Bí ẩn về ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương
(Dân trí) - Tại sao ngày sinh trên bia mộ của Hoàng hậu Nam Phương khác với ngày sinh mà triều đình Huế đã công bố? Ai là người đã đứng ra xây mộ và cung cấp thông tin để khắc lên tấm bia?
Trong thời gian từ lúc cô Mariette Nguyễn Hữu Hào gặp Vua Bảo Đại trong một đêm dạ hội tại Đà Lạt vào tháng 2/1933 cho đến lễ cưới và phong hoàng hậu, không có tài liệu chính thức nào ghi ngày sinh của Hoàng hậu được công bố.
Đến năm 1943, phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ấn hành quyển Souverains et Notabilités d'Indochines (Tiểu sử vua chúa và thân hào các nước Đông Dương) tại Hà Nội, giới thiệu các nhân vật quan trọng tại năm xứ Đông Dương.
Trong trang viết về Hoàng hậu Nam Phương có ghi như sau: "Sinh tại Sài Gòn (Nam Kỳ) ngày 17 tháng 10 năm Giáp Dần (4 tháng 12 năm 1914), Hoàng hậu Nam Phương là ái nữ của cố Quận công Long Mỹ Nguyễn Hữu Hào".
Ngày và năm sinh của Hoàng hậu Nam Phương trong tài liệu của chính quyền bảo hộ ghi theo âm lịch như truyền thống Đông phương, tiếp theo trong ngoặc đơn là ngày tương ứng theo dương lịch.
Từ đó, mọi người đều xem ngày 4/12/1914 là ngày sinh của Hoàng hậu. Năm 1995, tức hơn nửa thế kỷ sau tài liệu của phủ Toàn quyền được ấn hành, Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc xuất bản Nguyễn Phúc tộc thế phả dày 477 trang, khi viết về Hoàng hậu Nam Phương cũng ghi ngày tháng giống như trên.
Lễ Trường Hy
Sau ngày tấn phong hoàng hậu, mỗi năm triều đình tổ chức mừng sinh nhật Hoàng hậu, gọi là lễ Trường Hy, rất long trọng.
Năm 1935 lễ được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 17/10 năm Ất Hợi, nhằm ngày 12/11/1935. Triều đình tổ chức lễ sinh nhật Hoàng hậu căn cứ trên âm lịch, không theo dương lịch.
Tờ Hà Thành ngọ báo tường thuật như sau:
"Nhân dịp ngày sinh nhật của Nam Phương Hoàng hậu, Chánh phủ Nam triều có thiết lễ Trường Hy vào ngày 17/10 ta (12/11/1935).
Trước ngày lễ Ngài Hoàng hậu bận lễ phục ngự qua ba cung: Diên Thọ, Trường Sanh và Thái Bình làm lễ thỉnh an ba ngài Thái hoàng Thái hậu và Thái hậu. Buổi trưa quan Thượng thơ Bộ Lễ nghi Tôn Thất Quảng vào Đại Nội dâng lễ của triều thần mừng ngày Trường Hy.
Sáng 12/11 tại các cung và các điện đều trần thiết theo ngày Đại Khánh hỷ. Ngài Nam Phương Hoàng hậu ngự xe rồng tới cung Diễn Tâm, theo sau có các thái giám, cung nữ, Văn phòng Hoàng thượng và quan Đại Nội nghi lễ đại thần Bửu Thạch.
Các hoàng thân, các quan Thượng thơ Viện Cơ mật, quan Thượng thơ phủ Tôn Nhân Ứng Bảng, quan Trung quản Nguyễn Hữu Tiển, quản đốc các đội lính tại Đại Nội, và các quan văn võ cùng tề tựu tại cung Diễn Tâm.
Đúng giờ định, Hoàng hậu ngự vào điện chánh ngồi trên ghế vàng, các triều thần tới làm lễ mừng. Đoạn, đến các bà vương phi, phủ thiếp, các bà mạng phụ đến làm lễ sau. Lễ xong, Ngài Nam Phương đãi rượu mừng. Buổi chiều, quan Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil cùng các quan trong văn phòng và các vị Cố vấn tại các Bộ bận lễ phục vào điện Kiến Trung mừng Hoàng hậu. Các quan Thượng thơ đều dự lễ.
Tại các cửa Đông, Nam, Thái Bình đều có lính bồng súng đứng hầu. Tối, tại các cửa thành và kỳ đài, các phố xá đều có treo cờ".
Thật là một đại lễ huy động tất cả quan văn võ của triều đình, của Văn phòng Hoàng đế, các bà vương phi, mệnh phụ phu nhân, cả Khâm sứ Trung Kỳ và cố vấn người Pháp tại các Bộ, đều đến chúc tụng sinh nhật của Hoàng hậu!
