DMagazine

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022?

(Dân trí) - Tại sao truyền thông và công chúng bị hấp dẫn bởi những chuyện phim xoay quanh những kẻ lừa đảo? Sự quan tâm ấy nói lên điều gì về đời sống hiện nay?

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022?

(Dân trí) - Tại sao truyền thông và công chúng bị hấp dẫn bởi những chuyện phim xoay quanh những kẻ lừa đảo? Sự quan tâm ấy nói lên điều gì về đời sống hiện nay?

Trong năm nay, truyền thông và công chúng quốc tế phát sốt với hai bộ phim làm về hai nhân vật lừa đảo có thật.

Bộ phim nhiều tập "Inventing Anna" kể về một cô gái bình dân nhưng giả làm nữ quý tộc người Đức để lừa tiền giới nhà giàu tại New York (Mỹ). Bộ phim tài liệu "The Tinder Swindler" kể về một người đàn ông giả làm người thừa kế của một đế chế kinh doanh kim cương rồi đi lừa tình, lừa tiền của phụ nữ tại nhiều quốc gia Châu Âu.

Khi hai bộ phim này ra mắt hồi đầu năm nay, truyền thông và công chúng quốc tế xôn xao bình luận về nguyên mẫu nhân vật ngoài đời thực. Sức hấp dẫn mà những bộ phim này tạo ra không thua kém gì những bộ phim điện ảnh đình đám.

Sức hút lớn mà những bộ phim xoay quanh những kẻ lừa đảo tạo ra khiến nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao. Sự quan tâm rất lớn ấy có phản ánh điều gì về tâm lý con người trong xã hội hiện đại không?

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022? - 1

Bộ phim nhiều tập "Inventing Anna" kể về một cô gái bình dân nhưng giả làm nữ quý tộc người Đức (Ảnh: New York Post).

Bài viết trên tờ tin tức The Guardian (Anh) nhận định rằng con người hiện nay sống giữa rất nhiều điều "không thật". Những điều ấy rất phổ biến đến mức chúng ta dần học cách chấp nhận và thấy là bình thường. Chẳng hạn, bạn có quen biết ai mà cách họ gây dựng hình ảnh trên mạng xã hội vượt xa những gì họ có trong thực tế? Hầu như ai cũng có biết một vài người như thế.

Hiện tại, con người đang sống trong một thế giới chịu rất nhiều ảnh hưởng từ mạng xã hội, đó là một môi trường ảo mà trong đó, nếu muốn, bất cứ ai cũng có thể tung ra những thông tin giả.

Trong thế giới hiện đại hôm nay, những phi vụ lừa đảo cũng thường bắt đầu từ mạng xã hội. Đối với "nữ quý tộc" Anna Sorokin và "người thừa kế" Simon Leviev, cả hai "siêu lừa" đều vẽ ra trong hình dung của các nạn nhân rằng mình là người giàu có, thuộc đẳng cấp thượng lưu. Tất cả được thực hiện thông qua các đăng tải trên mạng xã hội, qua ứng dụng hẹn hò và cách sống trưng trổ ngoài đời thực.

Khi tiếp xúc với Anna Sorokin hay Simon Leviev, nạn nhân thường tưởng rằng thông qua con người này, họ sẽ có cơ hội được bước vào thế giới xa hoa, giàu có, được quen biết thêm những con người thượng lưu và sẽ có thêm nhiều cơ hội mở ra trong đời.

Khi các nạn nhân theo dõi tài khoản mạng xã hội của "siêu lừa", họ sẽ thấy sự xuất hiện của nhà sang, xe xịn, đồ hiệu, những điểm đến sang chảnh... Và đó vốn cũng là phong cách sống mà các nạn nhân mong muốn có được.

