(Dân trí) - Nguyễn Việt Trung bộc lộ năng khiếu piano khi lên 5 tuổi, được ngưỡng mộ ở nhiều sân khấu trên thế giới. 28 năm sinh sống ở nước ngoài nhưng Trung rất thuần Việt, luôn dành tình yêu lớn cho Việt Nam.
"Cậu bé vàng piano" Nguyễn Việt Trung và niềm tự hào mang tên Việt Nam
Nguyễn Việt Trung bộc lộ năng khiếu piano từ khi lên 5 tuổi, được ngưỡng mộ ở nhiều sân khấu danh giá trên thế giới. 28 năm sinh sống ở nước ngoài nhưng Trung rất thuần Việt và luôn dành tình yêu lớn cho Việt Nam.
Sân bay Nội Bài (Hà Nội) một ngày cuối tháng 3, Nguyễn Việt Trung bước nhanh ra sảnh chờ. Khi vừa thoát khỏi không khí máy lạnh của sân bay, Trung hít một hơi căng lồng ngực. Với nhiều người, hơi nồm ẩm miền Bắc không mấy dễ chịu, nhưng với Trung đó lại là dấu hiệu đặc trưng rất Việt Nam mà những ngày xa xứ, Trung luôn xốn xang khi nhớ về.
Ngôi trên xe di chuyển về ngôi nhà tại phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng), chàng nghệ sĩ gần như không bỏ lỡ khung cảnh nào bên ngoài. Trung từng thấy rất xa lạ với Hà Nội, nhưng rồi khi càng trưởng thành, mọi thứ dần trở nên thân thuộc.
Trở về nhà sau chuyến bay dài gần 15 tiếng đồng hồ, Trung gọi ngay một suất bún đậu Hà Nội để thưởng thức. Buổi chiều hôm đó, anh được mẹ chiêu đãi món phở bò truyền thống.
Một Nguyễn Việt Trung 28 năm sinh sống ở nước ngoài, được mệnh danh là "thần đồng piano", "cậu bé vàng piano", "Đặng Thái Sơn thứ hai"… khiến làng âm nhạc Ba Lan vừa kinh ngạc, vừa cảm động, được ngưỡng mộ ở nhiều sân khấu danh giá trên thế giới… lại rất "thuần Việt" như vậy.
Nguyễn Việt Trung sinh năm 1996 tại Hà Nội, sang Ba Lan sinh sống từ khi chưa đầy 1 tuổi. Anh bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ khi lên 5 tuổi và giành được hàng chục giải thưởng danh giá về piano tại Ba Lan và nhiều nước trên thế giới.
Năm 2021, Nguyễn Việt Trung lọt vào vòng chung kết cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18. Hơn 40 năm sau giải nhất của NSND Đặng Thái Sơn, Việt Nam mới có thêm một nghệ sĩ lọt vào chung kết cuộc thi piano danh giá nhất thế giới này.
Lần trở về này, Nguyễn Việt Trung cùng 80 nghệ sĩ quốc tế của dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm tôn vinh nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff. Dù bận rộn với việc học tập tiến sĩ tại Mỹ và lịch trình biểu diễn dày đặc, nhưng Nguyễn Việt Trung vẫn luôn đặt sự ưu tiên hàng đầu cho các đêm diễn tại Việt Nam.
Điều bất ngờ của cậu bé 5 tuổi và lời cam kết của cô giáo người Ba Lan
Cảm xúc của Nguyễn Việt Trung khi trở về Việt Nam lần này?
- Lần này, tôi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Mặt trời và chơi bản Rhapsody trên chủ đề Paganini. Đây là tác phẩm rất nổi tiếng của nhà soạn nhạc lỗi lạc người Nga Sergei Rachmaninoff. Đây là lần đầu tiên hợp tác cùng dàn nhạc này và nhạc trưởng Olivier Ochanine (người Pháp) nên tôi cảm thấy rất vinh dự.
Vài tháng trước, khi đang chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn của ông Olivier.
Xem lại lịch tháng 3, tôi thấy khá kín vì cách thời gian ông nhạc trưởng báo ít hôm tôi có buổi biểu diễn ở Ba Lan. Tuy nhiên, tôi đã nhận lời mời của ông Oliver và tìm cách sắp xếp. Được mời về Việt Nam thì đương nhiên tôi luôn sẵn sàng dù bận đến mấy.