Năm 1936, lễ Trường Hy được tổ chức ngày 17/10 (năm Bính Tý), tức là ngày 30/11/1936. Tuy nhiên, theo tin các báo, mấy ngày qua khí trời thay đổi, mưa nắng thất thường, cả Hoàng hậu lẫn Hoàng thượng đều "ngọc thể bất an" nên không tham dự được các buổi lễ.
Buổi chầu của đại thần Viện Cơ mật cũng như Khâm sứ Trung Kỳ đều bị hủy bỏ. Nhưng các cuộc thi đấu thể thao, bóng tròn, bóng bàn, quần vợt, đua xe đạp, vẫn diễn ra theo đúng chương trình. Khắp đường phố, trước các dinh thự, công sở và tư gia đều treo cờ bay phấp phới.
Năm 1938, Hoàng hậu sinh Công chúa Phương Liên ngày 3/11 tại Đà Lạt. Lễ Trường Hy 17/10 (năm Mậu Dần), nhằm ngày 8/12/1938. Lễ được tổ chức trong bốn ngày, từ tối thứ sáu 2/12 đến sáng thứ hai 5/12, kết hợp với lễ đầy tháng của Công chúa Phương Liên.
Chương trình không có những nghi lễ triều đình, chỉ có những cuộc rước đuốc, dạo đèn, tranh tài thể thao, đấu võ đài tranh giải "Công chúa Phương Liên".
Tấm ảnh kèm theo đây chụp vào sáng thứ hai 5/12/1938. Trong ảnh có Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương, Hoàng tử Bảo Long hai tuổi, Công chúa Phương Mai được một tuổi bốn tháng.
Phía sau là bà Graffeuil và Công sứ kiêm Đốc lý Đà Lạt Michel de Boibossel. Hoàng hậu đang dẫn Hoàng tử và Công chúa đến địa điểm học sinh các trường công và tư đang cầm cờ tụ tập để chào đón và mừng Hoàng hậu.
Năm 1939, Hoàng hậu Nam Phương và các con vừa ở Pháp về đến Huế đầu tháng 11. Tình hình căng thẳng vì Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa bùng nổ. Lễ Trường Hy nhằm ngày 27/11 (17/10 năm Kỷ Mão) vẫn được cử hành nhưng đơn giản hết mức.
Sự thật về ngày sinh của Hoàng hậu
Năm 1947, vì tình hình biến động trong nước, Hoàng hậu cùng năm con sang Pháp và cư ngụ trong lâu đài Thorenc ở thành phố Cannes. Năm 1963, Hoàng hậu từ trần đột ngột trong sự cô đơn tại một làng nhỏ tên Chabrignac ở miền Trung nước Pháp. Bà được chôn ngay trong nghĩa địa của làng.
Trong tấm hình chụp ngôi mộ của Hoàng hậu, người ta thấy một tấm bia lớn ghi dòng chữ Hán: "Đại Nam Nam Phương Hoàng hậu chi lăng", và một tấm bia nhỏ hơn ghi bằng tiếng Pháp: "Nơi đây an nghỉ Hoàng hậu Nam Phương, nhũ danh Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. 14.11.1913 - 15.9.1963". Hàng số sau là ngày mất của Hoàng hậu, vậy thì hàng số trước chỉ có thể là ngày sinh.
Tấm bia nhỏ này gây ra nhiều câu hỏi: Tại sao ngày sinh lại khác với ngày 4/12/1914 được mọi người công nhận là ngày sinh chính thức suốt bao năm nay? Ai là người đã đứng ra xây mộ và cung cấp thông tin để khắc lên tấm bia?
Người này chỉ có thể là một trong năm người con của Hoàng hậu Nam Phương, hoặc là một người thân trong gia đình Hoàng hậu. Nhưng các hoàng tử, công chúa con của Hoàng hậu Nam Phương không thể cung cấp sai ngày sinh của mẹ.
Hoàng hậu Nam Phương mất đã 60 năm, nhưng điều bí ẩn đó vẫn chưa có lời giải đáp.
Vấn đề dừng ở đó với những câu hỏi không lời giải đáp cho đến năm 2017, khi nhà sử học người Pháp François Joyaux đi qua vùng Corrèze và ghé thăm mộ Hoàng hậu Nam Phương.
François Joyaux là giáo sư đại học chuyên về lịch sử các nước vùng Viễn Đông nhưng ông thú thật không biết gì nhiều về Hoàng hậu Nam Phương.
Bị thu hút bởi cuộc đời một nhân vật mà có rất ít tài liệu lịch sử nói tới, ông quyết định viết quyển tiểu sử về Hoàng hậu và đã tìm gặp rất nhiều người, nhất là những nhân chứng quen biết Hoàng hậu vào thời gian bà ở làng Chabrignac.
Về những người trong gia đình Hoàng hậu, François Joyaux đã phỏng vấn Công chúa Phương Dung (một cuộc phỏng vấn năm 2018), Pascal Lê Phát Tân, cháu gọi bà Nam Phương là bà cô (hai cuộc phỏng vấn năm 2018), và một nhân vật giấu tên mà tác giả đã phỏng vấn bốn lần trong ba năm 2017, 2018 và 2019.