Trong xã hội hiện nay, ngày càng có nhiều người ao ước có phong cách sống thượng lưu, sang chảnh. Mỗi chúng ta cũng đều có thể cảm nhận rõ rệt áp lực của những tiêu chuẩn vật chất ngày càng đè nặng lên cuộc sống thường ngày. Điều này cũng một phần đến từ mạng xã hội, phong cách trưng trổ vốn rất phổ biến trên mạng xã hội đang khiến áp lực vật chất trong đời sống thực trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022? - 2

Khi các nạn nhân theo dõi tài khoản mạng xã hội của "siêu lừa", họ sẽ thấy sự xuất hiện của nhà sang, xe xịn, đồ hiệu, du thuyền, phi cơ riêng... (Ảnh: New York Post).

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi dùng mạng xã hội, người dùng không thể nào tránh khỏi việc đem so sánh cuộc sống bình thường của mình với cuộc sống của những nhân vật nổi bật trên mạng, để rồi sau đó, thường người ta sẽ cảm thấy mất tự tin đi ít nhiều.

Sau khi cảm thấy mất tự tin về những gì mà mình đang có, người ta có thể sẽ càng khao khát hơn những gì mà mình không có. Đó cũng là một nguyên nhân khiến phim làm về các "siêu lừa" gây sốt.

Trailer phim "Inventing Anna" (Video: NF).

Sức hút từ các bộ phim làm về những "siêu lừa"

Tờ tin tức New York Post (Mỹ) đã tìm tới các chuyên gia tâm lý và luật sư để hiểu tại sao những bộ phim làm về các "siêu lừa" lại gây sốt trong năm nay.

Chuyên gia tâm lý Greg Kushnick cho biết khi xem những bộ phim làm về các "siêu lừa", người xem thường có cảm giác vừa ghê sợ vừa thích thú. Họ thấy sợ trước các chiêu trò tinh vi của "siêu lừa", nhưng sau cảm giác ghê sợ là sự phấn khích. Xem phim về các "siêu lừa" gây thích thú cũng giống như việc người ta thích xem phim kinh dị vậy.

Khi xem những bộ phim như "The Tinder Swindler" hay "Inventing Anna", khán giả còn thấy xuất hiện rất nhiều siêu xe, phi cơ, du thuyền, biệt thự, đồ hiệu, điểm đến sang chảnh...

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022? - 3

Khi tham gia các ứng dụng hẹn hò, Leviev luôn tự giới thiệu mình là người thừa kế của một tập đoàn kinh doanh kim cương (Ảnh: New York Post).

Tất cả những chi tiết ấy khiến người xem cảm thấy bị hấp dẫn, bởi họ có thể hình dung phần nào về cuộc sống của những con người giàu có ở tầm cỡ khác hẳn với mình. Quan sát cuộc sống xa hoa ấy khiến người xem như được "thoát ly thực tế" và khiến họ... hưng phấn.

Theo chuyên gia tâm lý Pam Rutledge, những bộ phim làm về các "siêu lừa" cũng có giá trị giáo dục nhất định, giúp người xem gia tăng hiểu biết để tránh trở thành nạn nhân của các "siêu lừa".

Như trong "The Tinder Swindler", "người thừa kế" Simon Leviev thường dành tặng cho các nạn nhân những món quà đắt tiền, những cuộc hẹn thường diễn ra trong nhà hàng hạng sang, thậm chí là trên phi cơ hoặc du thuyền riêng. Khi đã lấy được lòng tin của nạn nhân, Leviev bắt đầu "tâm sự" rằng anh ta cần mượn thẻ tín dụng vì có một số việc gấp, đương nhiên các chi tiết đưa ra sẽ rất hợp lý.

Sau đó, Leviev sẽ biến mất cùng với số tiền đã chi dùng từ thẻ tín dụng quốc tế của nạn nhân. Số tiền này kỳ thực được anh ta sử dụng để tiếp tục tận hưởng cuộc sống xa hoa, đồng thời để lấy lòng tin của những nạn nhân mới.

Về "nữ quý tộc" Anna Sorokin, mọi việc diễn ra cũng tương tự, cô gái này cũng gây dựng cho mình phong cách sống xa hoa bằng chính số tiền mà cô lừa đảo được từ các nạn nhân. Anna Sorokin dùng cái mẽ ngoài sang chảnh đó để tiếp tục đi lừa những nạn nhân mới.