Từ lâu công chúng yêu nhạc Việt Nam đã đặt cho Nguyễn Việt Trung biệt danh "thần đồng âm nhạc", "cậu bé vàng piano", "Đặng Thái Sơn thứ hai"... Có khi nào, danh xưng này khiến Trung cảm thấy áp lực?
- Rất may là bây giờ mọi người không gọi như thế nữa. Những biệt danh ấy gắn với tôi khi tôi còn nhỏ. Mà lúc ấy, tôi cũng chưa ý thức được thế nào là "thần đồng", cũng chẳng hiểu hết ý nghĩa của từ này.
Nếu gọi là "Đặng Thái Sơn thứ hai" cũng không phải, bởi trên đời chỉ có duy nhất một Đặng Thái Sơn, không thể có một người nào tài hoa xuất chúng như thầy. Riêng tôi, tôi muốn mình là Nguyễn Việt Trung.
Tôi thấy vui và ấm lòng khi khán giả yêu thương và gọi mình như vậy. Tuy nhiên, tôi nhận thấy bản thân còn nhiều điều cần phải học hỏi và hoàn thiện để khán giả không thất vọng và bản thân tôi cũng không thất vọng.
Nguyễn Việt Trung được bố mẹ đưa sang Ba Lan sinh sống từ khi chưa đến 1 tuổi để thuận tiện cho công việc kinh doanh của gia đình. Vậy, cơ duyên nào đã đưa Trung đến với âm nhạc?
- Ba tôi làm kinh doanh nhưng rất yêu âm nhạc. Ông muốn các con hiểu về âm nhạc. Năm 5 tuổi, tôi chưa được ba mẹ cho đi học đàn nhưng lại hay theo chị gái đến lớp học đàn của chị. Lý do đơn giản vì lúc ấy tôi sợ ở nhà một mình.
Tại lớp học, khi chị đàn thì tôi tha thẩn chơi, chơi mệt thì nằm ngủ. Một lần, tôi mon men đến gần cây đàn để thử vài nốt nhạc trên phím. Cô giáo của chị tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy tôi chưa học bao giờ nhưng tai có thể nghe và ghi nhớ, tay lại tìm được nốt và đánh đúng giai điệu mà chị gái vừa đánh.
Nhận thấy, tôi có khả năng, cô giáo khuyên ba mẹ tôi nên cho tôi đi học và thi vào trường nhạc. Sáu tuổi, tôi thi đỗ vào trường nhạc tại Ba Lan nhưng nhà trường lo tôi không thể theo học vì không biết tiếng Ba Lan, khi đó tôi học trường của Pháp.
Dưới sự bảo lãnh của cô giáo, tôi mới được nhận vào trường và suốt khoảng thời gian tiểu học, tôi duy trì học ở cả hai nơi, học nhạc tại trường của Ba Lan và học văn hóa tại trường Pháp. Tôi vẫn nhớ lời cam kết của cô giáo rằng: "Chắc chắn cậu bé này sẽ làm rạng danh cho nhà trường".
Và Nguyễn Việt Trung đã thực hiện "lời cam kết" ra sao?
- Sau khi vào trường, tôi giành giải nhất, giải nhì nhiều cuộc thi cấp quốc gia ở Ba Lan: Giải nhất cuộc thi Emmy Alberg tại thành phố Lodz, Ba Lan năm 9 tuổi; Giải nhì cuộc thi dành cho các Pianist trẻ (không có giải nhất) tại Zyrardow, Ba Lan năm 10 tuổi.
Kỷ niệm mang tính bước ngoặt khiến tôi nhớ nhất là năm 12 tuổi. Khi ấy, tôi tham gia cuộc thi Piano quốc tế mang tên Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska tại Plock, Ba Lan.
Cô giáo không nghĩ tôi có thể tiến sâu vào vòng trong nên chỉ chuẩn bị 2 bộ trang phục biểu diễn. Khi tôi được vào vòng chung kết, cô vô cùng bất ngờ. Bố mẹ tôi cũng ngạc nhiên.
Vượt qua các vòng thi, tranh tài với nhiều thí sinh hơn mình 3-4 tuổi, tôi đã giành được giải nhì. Sau lần ấy, ba mẹ quyết định cho tôi học nhạc một cách chuyên nghiệp.
20 phút tỏa sáng trước biển người và niềm tự hào khi nghe hai tiếng "Việt Nam"
Trên hành trình khổ luyện, đâu là giai đoạn khó khăn với Nguyễn Việt Trung. Anh làm thế nào để vượt qua giai đoạn ấy?
