1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

​BHYT HSSV tại Hà Nội: Kiên quyết thực hiện mục tiêu đề ra

Để thực hiện chỉ tiêu 80% dân số tham gia BHYT vào năm 2016 và tiến tới con số 90,1% vào năm 2020, thành phố Hà Nội xác định ưu tiên phát triển một số nhóm đối tượng, trong đó có học sinh sinh viên với tỉ lệ 100%.

​BHYT HSSV tại Hà Nội: Kiên quyết thực hiện mục tiêu đề ra - 1

Tới nay, theo BHXH Hà Nội, có 9/30 quận, huyện đã đạt tỷ lệ HSSV tham gia trên 95%, như: Quận Cầu Giấy (100%), Hoàn Kiếm (98,8%), Hai Bà Trưng (98,6%), Ứng Hòa (98,3%); Long Biên (97,4%)…Đây là kết quả của việc triển khai quyết liệt từ ngay trong năm học 2014-2015 của BHXH Hà Nội, với 88,7% trong năm học vừa qua.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Mai- Giám đốc BHXH Hà Nội, toàn thành phố vẫn còn 6 huyện có tỷ lệ học sinh sinh viên tham gia BHYT ở mức dưới 80%, gồm: huyện Mỹ Đức (77,8%), huyện Chương Mỹ (77,8%), Thanh Oai (74,7%), Quốc Oai (67%), Thạch Thất (65,6%) và huyện Ba Vì chỉ đạt 62,9%. Đây chủ yếu là các huyện thuộc vùng ngoại thành, vùng nông thôn, người dân sinh sống bằng nghề nông.

Phân tích sâu nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Phương Mai cho rằng nguyên nhân chính là do yêu tố kinh tế. “Quy định đã nêu rõ, học sinh sinh viên là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, NSNN hỗ trợ 30% mức phí. Tuy nhiên phần đóng góp 70 % còn lại vẫn là một trở ngại lớn đối với những gia đình có thu nhập thấp ở các vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội”.

Bên cạnh đó, nguyên nhân về nhận thức của chính các bậc phụ huynh về tác dụng của BHYT còn chưa cao. Các thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh BHYT còn phức tạp, rườm rà nên cũng phần nào làm giảm hiệu quả tham gia BHYT học sinh sinh viên ở những địa phương này.

“Đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các trường ĐH-CĐ, trung cấp nghề thống nhất phương thức triển khai thực hiện công tác BHYT HSSV. Kết quả thực hiện BHYT HSSV cần được lấy làm tiêu chí bình xét thi đua giữa các nhà trường” - bà Nguyễn Thị Phương Mai cho biết.

Về khối sinh viên các trường ĐH, CĐ. Tỉ lệ tham gia BHYT đạt vẫn còn thấp với 84,9%. (Trong khi đó, khối trường tiểu học đạt 89,5%; khối trường THCS đạt 89,6%, khối trường THPT đạt 93%).

Đại diện BHXH Hà Nội cho biết, sinh viên năm thứ nhất tham gia BHYT thường ở mức cao. Do việc thu phí BHYT được thực hiện cùng lúc với các khoản thu khác khi sinh viên làm thủ tục nhập trường.

“Tuy nhiên, từ năm thứ hai trở đi, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT giảm dần, thậm chí nhiều sinh viên bỏ qua luôn việc mua thẻ BHYT” - bà Nguyễn Thị Phương Mai cho biết.

BHXH Hà Nội cũng thừa nhận thực tế, việc tổ chức và thời gian thu tiền BHYT trong khối trường ĐH-CĐ, trung cấp nghề chưa thống nhất. Nhiều nhà trường lại giao cho phòng y tế, phòng tài chính, phòng công tác học sinh sinh viên hoặc phòng quản lý người học tổ chức triển khai công tác BHYT…

Trên cơ sở đó, BHXH Hà Nội xác định nhiều giải pháp nhằm phối hợp với ngành Giáo dục, Tài nhằm tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT, đồn thời sẽ tham mưu và trình UBND TP Hà Nội hai phương án: Đề nghị hỗ trợ tiếp 20% mức phí (thành 50% mức phí) cho toàn bộ HSSV tham gia BHYT; Chỉ hỗ trợ cho HSSV ở một số xã, huyện ngoại thành có kinh tế khó khăn.

“BHXH Thành phố sẽ làm việc với Đảng ủy khối các trường ĐH và đề nghị sớm ra văn bản hướng dẫn các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc quy chế công tác SV đối với chương trình đào tạo hệ chính quy theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 5/4/2016. Trong đó nhấn mạnh quy định học sinh sinh viên cố tình chậm nộp hoặc không nộp học phí, BHYT theo quy định của nhà trường mà không có lý do chính đáng thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý từ nhắc nhở, khiển trách đến buộc thôi học” - bà Nguyễn Thị Phương Mai cho biết.

Đồng thời, BHXH Thành phố chỉ đạo BHXH các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND cùng cấp triển khai công tác BHYT HSSV năm học mới, hỗ trợ các trường học trên địa bàn để công tác thu phí, lập danh sách, in ấn, phát hành thẻ BHYT kịp thời, chính xác, đảm bảo thẻ BHYT đến tay học sinh sinh viên trước khi có giá trị sử dụng…

BHXH Hà Nội cũng đề nghị ngành Y tế chỉ đạo, hỗ trợ các cơ sở y tế có Hợp đồng KCB BHYT tiếp tục đổi mới, đầu tư trang thiết bị, cải cách TTHC trong công tác KCB, giảm phiền hà để tạo niềm tin cho HSSV và phụ huynh các em.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

BHXH Hà Nội: Tổ chức đối thoại với người lao động về chính sách pháp luật BHXH

Trong tháng 8/2016, BHXH Hà Nội và LĐLĐ thành phố và LĐLĐ huyện Gia Lâm đã tổ chức hội nghị đối thoại chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, pháp luật lao động và công đoàn với người lao động trên địa bàn huyện.

