Lương tối thiểu vùng 2016: “Doanh nghiệp dùng bảng lương tối thiểu chỉ để tính BHXH”

(Dân trí) - “Mức lương doanh nghiệp thực trả cho người lao động cao hơn nhiều so với mức lương đóng BHXH. Khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, mức trả thực của doanh nghiệp ở Hà Nội là 4.400.000 đồng/người/tháng, TP HCM là 4.900.000 đồng/tháng. Vậy đề xuất tăng thêm lương tối thiểu 550.000 đồng/mức là điều doanh nghiệp chịu được”.

Chi phí thực tế của người lao động đã tăng nhiều so với thực tế mức lương tối thiểu. (Ảnh minh họa)
Chi phí thực tế của người lao động đã tăng nhiều so với thực tế mức lương tối thiểu. (Ảnh minh họa)

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí về đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 cũng như việc phân tích sâu hơn về căn cứ tính lương tối thiểu.

Thưa ông, Tổng LĐLĐ VN cho rằng việc tăng thêm 550.000 đồng/mức cho lương tối thiểu vùng năm 2016 là điều doanh nghiệp có thể chịu được. Ông có thể giải thích rõ hơn điều này?

- Doanh nghiệp thường xây dựng 2 hệ thống bảng lương. Một bảng lương dùng để đóng BHXH, họ chỉ để mức lương bằng hoặc cao hơn một chút so với mức lương tối thiểu. Một bảng lương để họ thực trả cho người lao động, bảng này chi tổng thu nhập của người lao động.

Nếu mức thực trả của doanh nghiệp cho người lao động chỉ bằng mức lương tối thiểu thì chắc chắn người lao động không thể chấp nhận được.

Căn cứ vào kết quả khảo sát của Tổng LĐLĐ VN tháng 4-5 vừa qua và báo cáo của các LĐLĐ hàng năm, doanh nghiệp tại Hà Nội trả cho người lao động trung bình từ 4.400.000 đồng/người/tháng, doanh nghiệp tại TP HCM là 4.900.000 đồng/người/tháng.

Trong khi đó, mức lương tối thiểu vùng năm 2015 quy định cho khu vực 1 (TP Hà Nội, TPHCM là 3.100.000 đồng/người/tháng).

“Chỉ ở VN mới có chuyện 2 bảng lương như vậy, các nước khác không có hệ thống 2 bảng lương. Để hạn chế việc này, luật BHXH mới quy định từ 1/1/2018, BHXH sẽ tính trên tổng thu nhập. Như vậy, Chính phủ sẽ hướng dẫn khoản bổ sung, khoản phụ cấp cụ thể như thế nào” - ông Mai Đức Chính nói.

Thống kê của Công đoàn Cty TNHH ToTo VN (KCN Thăng Long, Hà Nội) cho thấy, chi phí cho 1 công nhân độc thân đã phải chi tiêu tối thiểu 4.150.000 đồng, nhưng mức lương tối thiểu vùng mới ở mức 3.100.000 đồng. Vậy lấy đâu ra 1.050.000 đồng? Doanh nghiệp đã trả thêm cho người lao động và được hạch toán vào giá thành.

Như vậy, khoản tiền 4.400.000 - 4.900.000 đồng đó doanh nghiệp báo cáo với cơ quan thuế để quyết toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp, thực chất là tiền lương. Họ bóc tách ra thành các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp chuyên cần, phụ cấp đi lại, phụ cấp nhà ở... Doanh nghiệp lợi dụng được phần 22 % đóng BHXH, BHYT, BHTN của phần vênh ra.

Với đề xuất của chúng tôi đưa ra mức tăng thêm 550.000 đồng/mức, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ là: 3.100.000 đồng (mức hiện nay) + 550.000 = 3.600.000 đồng.

Mức 3.600.000 đồng này vẫn còn thấp hơn mặt bằng 4.400.000 đồng mà các doanh nghiệp đang trả tại vùng Hà Nội hoặc 4.900.000 đồng ở TP HCM.

Thực ra, yếu tố tăng thêm tiền lương tối thiểu chỉ làm tăng thêm tỉ lệ đóng góp theo quy định 24% mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Nhưng tỉ lệ này cũng rất ít.


Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia.

Kết luận số 63 của Ban Chấp hành Trung ương ngày 23/5/2013 chỉ đề cập rằng, tùy theo điều kiện kinh tế xã hội để đẩy nhanh mức tiền lương tối thiểu tiến tới đáp ứng mức sống tối thiểu. Vậy cơ sở nào để Tổng LĐLĐ VN cho rằng việc xây dựng lộ trình tăng lương tối thiểu vùng tới năm 2017 phải hoàn tất, thưa ông?

- Luật BHXH năm 2014 đã quy định, từ 1/1/2018 mức đóng BHXH bằng tổng thu nhập của người lao động (tiền lương, phụ cấp mức lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động). Nếu tăng theo mức 550.000 thì mới đáp ứng 89 % và tới năm 2017, mức tăng đạt được 100 %.