- Có lẽ đó là khoảng thời gian tôi vào đại học. Khi đó, tôi phải chuyển nơi sinh sống về một tỉnh cách xa thủ đô Warsaw, Ba Lan. Việc thay đổi môi trường sống ít nhiều ảnh hưởng đến cảm xúc của tôi. Hơn nữa, thời điểm đó cũng đánh dấu sự trưởng thành của tôi khi không còn là một học sinh trung học phổ thông mà đã là một sinh viên.
Tôi cũng suy nghĩ nhiều hơn đến mong muốn của mọi người. Sự chuyển biến có tính trách nhiệm (trách nhiệm không muốn làm mọi người thất vọng) này khiến tôi có đôi chút áp lực, biểu diễn không còn thấy tự tin, ra sân khấu đôi khi vẫn còn run. Trước đó, tôi rất tự tin, khi đi biểu diễn thường không biết sợ là gì.
Đôi khi có những buổi biểu diễn không như ý mình về nhà tôi cũng khá buồn. Tuy nhiên, tôi thường tìm cách thoát ra khỏi những suy nghĩ chán nản bằng cách biến đó thành động lực để buổi biểu diễn sau mình làm tốt hơn.
Tôi cũng tìm lý do xem tại sao mình lại như thế, do ngủ không đủ giấc, do tập luyện quá sức hay vì vấn đề gì. Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là cần tĩnh lại để rồi tiếp tục bật lên.
Nguyễn Việt Trung chia sẻ, một nghệ sĩ piano ngoài khả năng tập trung ghi nhớ của trí óc, sự linh hoạt của đôi tay còn cần có sức khỏe và chịu được áp lực sân khấu.
Người ta thường nhắc đến Nguyễn Việt Trung với hàng loạt giải thưởng danh giá tại các cuộc thi nhạc cổ điển ở Ba Lan, liên hoan âm nhạc quốc tế… Vậy có lần nào đi thi mà Trung thất bại hay gặp khó khăn?
- Có chứ. Đó là năm 2005. Trước năm ấy, tôi tham gia 3-4 cuộc thi và lần nào cũng đạt giải cao. Cuộc thi năm 2005, tôi chơi đàn rất tự tin, thấy mình đánh ổn nhưng lại không được giải gì.
Tôi còn nghĩ danh sách người đạt giải không có tên tôi là do nhầm lẫn. Tôi đã rất buồn nhưng sau đó lại lao vào luyện tập. Một năm sau đó, tôi quay trở lại thi và giành giải nhất.
Năm 2019, vì tập luyện quá sức mỗi ngày 8-9 tiếng, tôi bị chấn thương tay. Chuẩn bị cả năm nhưng 5 ngày trước khi thi, tay tôi bị đau, không cử động được ngón hai, ngón ba. Tôi buộc phải dừng chơi đàn ngay lập tức bởi nếu tiếp tục rất có thể tôi còn phải phẫu thuật.
Từ sau lần ấy, tôi rất chú ý giữ gìn đôi tay, không khi nào tập quá 5 tiếng. Tôi cũng dành thời gian tập luyện thể thao vì một nghệ sĩ piano ngoài khả năng tập trung ghi nhớ của trí óc, sự linh hoạt của đôi tay còn cần có sức khỏe và chịu được áp lực sân khấu. Đi xem biểu diễn, nếu để ý khán giả sẽ thấy giọt mồ hôi của những nghệ sĩ đôi khi rơi trên những phím đàn.
Trung có thể chia sẻ về cuộc thi piano quốc tế Fryderyk Chopin lần thứ 18 năm 2021 khi anh là người Việt Nam thứ hai lọt vào vòng chung kết cuộc thi danh giá này?
- Chopin là cuộc thi khó nhất về piano trên thế giới, 5 năm tổ chức một lần. Năm 1980, NSND Đặng Thái Sơn là người châu Á đầu tiên giành giải Nhất.
Năm 2005, khi tôi 9 tuổi, mẹ có đưa tôi đi xem cuộc thi Chopin, biểu diễn mở màn là chú Đặng Thái Sơn. Mẹ nói với tôi rằng, chú ấy là người Việt Nam và đã giành giải cuộc thi lớn nhất về piano trên thế giới năm 1980.