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022? - 4

Simon Leviev đã lừa gạt phụ nữ trên khắp thế giới thông qua ứng dụng hẹn hò, tổng số tiền mà Leviev đã chiếm đoạt của các nạn nhân ước tính lên tới 10 triệu USD (Ảnh: New York Post).

Cả Leviev và Sorokin đều từng phải ngồi tù vì tội lừa đảo, nhưng cả hai đều tỏ ra không tỏ ra hối hận vì những gì mình đã gây ra.

Nữ diễn viên Julia Garner, người vào vai Anna Sorokin trong phim "Inventing Anna" đã gặp trực tiếp nguyên mẫu nhân vật để có sự chuẩn bị cho việc nhập vai. Garner đã hỏi Sorokin rằng có lúc nào cô dừng lại để suy nghĩ về hành vi lừa gạt của mình không.

Anna Sorokin đáp lại một cách nhẹ nhàng và điềm nhiên: "Tôi quá bận rộn với việc tiến hành các kế hoạch và hoạt động, tôi tốn không ít thời gian và công sức để đi tham gia các sự kiện, xuất hiện ở nơi này, nơi khác, làm việc nọ, việc kia... Tôi không có thời gian để suy nghĩ về điều mà cô vừa hỏi đâu".

Về Leviev, khi bộ phim tài liệu "The Tinder Swindler" ra mắt, Leviev chia sẻ từ quê nhà Israel như thể mình là một người vô tội không may bị... hiểu lầm: "Vào một lúc nào đó, tôi sẽ kể lại câu chuyện của mình từ góc nhìn của tôi, sau khi đã tìm ra được cách tốt nhất, phù hợp nhất để kể lại, làm sao để mọi chuyện tốt nhất cho các bên liên quan và cho cả chính tôi.

Tôi hy vọng những ai theo dõi câu chuyện này sẽ giữ cho mình một lối tư duy cởi mở và một trái tim rộng mở để lắng nghe".

Trailer phim tài liệu "The Tinder Swindler" (Video: NF).

Sức hút của các "siêu lừa" ngay cả khi chân tướng đã bị bại lộ

Hiện tại, sau khi chân tướng đã bị bại lộ, cả Leviev và Sorokin vẫn đang có được những... cơ hội mới cho bản thân.

Sorokin được hãng phim trực tuyến trả 320.000 USD để có quyền chuyển thể câu chuyện của cô lên màn ảnh. Leviev đã ký hợp đồng với một công ty giải trí ở Hollywood và có thể sẽ lấn sân showbiz trong nay mai. Tại quê nhà Israel, Leviev hiện thường được mời tới vui chơi tại các hộp đêm như một dạng nhân vật "có sức hút".

Leviev còn tung ra dòng sản phẩm thời trang và bán các video clip được thực hiện theo yêu cầu với mức giá không hề rẻ dành cho những cá nhân và tổ chức có nhu cầu.

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022? - 5

Nữ diễn viên Julia Garner (ảnh) sau khi gặp trực tiếp "siêu lừa" Anna Sorokin đã phải thừa nhận rằng nguyên mẫu nhân vật rất... ngọt ngào (Ảnh: New York Post).

Trong phim và cả ngoài thực tế, Anna Sorokin và Simon Leviev đều giỏi giao tiếp, rất biết cách lấy thiện cảm của đối phương. Nữ diễn viên Julia Garner sau khi gặp trực tiếp "siêu lừa" Anna Sorokin đã chia sẻ: "Tôi đã gặp Anna và điều tôi ấn tượng rõ nhất ở người phụ nữ này, đó là sự... ngọt ngào. Anna rất dễ tạo thiện cảm, cô ấy biết cách tạo cảm giác gần gũi, thân tình.

Cô ấy đưa lại cho người ta cảm giác dễ chịu, dễ mến. Cô ấy nói chuyện và hành xử rất nhẹ nhàng, dịu dàng. Tôi buộc phải nói rằng dù biết rõ những gì cô ấy đã gây ra, nhưng tôi vẫn có sự yêu thích dành cho cô ấy khi tiếp xúc trực tiếp".

