(Dân trí) - Trải qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ, cuộc sống của nghệ sĩ Mộng Tuyền - người được mệnh danh là "hoa hậu cải lương" và là một trong những mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn xưa - giờ ra sao?
Mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn xưa - Mộng Tuyền: "75 tuổi, tôi lấy ai bây giờ?"
(Dân trí) - Trải qua 3 cuộc hôn nhân đổ vỡ, cuộc sống của nghệ sĩ Mộng Tuyền - người được mệnh danh là "hoa hậu cải lương" và là một trong những mỹ nhân nức tiếng Sài Gòn xưa - giờ ra sao?
Nhắc đến Mộng Tuyền, khán giả khó có thể quên cô đào có nhan sắc kiều diễm, từng khiến biết bao trái tim si tình. Tên tuổi của Mộng Tuyền cũng từng gắn liền với nhiều bộ phim đình đám trước năm 1975, giúp cô được xếp vào hàng "mỹ nhân màn ảnh" của Sài Gòn xưa.
Tưởng như có tất cả, từ nhan sắc trời phú đến sự nghiệp thành công nhưng đời tư của bà lại truân chuyên, lận đận với 3 cuộc hôn nhân sóng gió...
PV Dân trí đến thăm nghệ sĩ Mộng Tuyền trong căn nhà ở hẻm nhỏ tại quận 3 (TPHCM). Ở tuổi 75, "hoa hậu cải lương" sống độc thân, không chồng không con nhưng bà vẫn giữ nét rạng rỡ và phong thái ung dung, bình thản.
Cầm micro hát một đoạn vọng cổ cho chúng tôi nghe, "mỹ nhân Sài Gòn xưa" rớm nước mắt vì xúc động. Dù đã 60 năm trôi qua nhưng dường như "máu" nghệ thuật, tình yêu sân khấu trong bà vẫn vô cùng cháy bỏng…
"Nghe tiếng đàn, tim tôi nhói lên"
Mộng Tuyền được khán giả biết đến là một nghệ sĩ cải lương hội tụ đủ thanh và sắc. Con đường đến với nghệ thuật của bà như thế nào?
- Tôi sinh ra là con nhà nghèo, đông anh em, từ bé đã thích nghe ca vọng cổ nên thường hát ru em phụ ba má. Năm tôi 6 tuổi, thầy đờn tên Ba Cứ ở Tân Quới (tỉnh Vĩnh Long - PV) sang làng chơi, nghe tôi hát ru em bèn ngỏ lời mời tôi về học hát. Nhà nghèo mà, tôi đi học thì coi như ba má bớt một miệng ăn. Tôi học hát trong 2 năm, không được học hành tới nơi tới chốn, nhưng lúc chưa biết chữ đã biết ca rồi (cười).
16 tuổi, còn rất trẻ nhưng đã đi diễn cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, phải cạnh tranh với những đàn chị nổi tiếng như Thanh Nga, Ngọc Giàu... nghệ sĩ Mộng Tuyền có gặp khó khăn?
- Tôi nghĩ rằng làm nghệ thuật quan trọng nhất là năng khiếu. Có đam mê thì sẽ thành công. "Văn ôn võ luyện", muốn theo nghề thì cần khổ luyện, đừng chỉ nghĩ là bắt chước người đi trước, thấy người ta ca thế nào thì mình ca theo.
Sau khi nghệ sĩ Thanh Nga qua đời, Mộng Tuyền "thế chỗ" đàn chị, đảm nhận nhiều vai chính. Trước đó, mối quan hệ giữa bà và nghệ sĩ Thanh Nga như thế nào?
- Thời gian hát cải lương, tôi gần như chỉ hát cho đoàn Thanh Minh - Thanh Nga và cũng thành danh tại chính nơi này. Tôi rất biết ơn đoàn. Còn chị Thanh Nga là con của chủ đoàn và là đàn chị rất tốt, rất dễ thương. Tôi đi diễn, người ta giao vai nào thì diễn vai đó, chứ không hề đố kỵ gì với chị.