Điều kiện khi ấy còn rất khó khăn nhưng chú đã khiến công chúng yêu nhạc và các nghệ sĩ thế giới ngỡ ngàng với tài năng đặc biệt. Nghe mẹ nói, tôi vô cùng ngưỡng mộ chú và ấp ủ ước mơ một ngày cũng được đứng trên sân khấu của cuộc thi Chopin.
Năm 2021, tôi đã lọt vào vòng 2 của cuộc thi (sau khi thi 3 vòng loại). Đi liền với sự vinh dự đó là áp lực, đến giờ nghĩ lại tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc.
Hôm đó lại đúng sinh nhật của tôi. Tôi có 20 phút để tỏa sáng. Tôi vẫn nhớ từng bậc thang từ phòng chờ ra sân khấu, cảm xúc đứng trước biển người. Khi người dẫn chương trình xướng tên "Nguyễn Việt Trung đến từ Việt Nam - Ba Lan", tôi thực sự rất xúc động và tự hào.
Biểu diễn xong, khi cúi chào khán giả, tôi không quên ngước lên tầng 2 nhìn biểu cảm của ban giám khảo, đặc biệt là biểu cảm của người thầy, cũng là thần tượng của tôi chú Đặng Thái Sơn.
Cuộc thi còn được truyền hình trực tiếp trên nhiều phương tiện, dù lệch múi giờ nhưng nhiều người Việt Nam cũng thức để xem và gửi lời cổ vũ đến tôi.
Thần tượng trong âm nhạc của Nguyễn Việt Trung là NSND Đặng Thái Sơn? Vậy ông đã ảnh hưởng đến âm nhạc của Trung thế nào?
Chú Đặng Thái Sơn là một nghệ sĩ lớn không chỉ được những người Việt Nam như tôi thần tượng mà còn rất nhiều bạn bè thế giới ngưỡng mộ.
Tôi vẫn nhớ như in buổi gặp mặt đầu tiên với chú năm 13 tuổi khi tôi về Việt Nam biểu diễn lần đầu tiên. Khi ấy chú cầm tay tôi xem và nói "tay ổn", còn mẹ của chú bà Thái Thị Liên thì động viên tôi phải ăn nhiều lên vì ngày đó tôi gầy quá.
Chú Sơn là người truyền cảm hứng và thay đổi cách tiếp cận âm nhạc của tôi. Theo chia sẻ của người nghe thì tiếng đàn của tôi nhờ thế sâu sắc hơn, thơ mộng hơn.
Tôi dành nhiều sự chuẩn bị cho tương lai ở Việt Nam
Nghe nói trong gia đình Trung có một quy định nghiêm ngặt là các thành viên luôn phải giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt dù sống ở Ba Lan hay Mỹ? Tại sao lại như vậy?
- Đó là cách ba mẹ tôi nhắc nhở chúng tôi nhớ về cội nguồn của mình. Anh chị tôi sau này sang Mỹ học. Ba mẹ đều sinh sống, làm việc ở Ba Lan một thời gian khá dài. Chúng tôi đi đâu, làm gì nhưng giao tiếp trong gia đình đều phải dùng tiếng Việt. Ngày nhỏ, đôi lúc tôi cảm thấy bất tiện vì điều này.
Nhưng khi trưởng thành, tôi hiểu lý do tại sao ba mẹ tôi lại làm như thế và tôi thực sự biết ơn điều đó. Nhờ thế mà giờ ngoài tiếng Anh, tiếng Ba Lan, tiếng Pháp, tôi nói thành thạo tiếng Việt dù thời gian ở Việt Nam rất ít, mỗi năm chỉ về nước 1-2 lần.
Tôi cũng đặc biệt biết ơn ba mẹ, đặc biệt là mẹ đã đồng hành, truyền cho tôi nhiều câu chuyện rất Việt Nam. Mẹ mang thai ở Ba Lan nhưng về Hà Nội sinh ra tôi chỉ vì mong muốn tôi là một người Việt Nam chính hiệu.
Như vậy có thể hiểu dù sống ở Ba Lan từ nhỏ nhưng Nguyễn Việt Trung được trưởng thành trong môi trường thấm đẫm văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Điều này có ảnh hưởng ra sao tới phong cách âm nhạc của anh?
- Tôi sống ở Ba Lan, học đàn ở Ba Lan và được nhiều thầy cô Ba Lan hướng dẫn. Tuy nhiên, mẹ tôi và nhiều người nghe nhạc của tôi khẳng định tôi chơi đàn không như người Ba Lan. Tôi nghĩ điều này là do ảnh hưởng từ văn hóa Việt Nam.