Về Simon Leviev, một nạn nhân của anh ta - cô gái người Na Uy có tên Cecilie Fjellhoy - đã phải cay đắng thốt lên: "Thật kinh khủng bởi ngay cả khi biết mình đã bị lừa, tôi vẫn còn cảm nhận được tình yêu tôi dành cho anh ta, hay đúng hơn là con người mà anh ta đã gây dựng nên trong hình dung của tôi. Tôi không thể tin nổi tại sao một con người lại có thể hành động độc ác tàn nhẫn đến thế, thực sự, tôi cảm thấy anh ta đã rất thấu hiểu mình".

Xét trên phương diện tâm lý học, chuyên gia Kushnick đánh giá rằng những "siêu lừa" như Sorokin hay Leviev dù biết cách tỏ ra ân cần, nhẹ nhàng, dịu dàng, nói năng và hành xử đều rất "đi vào lòng người", nhưng kỳ thực, họ là những người không biết hối cải và không biết xấu hổ về hành vi sai trái của bản thân.

Ngay cả khi chân tướng đã bị bại lộ, họ vẫn thản nhiên như không, điều đó cho thấy họ có vấn đề về nhân cách, một dạng rối loạn nhân cách ái kỷ. Những người này thường rất đề cao bản thân và không biết cảm thông, suy nghĩ cho người khác.

Tại sao phim làm về những kẻ lừa đảo gây sốt trong năm 2022? - 6

Trong khi Leviev đang sống tự do tại Israel, nhiều nạn nhân của anh ta tại Châu Âu vẫn đang bị "cầm tù" bởi nợ nần (Ảnh: New York Post).

Trước cơn sốt mà những phim làm về các "siêu lừa" tạo nên, luật sư Philip Cooper chia sẻ rằng anh rất bất ngờ khi thấy một bộ phận cộng đồng mạng bày tỏ sự... ngưỡng mộ dành cho các "siêu lừa" như Sorokin hay Leviev: "Nhiều người tỏ ra thích thú, thậm chí không hề che giấu sự ngưỡng mộ dành cho những con người như Leviev hay Sorokin.

Những "siêu lừa" này đã lừa đảo tiền bạc của nhiều nạn nhân, nhưng xem xong phim, một bộ phận khán giả bỗng quay ra... thần tượng kẻ lừa đảo. Điều đó khiến tôi cảm thấy lo lắng".

Luật sư Cooper cho rằng các bộ phim làm về "siêu lừa" thường tập trung khắc họa phong cách sống sang chảnh của kẻ lừa đảo, cũng như cách tư duy và hành động của "siêu lừa", những điều này có thể tạo nên phản ứng ngược khá nguy hiểm đối với người xem.

Sau cùng, một bộ phận người xem không để tâm tới những tác động nguy hại mà "siêu lừa" gây ra đối với các nạn nhân, thay vào đó, họ chỉ chú tâm tới phong cách sống và "đầu óc" của "siêu lừa", rồi quay ra dành cho kẻ lừa đảo cái nhìn... cảm thông, thậm chí có phần ngưỡng mộ.

Như trong trường hợp của cô Cecilie Fjellhoy - một nạn nhân của Leviev, số tiền mà Fjellhoy cho Leviev vay thông qua thẻ tín dụng lên tới 250.000 USD. Sau sự việc khủng hoảng, Fjellhoy phải rời London (Anh) để trở về quê nhà ở Oslo (Na Uy) và sống bên mẹ trong quãng thời gian suy sụp.

Fjellhoy không thể sống độc lập như trước, bởi cô phải gánh nhiều nợ nần sau khi bị lừa đảo. Đã có lúc Fjellhoy nghĩ tới việc tự sát, cô hiểu mình đang gặp vấn đề tâm lý nghiêm trọng nên đã tìm tới việc điều trị tâm lý và từng phải lưu lại trong bệnh viện tâm thần một thời gian. Trong khi Leviev đang sống tự do tại Israel, nhiều nạn nhân của anh ta tại Châu Âu vẫn đang bị "cầm tù" bởi nợ nần.

Bích Ngọc
Theo New York Post/The Guardian