Hội nghị là cơ hội để người lao động trên địa bàn huyện Gia Lâm được chia sẻ những thắc mắc và băn khoăn về chính sách BHXH. Tham dự có đại diện của LĐLĐ Thành phố, BHXH Thành phố, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội và nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Nhiều người lao động đã gửi tới gần 40 câu hỏi phản ánh tính thực tế trong việc chi trả chế độ BHTN, mức đóng BHXH, lộ trình việc trả sổ BHXH, chế độ tiền lương, điều 60 của Luật BHXH, cách tính BHXH cũng như các thắc mắc về chế độ hưu trí, chế độ hưởng BHXH khi người LĐ nghỉ thai sản, ốm đau; thủ tục hưởng bảo hiểm y tế khi chuyển viện; thủ tục đăng ký khám chữa bệnh ban đầu; thủ tục đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí…Đại diện BHXH, LĐLĐ đã giải đáp các thắc mắc và cung cấp thêm nhiều thông mới, bổ ích về chính sách mới trong việc thực hiện BHXH, BHYT, BHTN. Theo LĐLĐ Thành phố Hà Nội, Hội nghị đối thoại về BHXH, BHYT tại Gia Lâm là chương trình lần thứ 3 được tổ chức lần trong năm 2016. Trước đó, các bên đã tổ chức đối thoại về các chính sách tại quận Hà Đông và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội.

A.M

Nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 559 tỉ đồng

Đây là thông tin do BHXH VN cung cấp tới đầu tháng 8. Số nợ này nằm trong tổng số nợ 13.000 tỉ đồng, gồm cả BHXH, BHYT.

Theo BHXH VN, số nợ hơn 13.900 tỉ đồng gồm: Nợ BHXH 9.819,4 tỉ đồng; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 559,4 tỉ đồng; bảo hiểm y tế (BHYT) 3.555,7 tỉ đồng (trong đó: ngân sách các địa phương chưa chuyển 1.941,7 tỉ đồng, chiếm 54,6% tổng nợ BHYT). Thống kê của BHXH VN tới đầu tháng 8/2016 cho thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc trong toàn quốc là hơn 12,4 triệu người; (BHTN) là 10,5 triệu người, BHXH tự nguyện là 192.340 người và BHYT là 72,9 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 79,2% dân số). Số thu toàn ngành BHXH trong tháng 8 cũng đạt hơn 133.000 tỉ đồng (chưa tính 233,8 tỉ đồng tiền thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT), đạt 56,58% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 18.690,3 tỉ đồng (16,3%) so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp đã giảm xuống còn 81 giờ/năm (năm 2015). Dự kiến, thời gian thực hiện sẽ giảm xuống còn 45 giờ/năm tới hết năm 2016...

D.N

Bệnh viện “xin” xuống hạng: Có thể xem xét việc cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT

Theo BHXH VN, việc hiểu nhầm quy định thông tuyến bệnh viện của Thông tư 40/TT-BYT về quy định Viện tuyến trên không được trực tiếp khám chữa bệnh ban đầu của Bộ Y tế ngày 1/1/2016 đang gây ra tình trạng các bệnh viện “ồ ạt” xin xuống hạng - nghịch lý trước giờ chưa từng có.

Tuy nhiên, BHXH VN khẳng định, việc xếp hạng viện phải xem xét dựa trên nhiều căn cứ. Cụ thể, theo quy định trước đây quỹ BHYT chi trả tiền công khám, ngày giường theo hạng bệnh viện, hạng 2 cao hơn hạng 3 nên các bệnh viện đầu tư để được lên hạng. Theo quy định mới, giá các dịch vụ kĩ thuật tại các hạng bệnh viện là như nhau, đặc biệt đã cho khám thông tuyến với tuyến huyện (chưa thông tuyến tỉnh) nên các bệnh viện ở tuyến trên không được tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu, mà chỉ được nhận các trường hợp từ tuyến dưới lên. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: “Chúng tôi đang tiếp tục rà soát nguyên nhân việc xin xuống hạng của các cơ sở y tế nói chung và cơ sở y tế tư nhân nói riêng, nếu phát hiện BV nào cố tình xin xuống hạng để trục lợi quỹ BHYT sẽ cắt hợp đồng khám chữa bệnh BHYT”.

V.Đ

Doanh nghiệp nợ BHXH 68 tỉ đồng

“Hơn 260 doanh nghiệp đang hoạt động nợ hơn 36 tỉ đồng, 147 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, không giao dịch... nợ hơn 6,5 tỉ đồng” Đây là kết quả được BHXH tỉnh Lâm Đồng thống kê tới thời điểm hiện nay. Theo đó, có 1.129 đơn vị trên địa bàn nợ BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 68 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn như: Công ty Kimono Japan với hơn 4 tỉ đồng , Công ty TNHH Tâm Châu - Bảo Lộc gần 4,5 tỉ đồng, Chi nhánh Công ty Xe khách Phương Trang hơn 2,5 tỉ đồng. Theo BHXH Lâm Đồng, nguyên nhân nợ kéo dài là do nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có khả năng đóng BHXH. Tuy nhiên vẫn có tình trạng, doanh nghiệp thu tiền của người lao động nhưng cố tình không trích nộp, thậm chí dùng vào mục đích kinh doanh. BHXH tỉnh Lâm Đồng cho biết để bảo đảm quyền thụ hưởng của người lao động, sắp tới, cơ quan này sẽ tăng cường phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm DN có số nợ đọng BHXH , BHYT, bảo hiểm thất nghiệp lớn và kéo dài.

P.T