1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bỏ viên chức suốt đời, cần đánh giá đầy đủ các tác động

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Chính phủ trình lên Quốc hội khóa XIV. Dự thảo luật đã hướng đến nội dung đáng chú ý như “bỏ viên chức suốt đời”. Với nội dung này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là cách thức để thu hút được người tài.

Bỏ viên chức suốt đời, cần đánh giá đầy đủ các tác động - 1

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) trao đổi ngoài hành lang Quốc hội về bỏ viên chức suốt đời.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình

Quốc hội đã nghe Chính phủ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, sau đó các đại biểu thảo luận ở tổ về nội dung này. Dự thảo luật lần này hướng đến một số nội dung đáng chú ý như bỏ biên chế suốt đời, quy định kỷ luật với cán bộ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác…

Trao đổi về vấn đề này, ngoài hành lang Quốc hội, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) nêu quan điểm: “Nếu từ năm 2020 khi Luật này được thông qua, theo cá nhân tôi điều này cũng rất tốt. Chính phủ trình Quốc hội làm sao để thể chế hóa những chủ trương, đường lối về phía Đảng cũng như lập pháp của Quốc hội. Do đó, nhiều điều Luật lần này cũng đã được điều chỉnh trong Luật hiện hành, trên nguyên tắc làm sao phát huy được hiệu quả của Công chức, viên chức thực thi trong bộ máy nhà nước. Trong đó, đối với vai trò lãnh đạo cũng được điều chỉnh trong luật này. Với những trường hợp lãnh đạo làm quản lý trong các đơn vị sự nghiệp sẽ không còn là công chức nữa”.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, ông rất đồng tình với dự thảo luật lần này với quy định bỏ viên chức suốt đời. Theo ông Hoà, trên thế giới đã có nhiều nước thực hiện việc này, trong đó, viên chức chỉ ký hợp đồng lao động chứ không có viên chức suốt đời. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề rất mới ở Việt Nam. “Viên chức thường là giáo viên, đội ngũ y bác sĩ... sau khi ra trường vào làm việc rồi ký hợp đồng với người sử dụng lao động, đây là một sự hài hoà, gắn bó giữa người lao động và người sử dụng lao động”, ông Hoà nói.

Theo ông Hoà, khi viên chức (người lao động) ký hợp đồng với cơ quan, tổ chức của Nhà nước (người sử dụng lao động) sẽ thoả thuận những điều kiện cụ thể với nhau trong hợp đồng lao động. Trong bản hợp đồng này sẽ có những quy định ràng buộc, có chế định với cả hai bên.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình, Ủy viên Thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc hội) cho rằng, cần có cơ chế để ràng buộc người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để không xảy ra việc sa thải người lao động “vô tội vạ”. Ngoài ra, cần xác định rõ vị trí việc làm và bộ công cụ để đánh giá mức độ người lao động có hoàn thành công việc hay không. Để thực hiện được chính sách bỏ “viên chức suốt đời”, người chủ sử dụng lao động phải là người công tâm, chính trực, khách quan vì lợi ích của cơ quan chứ không cả nể, bao che.

Luật thông qua sẽ ảnh hưởng thế nào?

Bỏ viên chức suốt đời, cần đánh giá đầy đủ các tác động - 2

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) cho biết, việc bỏ viên chức suốt đời cần phải đánh giá đầy đủ những tác động. Ảnh: L.Bảo

Trước vấn đề này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) tiếp tục nêu quan điểm, việc bỏ “viên chức suốt đời” cũng cần phải đánh giá đầy đủ những tác động, suy cho cùng những cơ chế, chính sách của chúng ta cần phải toàn diện. Toàn diện ở đây thể hiện việc làm thế nào lựa chọn được những người thực sự có tài có đức vào bộ máy và giữ chân họ ở trong bộ máy lâu dài. Một điều nữa là phải đưa những người không đủ năng lực, trình độ ra khỏi bộ máy. Đây chính là điều chúng ta phải quan tâm.

Bên cạnh những quy định của pháp luật, bản thân đại biểu Hiểu quan tâm đến khâu thực thi, trong đó giao quyền cho người đứng đầu. Việc đánh giá kết quả theo từng năm hoặc theo chu kỳ 3 năm, cùng với đó là những chương trình sát hạch để bảo vệ những quan điểm, sáng kiến của mình để nâng cao chất lượng công việc. “Tôi cho rằng một cán bộ dù hợp đồng hoặc viên chức nhưng chưa có cách thức để đánh giá những người yếu, người giỏi chưa có phương thức để đánh giá thì dù là hợp đồng thì chúng ta cũng rất khó khăn đưa ra”, đại biểu Hiểu nói.

Trả lời về câu hỏi này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cũng cho rằng: “Tôi thấy rằng, bộ máy được đánh giá có cải tiến rất nhiều nhưng bộ máy chưa thực sự năng động, tác động đến từng vị trí công việc. Việc thay đổi lần này khi xác định lại vị trí công việc sẽ tạo đông lực của từng cá nhân để nỗ lực trong thực thi trách nhiệm của mình. Mỗi viên chức có vị trí việc làm phù hợp người ta sẽ nỗ lực và có thù lao tương ứng với vị trí. Với sự nỗ lực đó, có sự thay đổi bản thân người viên chức cũng hưởng những lợi ích dựa vào cống hiến của mình. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng đó là một cơ chế có tác động để người viên chức thực thi trách nhiệm của mình, để đóng góp vào bộ máy nhà nước tốt hơn”.

Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (đoàn Bình Phước), quan tâm tới vấn đề thu hút người tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Bởi thực tế đã xảy ra việc người tài “ngại về nước làm việc”, “ngại vào cơ quan công quyền”. “Thời gian qua chúng ta đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài, nhưng vẫn cần lượng hóa thành luật, là căn cứ pháp lý cao nhất để thực hiện. Khi bàn luận về Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, nhiều đại biểu quan tâm đến điều 6 quy định về chính sách thu hút người tài. Trong đó nhiều người băn khoăn, cho rằng cần quy định như thế nào là người tài, điều kiện tiêu chuẩn kèm theo là gì, đãi ngộ ra sao để giữ chân”?

Giữ chân người tài bằng chính sách đãi ngộ

Trao đổi về quy định chế độ đãi ngộ với người tài, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, nhiều nước phát triển trên thế giới có chế độ đãi ngộ với người tài hết sức đặc biệt như lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội với gia đình, vợ con, ... Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn thì việc đãi ngộ người tài có thể sẽ không bằng các nước phát triển hơn. Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ sự tin tưởng Chính phủ sẽ có những tính toán để đưa ra những đại ngộ tốt nhất với người tài, để giữa chận được họ làm việc cho mình.

Theo Lê Bảo/Giadinh.net.vn