Khi chị Nga qua đời, trong đoàn có một số người làm nghề trang điểm mà tôi không tiện nhắc tên ở đây, đã "lỗ mãng" mang dẹp bàn thờ của chị đi. Tôi thấy vậy mới nhờ người rửa tấm hình, lập lại bàn thờ cho chị. Hằng đêm, tôi đi hát, gửi tiền nhờ mua hoa quả cúng chị.
Trong đám tang của NSƯT Thẩm Thúy Hằng, khán giả thấy Mộng Tuyền khóc rất nhiều. Kỷ niệm nào về cố nghệ sĩ khiến bà nhớ nhất?
- Chị Hằng có thể nói là người có sắc, có tài và có đức. Chị sống thật tâm với mọi người nên sự ra đi của chị khiến tôi và bạn bè vô cùng đau xót. Nhưng tôi nghĩ khi ra đi, chị ấy cũng ngậm cười chứ không buồn đâu vì 4 người con trai đều thành đạt, lại còn đưa vợ con về lo liệu đám tang cho mẹ.
Trước đây, bà từng sử dụng tên thật Kim Loan trong thời kỳ đầu đi hát, vì sao lại đổi nghệ danh thành Mộng Tuyền?
- Tên thật của tôi là Huỳnh Thị Kim Loan nên khi đi hát cải lương, tôi vẫn để tên thật. Đến khi diễn vở "Mùa xuân còn mãi" đóng vai sơn nữ Mộng Tuyền, tôi được nhiều khán giả nhớ tới.
Bước ngoặt lớn trong đời của tôi là được mời đi đóng phim. Lúc đó, cha tôi cho rằng con gái cần đổi nghệ danh nên chọn tên Mộng Tuyền. Cha nói tên này không trùng với ai hết còn tên Kim Loan thì nhiều lắm. Ban đầu, tôi không chịu, cha bảo: "Cha sinh ra cho con cái tên. Bây giờ cha lấy lại, đặt cho con tên khác. Con không được quyền phản đối".
Cát-xê của nghệ sĩ Mộng Tuyền thời đi hát, đi đóng phim như thế nào?
- Cát-xê của tôi thời đó cao lắm, có tháng được 150.000 đồng. Sau đó, tôi lấy chồng giàu nên cuộc sống cũng thoải mái, có rất nhiều nữ trang.
Tuổi trẻ nổi danh, có nhiều tiền, được ca tụng nhan sắc và nhiều người theo đuổi, bà có cảm thấy hạnh phúc?
- Rất hạnh phúc. Nhưng tôi luôn tự nhủ phải khiêm nhường. Tôi được cha dạy rằng nếu ngủ quên trên chiến thắng thì sẽ vấp té và đừng bao giờ nghĩ rằng mình to lớn. Bây giờ già, sắp "nằm xuống" rồi, tôi vẫn nghĩ như vậy (cười).
Là nghệ sĩ cải lương kiêm diễn viên nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng, bà có bí quyết gì trong việc chắt lọc chất liệu từ cuộc sống để đưa vào các vai diễn?
- Tôi nghĩ với nhân vật nào cũng vậy, dù là chính diện hay phản diện, đều phải nghiên cứu kỹ. Tôi thường đứng trước gương tập diễn xuất, xem biểu cảm thế nào là phù hợp, khi giận dữ thì như thế nào, khi la hét thì phải làm sao. Nhiều khi không phải cứ gằn giọng, lớn tiếng là thể hiện sự tức giận.
Cũng có những vai rất khó khăn cho tôi nư có lần, tôi phải đến vũ trường, xem các cô gái ăn mặc, cử chỉ như thế nào, để diễn được cho ra vai ăn chơi.
Mộng Tuyền từng đạt đỉnh cao danh tiếng trên màn ảnh, nhưng lại rất nặng lòng với cải lương?
