Lương tối thiểu: Tăng 10%, VCCI chọn “bước lùi” hay tính kế lâu dài?

(Dân trí) - “Ngoài mức lương tối thiểu vùng có thể thêm 10%, người lao động còn được hưởng các chế độ như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ. Trong khi đó, từ 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015”.

Người lao động làm công ăn lương trông chờ nhiều vào mức tăng lương tối thiểu. (ảnh minh họa)

Người lao động làm công ăn lương phụ thuộc nhiều vào mức tăng lương tối thiểu. (ảnh minh họa)

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), trao đổi về lý do đề xuất mức 10 % tại buổi họp Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm 5/8 tại Hà Nội.

Thưa ông, được biết trước khi vào họp Hội đồng tiền lương Quốc gia hôm 5/8, VCCI - với tư cách đại diện người sử dụng lao động - chỉ đề xuất mức 6-7%. Tại sao khi kết thúc, mức đề xuất của VCCI đã lên tới 10%?

- Ngày 5/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hà Nội để trao đổi về phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

Căn cứ vào những cơ sở dữ liệu và lập luận như tình hình kinh tế xã hội, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền lương, việc làm, năng suất lao động và mức sống của người lao động…VCCI ban đầu đưa ra mức tăng khoảng  từ  6-7%. Đây là mức hợp lý phản ánh đúng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong quá trình thương thảo sau khi xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện làm việc, đời sống của người lao động, các thành viên trong phái đoàn của VCCI đã thảo luận và đưa ra mức điều chỉnh mức tăng lên 10%.

Theo Viện KHLĐ (Bộ LĐ-TB&XH): VN hiện có 53 triệu người thuộc độ tuổi lao động. Trong đó, lao động thuộc khu vực có quan hệ lao động chiếm hơn 35 %. Việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới một bộ phận lao động không nhỏ trong số này.

Tổng LĐLĐ VN cho rằng mức 10% chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người lao động. Thậm chí, mức thu nhập bình quân ở Hà Nội không chỉ dừng ở 3,1 triệu đồng/người/tháng - theo quy định lương tối thiểu vùng 1 hiện nay - mà đã lên tới hơn 4 triệu đồng/người/tháng, thưa ông?

- VCCI đưa ra mức 10 % nhằm giúp doanh nghiệp đảm bảo tồn tại, phát triển bền vững, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Khảo sát của VCCI mới đây cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn: Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, con số 98 % doanh nghiệp còn lại thuộc mô hình nhỏ và siêu nhỏ. Gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Trong 7 tháng đầu năm 2015, 37,829 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Số liệu này tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoài, trong đó tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỉ lệ người có việc làm giảm xuống.

Nếu doanh nghiệp không phát triển, thì nguy cơ người lao động mất việc làm, đẩy tỉ lệ lao động trong khu vực có quan hệ lao động sang khu vực phi chính thức tăng. Điều này có thể gây hệ lụy xấu và người lao động không được hưởng các chính sách hỗ trợ an sinh tăng lên.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.

Năm 2014, VCCI đã đồng ý với mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2015 hơn 14%. Năm nay, mức đề xuất tới thời điểm này cho năm 2016 của VCCI dừng ở 10 %. Vậy điều này cho thấy một bước lùi hay là thể hiện một mục tiêu gì khác của VCCI, thưa ông?

- Sang năm 2016, bên cạnh mức tăng giả định 10 % như đã nêu ở trên, thực tế người lao động còn được hưởng thêm các chế độ an sinh xã hội cao hơn thời gian trước như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ.

Trong khi đó, từ 1/1/2016, doanh nghiệp phải đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015.

Vì thời điểm đó, luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực, mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (hiện nay mới chỉ là tiền lương).

Ngoài ra, năm 2016, nhiều chính sách về BHXH, an toàn vệ sinh lao động có hiệu lực đòi hỏi doanh nghiệp phải chi thêm nhiều khoản liên quan tới hỗ trợ lao động nữ, chính sách đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…

Tất cả những chi phí này, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu.

Do đó với mức tăng lương tối thiểu vùng thêm 10% như đề xuất của VCCI, thực tế doanh nghiệp đã phải trả lương và đóng các khoản bảo hiểm, kinh phí công đoàn cho người lao động tăng lên từ 17-18%.

Đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp, nếu không đưa ra mức điều chỉnh hợp lý khả năng số doanh nghiệp ngừng hoạt động và phá sản sẽ tiếp tục gia tăng.

Vậy thưa ông, việc giải quyết bài toán tăng lương tối thiểu đáp ứng đời sống tối thiểu cho người lao động về lâu dài sẽ ra sao?

- Để có thể tăng lương và cải thiện đời sống cho người lao động, mục tiêu xa hơn là hướng tới mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu, tôi cho rằng yếu tố quyết định cần dựa vào việc tăng năng suất lao động và chất lượng công việc.

Như quy định tại mục 2 điều 90 của Bộ Luật lao động “Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc”.

Việc nâng cao năng suất phải được cụ thể hóa thông qua việc nâng cao tay nghề, ý thức và tác phong công nghiệp của người lao động, cải tiến máy móc thiết bị công nghệ, khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh khi tham gia các hiệp định thương mại.

Tuy nhiên, năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi, khả năng đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế. Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian.

Năm 2014, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2015  lên trên 14 %.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2015 áp dụng ở 4 vùng là: Vùng I: 3.100.000 đồng/tháng; Vùng II: 2.750.000 đồng/tháng; Vùng III: 2.400.000 đồng/tháng; Vùng IV: 2.150.000 đồng/tháng. Mức lương này cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2014 từ 250.000-400.000 đồng/vùng.

Hoàng Mạnh