Mặt khác, Điều 91 Luật Lao động năm 2012 đã quy định, mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Luật này có hiệu lực từ 1/5/2013. Mặc dù chúng ta đã chấp nhận lộ trình thực hiện vài năm rồi nhưng tại sao phải tới năm 2020 - đề xuất của VCCI.

Đối tượng chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của tăng lương tối thiểu vùng? Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội: “Quý 1/2015, tỉ trọng người lao động làm công ăn lương ở VN mới chiếm 37,8% trong tổng số lao động có việc làm, tương đương 19,8 triệu lao động. Nghiên cứu trong tháng 7 của Văn phòng Tổ chức lao động Quốc tế tại VN, cả nước có khoảng gần 55% người lao động làm công ăn lương có thời gian làm việc dưới 5 năm”.

Theo tôi, năm 2015 tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng 70% nhu cầu sống tối thiểu.

Năm 2014, chúng ta còn tăng được hơn 14 %, vậy tại sao năm 2015 các điều kiện kinh tế phát triển nhưng lại thụt lùi?

Cần phải nói thêm, từ năm 2018, việc tăng lương tối thiểu vùng mới có thể được hiểu đúng nghĩa. Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, việc tăng lương tối thiểu vùng còn phụ thuộc vào các yếu tố: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, giá cả hàng tiêu dùng thị trường, năng suất lao động và giá nhân công trên thị trường. Thời điểm hiện nay phải cộng thêm một tỉ lệ tăng giữa tiền lương tối thiểu để đủ sống .

Một trong những lý do của VCCI nhằm bảo vệ phương án tăng 10 % mức lương tối thiểu vì có tới 70 % doanh nghiệp làm ăn không có lãi, ông có ý kiến gì về điều này?

- Tôi không hiểu VCCI lấy con số đó ở đâu. Việc doanh nghiệp có lãi hay không phải để cơ quan thuế trả lời. Khi nào Tổng cục thuế thông báo con số đó thì chúng tôi mới coi là con số thực. Mặt khác, chúng ta cũng thừa biết biết thực tế nhiều doanh nghiệp FDI đã thực hiện việc chuyển giá, họ cứ báo lỗ thì xử lý làm sao?

Nếu doanh nghiệp lỗ thì đã chắc chắn không thể tồn tại rồi. Còn nếu cứ nói “vống” như thế thì ai xác thực việc đó ngoài chính doanh nghiệp?

Liên quan tới yếu tố kỹ thuật trong tính toán lương tối thiểu, việc Hiệp hội dệt may cho rằng hệ số của người đi kèm chỉ nên tính là 0.5, phù hợp với các nước xung quanh. Nhưng thực tế VN đang tính là 0,7, thưa ông?

- 0,5 % là con số xa rời thực tế. Tổng LĐLĐ VN, Tổng cục thống kê và Bộ LĐ-TB&XH đều thống nhất con số là 1 người nuôi 1 người đi kèm. Và chi phí cho người đi kèm này bằng 0,7% của lao động chính. Trong khi đó, Hiệp hội dệp may đưa ra chỉ 0,5%.

Năm 2014, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 lên trên 14 %.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng ở 4 vùng là: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/vùng.

Chúng ta hay thử lấy ví dụ, việc nuôi một đứa trẻ cần có tiền sữa, tiền đi nhà trẻ, tiền học hành, bệnh viện … Chi phí này còn cao hơn con số 70 % mức lương tốt thiểu so với mức sống tối thiểu mà chúng tôi khảo sát.

Chưa kể việc tính toán chi phí thực phẩm của người lao động, chúng ta cần căn cứ vào chi phí giá của 45 mặt hàng thiết yếu, mức tiêu thụ phải trên 2.300 Calo.

Ngoài ra, sự chênh lệch về nhu cầu thực phẩm giữa vùng miền núi và đô thị có sự khác nhau. Ở thành phố, nhu cầu thực phẩm không quan trọng. Nhưng ở miền núi, các điều kiện văn hóa tinh thần còn thiếu thì nhu cầu thực phẩm lại cao hơn. Chi phí về thực phẩm ở miền núi khoảng 55 % tổng chi phí tối thiểu, còn lại là 45 % là văn hóa, tinh thần.

Ở đô thị, nhu cầu về thực phẩm chỉ 35 %, còn lại về văn hóa, tinh thần chiếm tới 65% (chi phí đám cưới, quần áo, học hành, giải trí…). Như vậy, phải tính thực tế chứ cứ "ang áng" bằng 50 % thì không được.

- Xin cảm ơn ông

“Hội đồng tiền lương Quốc gia cho rằng nếu tăng lương như vậy thì có doanh nghiệp đóng cửa. Tôi cho rằng cũng cần thiết phải như thế. Chúng ta đang phải cơ cấu và quản trị lại. Chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta phải chấp nhận thực tế, ai không “sống” được thì phải đi tìm con đường khác. Tại sao doanh nghiệp FDI phát triển? Vì họ quản trị tốt, năng suất lao động tốt. Còn doanh nghiệp cứ vin vào năng suất thấp để đưa ra mức lương thấp” - ông Mai Đức Chính nói.

Hoàng Mạnh