- Tuổi xế chiều, nhiều lúc tôi không dám xem tivi. Khi nghe tiếng đàn vang lên, tim tôi nhói lên, đau lắm, xót lắm. Nhưng mình phải chấp nhận quy luật đào thải của cuộc sống. Mình già rồi, phải nhường sân khấu cho đàn em chứ.
Nhưng nghĩ về thời hoàng kim, có lúc nào bà tiếc nuối?
- Tôi không tiếc nuối, hồi tưởng gì hết (cười). Mình ra đi thì sẽ có người thay thế thôi. Không có mình, vũ trụ này vẫn như vậy. Làm sao cứ nghĩ về mình của ngày hôm qua hoài được, phải biết mình đang ở đâu chứ.
Trong sự nghiệp, tôi may mắn được khán giả ưu ái, chứ thiếu gì người tài hơn mình. Tôi thấy nhiều nghệ sĩ có cái tôi lớn quá, họ quên rằng khán giả thương chứ không phải sợ họ.
"Tôi không có tuổi thơ, cũng không có thanh xuân"
Theo lời của cha bà, Kim Loan là con chim vàng, đẹp đẽ nhưng rồi sẽ bay đi, còn Mộng Tuyền là dòng suối hiền hòa. Bà có thấy cuộc đời mình êm đềm như dòng suối?
- Đúng là đời tôi rất êm đềm, nếu có sóng gió thì là lỗi tại bản thân thôi. Tất cả tùy thuộc vào cái nhìn của mình. Nếu mình cho là quan trọng thì là quan trọng, mình coi nhẹ thì sẽ chẳng là gì cả. Đừng bận tâm quá nhiều!
Từng có giai thoại nghệ sĩ Mộng Tuyền phải đi lấy chồng để có tiền nuôi gia đình mấy chục miệng ăn, sự thật là như thế nào?
- Thật sự năm 1968, tôi đi lấy chồng để lo cho ba má. Chồng của tôi giàu có và rất thương tôi, cho tôi một vali tiền 10 triệu đồng. Ngày xưa, đây là một con số rất lớn nhưng tôi để lại hết cho gia đình. Ngày rước dâu, tôi dẫn theo đàn em thơ theo qua nhà chồng sống với mình, để đỡ đần phần nào cho cha mẹ.
Từ nhỏ đã đi hát kiếm tiền, đến tuổi thanh xuân thì cũng làm việc không ngừng nghỉ rồi lấy chồng giàu để nuôi gia đình, có bao giờ bà thấy mình hy sinh quá nhiều, không được sống cho bản thân?
- Nói thật là tôi không có tuổi thơ, cũng không có thanh xuân. Lúc nhỏ không biết gì, lớn lên cũng không bồ bịch, yêu đương gì hết. Lấy chồng rồi, tôi vẫn đi hát, cát-xê để dành nuôi các em. Hợp đồng đi hát của tôi là cha tôi ký, nhận tiền mỗi đêm.
Vì sao bà phải gánh vác nhiều trách nhiệm cho anh em, người thân trong gia đình như vậy?
- Chị hai đi lấy chồng năm 17 tuổi, tôi là chị 3 trong nhà. Gia đình nghèo đông con, ba má không có tiền đi chợ. Năm 13 tuổi là tôi đã gánh vác hết mọi thứ, tự ý thức được mình phải lo cho các em. Trong cuộc đời, tôi cũng không dám có con cũng vì thương các em.
Trong cuộc hôn nhân đầu tiên, Mộng Tuyền từng vấp phải không ít thị phi. Thời đó, chuyện đời tư của bà thường xuất hiện trên trang nhất các báo, được khán giả vô cùng quan tâm. Đây có phải là một phiền toái?
- 20 tuổi, tôi đi lấy chồng. Có phiền, có đau, có mất mát lại còn chịu oan ức nữa. Ngày xưa, đời tư của tôi đụng chuyện gì là báo chí lại đăng, nhưng tôi không phản ứng vì tôi nghĩ miễn là mình không làm bậy.
