp để các đại biểu đã đóng góp ý kiến cho 2 dự thảo Nghị định: Nghị định Quy định hoạt động kiểm định an toàn lao động, huấn luyện an toàn vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và Nghị định Quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ATVSLĐ về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Quỹ Bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp: Tính nhân văn cao! - 5

Theo Cục an toàn lao động, sau khi Luật ATVSLĐ được thông qua, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng 4 Nghị định để hướng triển khai Luật. Để hoàn thành các Nghị định này, Bộ LĐ-TB7XH với tư cách là đơn vị tổ chức thực hiện chính đã phối hợp với Bộ Y tế, Tổng LĐLĐVN để tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện về dự thảo ban đầu.

Được biết, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được xây dựng trên cơ sở cụ thể hóa 20 điều tại Chương 9 về ATVSLĐ của Bộ luật lao động năm 2012 và kế thừa các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) tại Mục 3 Chương 3 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đây là Luật ATVSLĐ đầu tiên của Việt Nam và là nước thứ sáu trong ASEAN ban hành Luật này.

N.D

Phát hiện nhiều sai phạm của Tổng thầu Trung Quốc

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH vừa phát hiện Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vi phạm quy định trong việc duy trì nhiều máy móc thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Theo đó, thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện công ty này chưa tiến hành kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với 8 máy, thiết bị. Những thiết bị, máy nêu trên thuộc danh mục yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định. Do những sai phạm nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải khẩn trương tiến hành việc kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Đồng thời phải khai báo việc sử dụng 11 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội theo đúng các quy định của pháp luật. Được biết dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông do Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu đã để xảy ra rất nhiều vụ tai nạn lao động trong quá trình thi công khiến dư luận hết sức bức xúc.

K.L