Là một công dân Việt Nam, Nguyễn Việt Trung đã mang bản sắc âm nhạc Việt đến sân khấu khắp nơi trên thế giới như thế nào? Làm thế nào để khán giả quốc tế nhận ra, Nguyễn Việt Trung là một nghệ sĩ đến từ Việt Nam?
- Tôi đã đi diễn ở nhiều quốc gia như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Singapore, Đan Mạch, Nga, Hungary, Ba Lan, Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản… Mỗi lần đi diễn, nếu được sự đồng ý của ban tổ chức, tôi sẽ biểu diễn tác phẩm của Việt Nam. Tôi cũng thường tìm cơ hội để chơi các bài nhạc Việt tặng cho khán giả.
Tôi hay chơi bài "Trống cơm" của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Khán giả rất thích vì nhạc Việt đậm chất thơ, nhiều khi họ còn gợi ý đánh thêm các tác phẩm Việt Nam nữa. Tôi dự định sẽ luyện thêm nhiều tác phẩm Việt bởi đây là một cơ hội tốt để quảng bá âm nhạc, văn hóa Việt Nam.
Hiện tại có khá nhiều nghệ sĩ trẻ đi thi các giải thưởng lớn trên thế giới. Nhưng nhiều năm trước, việc người Việt đi thi và giành được những giải thưởng âm nhạc cổ điển khá hiếm. Mỗi lần Trung đi thi, những người nước ngoài có bất ngờ khi biết anh là người Việt Nam?
Dù có hai quốc tịch và sinh sống ở Ba Lan nhưng tôi luôn ghi trong danh sách mình là công dân Việt Nam. Nhiều người cũng khá bất ngờ khi có một cậu bé da vàng tham gia biểu diễn.
Trong suy nghĩ của nhiều người nước ngoài, Việt Nam là nước đang phát triển, còn phải lo về kinh tế. Khi thấy một nghệ sĩ Việt góp mặt, họ cũng bất ngờ khi biết người Việt rất quan tâm về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Anh có thể chia sẻ đôi điều về dự định sau này? Liệu anh có về Việt Nam để phát triển nền âm nhạc cổ điển nước nhà?
Tôi có may mắn được tiếp xúc với nền âm nhạc cổ điển thế giới sớm, được học tập ở quê hương của nhiều nhà soạn nhạc lỗi lạc. Thời gian này tôi đang tập trung học tiến sĩ ở Mỹ. Tôi muốn khám phá, học hỏi thêm về nền âm nhạc, văn hóa của thế giới. Tất cả những sự chuẩn bị này tôi dành để hướng về Việt Nam.
Tôi dự định sau này, có thể là mở một trung tâm hay một trường nhạc để truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ Việt Nam. Tôi có khá nhiều bạn bè là các nghệ sĩ ở trên thế giới. Tôi mong muốn sẽ mời họ về Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu văn hóa…
Chân thành cảm ơn Nguyễn Việt Trung đã dành thời gian trò chuyện cùng Dân trí!
"Nhiều người nói tôi liều khi cho con theo âm nhạc"
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Thân, bố đẻ của nghệ sĩ Nguyễn Việt Trung tâm sự, trước đây, khi đưa con sang Ban Lan sinh sống và học tập, vợ chồng ông chưa từng nghĩ con trai sẽ trở thành một nghệ sĩ dương cầm. Gia đình ông làm kinh doanh và có công ty riêng. Trở thành một doanh nhân với Nguyễn Việt Trung sẽ là lựa chọn an toàn và có đà phát triển tốt hơn.
Vậy nên, khi biết vợ chồng ông Thân cho con học âm nhạc, nhiều người nói vợ chồng ông liều lĩnh. Việc học hành vất vả, nhiều chi phí đắt đỏ mà cả triệu người mới có một người thành công. Dẫu vậy, vợ chồng ông Thân bỏ ngoài tai mọi lời bàn tán, đồng hành và ủng hộ đam mê của con.
Gia đình ông Thân phải chấp nhận cảnh chia năm xẻ bảy, mỗi người một nơi để con trai có cơ hội phát triển sự nghiệp. May mắn nhờ tài năng của bản thân và sự cố gắng của cả gia đình, Nguyễn Việt Trung đã giành được nhiều quả ngọt, đem lại niềm tự hào cho gia đình và vinh quang cho Việt Nam tại nhiều cuộc thi âm nhạc.