Người ta nói Mộng Tuyền bị chồng đánh vì cặp kè bên ngoài. Tôi thề là không có chuyện đó. Báo chí hỏi thì tôi bảo kệ đi, không sao đâu. Tôi cứ im lặng vậy thôi, nếu nói ra mà mang đến bất hạnh cho người khác thì tôi thà không nói.
Mộng Tuyền từng nói cuộc hôn nhân với người chồng đầu tiên khiến bà mang nhiều cay đắng nhưng bà lại không oán trách mà vẫn giữ sự trân quý. Vì sao?
- Tôi quý vì ông ấy tốt và rất lo lắng cho tôi. Lúc gả tôi đi, cha tôi nói chồng tôi: "Loan như trụ cột trong nhà, gả nó đi thì nhà sẽ bị sập. Ông phải hứa để cho nó sống thoải mái, tự nhiên".
Thời còn trẻ, Mộng Tuyền từng có rất nhiều người theo đuổi nhưng lại không lựa chọn. Có bao giờ bà tiếc nuối vì sự sắp đặt của số phận?
- Tình cảm trên đời này, không phải cứ người ta thương mình là mình thương lại. Khó lắm!
"Sinh con mà để sau này nhờ vả, là mình đang lợi dụng con cái"
Trong nghề, Mộng Tuyền may mắn "gặp toàn người tốt". Còn trong chuyện tình cảm, đã bao giờ bà bị tổn thương vì người khác?
- Tôi lập gia đình 3 lần, lần nào cũng đám cưới rình rang. Tôi quan niệm sống cùng nhau là phải chung thủy, không có "làm bậy", không đùa giỡn hay cợt nhả với người đàn ông nào khác.
Tôi sống 2 thế kỷ (20 và 21) nên tôi khác với thế hệ cha mẹ mình, thấy không ổn là chia tay, ký đơn ly dị ngay chứ không cam chịu.
Ở tuổi xế chiều, nhiều người rất ngại ly hôn. Vì sao bà lại có suy nghĩ này?
- Cảm ơn bạn đã hỏi điều này (cười). Tôi nói bằng trái tim, bằng trí óc của mình. Ở cuộc hôn nhân thứ 3, có lần tôi đi chơi với hội bạn gái, dẫn chồng tôi đi cùng. Trong lúc tôi đi trả tiền, chồng tôi và bạn tôi lại trao đổi tài khoản Facebook với nhau. Sau đó, họ phải lòng nhau và qua lại với nhau. Thế là chồng bỏ tôi. Tôi cũng đồng ý ly dị ngay lập tức.
Bị phản bội, đổ vỡ hôn nhân nhưng bà chấm dứt rất nhanh mà không níu kéo hay vật vã đau khổ?
- Đối với đàn ông, tôi rất dứt khoát. Khi người ta hết thương mình mà mình níu kéo thì chỉ làm trò cười, khiến cho người ta thêm hắt hủi mình và làm mình thêm nhục nhã thôi.
Tôi nghĩ khi một người thương mình sẽ không làm mình buồn. Khi nuôi chó, chúng ta cưng chiều nó, không nỡ đánh nó. Vợ chồng là nửa phần thân thể của nhau. Nếu làm đau lòng nhau thì thôi, chia tay.
Nghệ sĩ Mộng Tuyền có chạnh lòng khi "hồng nhan bạc phận", đến tuổi này lại sống một mình?
- Tôi quan niệm mọi thứ là do mình nên không oán trách ai hết. Ví dụ như khi tôi sống với người có tính gia trưởng, họ muốn tôi lúc nào cũng phải nép phía sau. Nhưng thế kỷ 21 rồi, không có chuyện đó đâu! Họ cũng không lo được gì cho tôi hết nên làm sao lấn át tôi được. Tôi không chiều lòng họ thì dĩ nhiên sẽ làm sứt mẻ tình cảm. Đã sứt mẻ rồi thì không hàn gắn được. Nên tôi nghĩ mọi chuyện không phải do ai cả, mà do chính mình thôi!
Quan niệm của bà về những biến cố, trắc trở trong cuộc sống có vẻ rất nhẹ nhàng?
- Đúng, tôi coi nhẹ mọi chuyện. Cũng có những đêm, tôi nằm một mình trong căn nhà, thấy chạnh lòng khi nghĩ chẳng may mình đổ bệnh thì ai lo đây? Nhưng sống mà cứ chờ đợi ngày già yếu, bệnh tật để nhờ vả người khác thì dở lắm, nên thôi kệ. Cũng may mắn là đến tuổi này, tôi vẫn rất khỏe, không ốm đau gì.
Sự lạc quan có phải là một trong những bí quyết giúp bà trẻ lâu?
- Tôi sống vui vẻ, không giận ai bao giờ (cười).
Người ta nói tuổi già thường dựa vào con cái. Có khi nào bà hối hận vì quyết định không có con?
- Tôi không hối hận. Tôi cho rằng sinh con mà để sau này nhờ vả, là mình đang lợi dụng con cái.
Sống độc thân ở tuổi 75, bà tìm kiếm niềm vui như thế nào?
- Mỗi ngày tôi tự kiếm cái để vui. Nếu muốn khỏe mạnh, hãy luôn vui vẻ. Cái buồn dễ "giết chết" con người lắm.
Sáng dậy, tôi tập aerobic, ăn trái cây, uống sữa. Tôi không nấu ăn. Trong ngày, tôi ăn ít lắm, có khi thì chạy xuống dưới nhà mua gì đó lót dạ, có khi em tôi nấu đồ ăn mang đến cho tôi. Tôi đi "ăn chực" nhà bạn bè cũng nhiều lắm (cười)
Nghệ sĩ Mộng Tuyền có ý định tìm người bầu bạn?
- Tôi không mất niềm tin vào tình yêu và vẫn tin trên đời này có rất nhiều đàn ông tốt nhưng tôi không muốn tìm kiếm ai nữa hết. 75 tuổi rồi, lấy ai bây giờ? Đàn ông trạc tuổi tôi cũng làm ông nội, ông ngoại cả rồi. Lấy về, có khi tôi còn phải dìu họ đi, chùi miệng cho họ sau khi ăn. Nghĩ đến cực thấy mồ, tôi chịu không nổi (cười).
Tôi không thấy cô đơn nên cần gì phải lấy chồng? Tôi thấy rất hạnh phúc khi có những người bạn gái tốt. Chúng tôi gặp nhau rất vui, chị em thường kéo nhau đi ăn uống. Tôi có đến 4 cái điện thoại để buôn chuyện với bạn bè.
"Hằng tháng, tôi vẫn có thu nhập gần trăm triệu đồng, dư xài tuổi già"
Thời gian ở Pháp, nghệ sĩ Mộng Tuyền sống như thế nào?
- Lúc mới sang, tôi buồn lắm. Có lần, tôi gọi điện về cho ông Dương Đình Thảo (cựu Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM, qua đời năm 2017 - PV) và nói: "Anh Sáu ơi, em ở đây còn hơn… ở tù nữa". Ông ấy ngạc nhiên, hỏi vì sao nằng nặc đòi đi nước ngoài mà giờ lại than thở. Tôi bảo rằng ở tù còn có bạn tù, còn ở đây tôi không biết ngôn ngữ nước ngoài, thấy người Tây là tôi sợ, tôi buồn, chịu không nổi.
Những ngày tháng nơi xứ người, bà làm gì để vơi bớt nỗi cô đơn?
- Thỉnh thoảng, tôi đi hát ở một số sân khấu, người nước ngoài nghe không hiểu nhưng cũng thích lắm. Ở nhà, tôi hát một mình.
Ngày xưa bà nặng gánh gia đình, giờ đã thoải mái, thong dong?
- Giờ tôi không phải gánh ai nữa hết (cười). Tôi có 4 người em, 3 gái và 1 trai. Các em tôi đều đã định cư nước ngoài.
Dù từng sống ở nước ngoài nhưng nghệ sĩ Mộng Tuyền vẫn giữ tình cảm sâu nặng với quê hương, thường đi đi về về. Vì sao?
- Tôi là nghệ sĩ cải lương, hát dòng nhạc đậm chất truyền thống quê hương. Cải lương đã ăn sâu vào máu nên tôi nghĩ mình có chết thì phải sống chết ở nơi này thôi.
Tôi đi nước ngoài năm 1986, làm việc kiếm tiền, dành dụm cũng là để về lại quê hương. Từ đó đến nay, tôi đi đi về về 68 lần rồi.
Tôi quan niệm không về Việt Nam để kiếm tiền. Tôi đầy đủ hết rồi. Cuối đời, tôi muốn làm gì đó để trả ơn tình nghĩa khán giả. Thỉnh thoảng, tôi đi hát từ thiện ở những nơi hẻo lánh, xa xôi, hát đám ma, đám cưới không lấy tiền. Tôi quan niệm hát được lúc nào thì hát, trừ khi không hát được nữa thì thôi.
Từ giã nghệ thuật đã lâu, thu nhập của bà hiện tại như thế nào?
- Căn nhà này tôi cho người ta thuê làm khách sạn. Lúc dịch Covid-19 bùng phát, suốt 7 tháng tôi không lấy tiền thuê, bây giờ còn giảm tiền cho họ. Ngoài khoản tiền này, hằng tháng, tôi còn có tiền lãi gửi ngân hàng. Mỗi tháng thu nhập của tôi cũng gần trăm triệu đồng, xài dư dả rồi.
Bà có hay làm từ thiện?
- Tôi hay làm từ thiện âm thầm, ví dụ như ra chợ thấy người ta bán ế hay gặp khó khăn gì thì lại giúp thôi. Tôi không thích làm từ thiện mà ồn ào, cầm bảng tên lên tivi. Với tôi, đó là mua danh tiếng chứ không phải từ thiện mà tôi thì không cần cái danh đó. Quan trọng là mình thương người thật lòng hay không.
Bà nghĩ sao về chuyện làm từ thiện của giới nghệ sĩ ngày nay?
- Tôi thấy nhiều người làm từ thiện theo phong trào chứ chưa chắc là xuất phát từ tâm của họ.
Cảm ơn nghệ sĩ Mộng Tuyền vì cuộc trò chuyện này!
Nghệ sĩ Mộng Tuyền tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan, sinh năm 1947 tại Cần Thơ. Năm 16 tuổi, bà được trao tặng huy chương vàng giải Thanh Tâm nhờ vai vũ nữ Thu Lan trong vở cải lương "Phu tử tòng tử".
Nghệ sĩ cũng sớm bén duyên với điện ảnh, được giao hàng loạt vai chính. Năm 1972, Mộng Tuyền nhận giải Ảnh hậu qua vai diễn trong phim "Gánh hàng hoa". Giai đoạn đầu thập niên 1970, bà trở thành ngôi sao điện ảnh, được xếp vào hàng mỹ nhân cùng nhiều tên tuổi thời bấy giờ.
Giai đoạn 1975-1985, nghệ sĩ Mộng Tuyền vẫn xuất hiện trong nhiều bộ phim. Bà từng đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam qua vai bác sĩ Mai Trâm trong bộ phim "Tình yêu của em" (đạo diễn Lê Mộng Hoàng).
Năm 1988, Mộng Tuyền sang định cư ở Pháp. Từ thời điểm này, bà ít hoạt động nghệ thuật. Những năm gần đây, nghệ sĩ chủ yếu sống tại căn nhà ở quận 3 (TPHCM), tận hưởng niềm vui độc thân tuổi già, thỉnh thoảng đi diễn từ thiện vùng quê để đền đáp sự yêu thương của khán giả.
Nội dung: Bích Phương
Ảnh: Hải Long
Video: Ngà Trịnh - Phương Nhi