Kết quả là quyển sách Nam Phuong - La dernière impératrice du Vietnam (Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam), xuất bản năm 2019.
Trong phần đầu quyển sách, tác giả khẳng định ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương là 14/11/1913, như khắc trên tấm bia nhỏ.
Cuối sách, tác giả viết: "Người ta đôi khi thấy, kể cả trong các văn bản chính thức, ngày 4/12/1914. Đó là thông tin sai. Nguyên nhân là ngày sinh thật sự 14/11/1913 không thuận lợi đối với các chiêm tinh gia của triều đình, và họ thay đổi ngày vào dịp đám cưới, năm 1934. Hơn nữa, cần để cho Hoàng hậu tương lai trẻ hơn nhiều so với Hoàng đế, vì Hoàng đế sinh ngày 22/10/1913, nghĩa là chỉ trước Hoàng hậu có ba tuần lễ mà thôi".
Nguồn của thông tin này đến từ cuộc nói chuyện của tác giả với nhân vật giấu tên ngày 27/10/2017.
Trước hết, cần nêu một điểm kém chính xác trong đoạn trên của tác giả François Joyaux: không phải "đôi khi" người ta thấy ghi ngày sinh 4/12/1914, mà tất cả tài liệu cho đến nay đều công nhận đó là ngày sinh của Hoàng hậu.
Tác giả chỉ căn cứ vào lời nói của một người, hơn nữa lại ẩn danh, để khẳng định một điều hoàn toàn mới là sự thật, mà không yêu cầu người đó đưa ra văn bản, hay chứng cớ để biện minh cho quan điểm của mình. Lời khẳng định của nhân vật ẩn danh có thể đúng nhưng thiếu chứng cớ nên không hoàn toàn thuyết phục.
Và tác giả François Joyaux với tư cách là một sử gia có lẽ đã quyết đoán hơi hấp tấp, trừ phi tác giả có những thông tin khác mà không trình bày hết.
Tuy chúng tôi thấy chưa đủ độ tin tưởng để đồng ý với quan điểm của François Joyaux, nhưng vẫn thắc mắc muốn tìm hiểu tại sao có ngày 14/11/1913, được cho là ngày sinh thật sự của Hoàng hậu Nam Phương, khác biệt 12 tháng 20 ngày so với ngày sinh chính thức 4/12/1914.
Như đã nói, hằng năm triều đình đều tổ chức mừng sinh nhật của Hoàng hậu, gọi là lễ Trường Hy, vào ngày 17/10 âm lịch. Không lẽ suốt bao nhiêu năm Hoàng hậu Nam Phương lại tham dự vào lễ mừng sinh nhật không đúng với ngày sinh của mình?
Vì tò mò, chúng tôi đã kiểm tra xem ngày 14/11/1913 tương ứng với ngày nào theo âm lịch và kết quả thật bất ngờ, ngày 14/11/1913 theo âm lịch là ngày... 17/10 năm Quý Sửu.
Như vậy, các nhà chấm số tử vi của triều đình thấy tuổi của Hoàng hậu quá gần với tuổi Vua Bảo Đại bèn cho Hoàng hậu trẻ đi đúng một năm, để Hoàng hậu sinh năm Dần (1914) thay vì năm Sửu (1913), mà vẫn giữ nguyên ngày sinh theo âm lịch là ngày 17/10, ngày tổ chức lễ Trường Hy cho Hoàng hậu hằng năm.
Như vậy, ta có cách lý giải hợp lý cho ngày sinh 14/11/1913 ghi trên mộ Hoàng hậu và có thể tin tưởng đó là ngày sinh thật sự của Hoàng hậu Nam Phương.
Về sau, chúng tôi có thêm nhiều bằng chứng chính thức khác:
- Sổ khai sinh của tòa Đốc lý thành phố Sài Gòn năm 1913 trích trong hồ sơ của Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại ở Aix-en-Provence, Pháp.
Sổ khai sinh ở số thứ tự 130 ghi: Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14/11/1913 lúc 5 giờ 15 phút chiều, con của Pierre Nguyễn Hữu Hào và Marie Lê Thị Bình.
- Sổ rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913. Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn chứng nhận Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan sinh ngày 14/11/1913 tại Sài Gòn, được Linh mục Eugène Soulard rửa tội ngày 18/11/1913 tại Thánh đường Sài Gòn. Cha đỡ đầu là Jean-Baptiste Lê Phát Thanh, mẹ đỡ đầu là Agnès Huỳnh Thị Tài.
- Bản sao giấy khai tử chứng nhận Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào sinh ngày 14/11/1913, mất ngày 15/9/1963 tại Chabrignac lúc 16 giờ 30 phút. Người khai là Thái tử Bảo Long, 27 tuổi, sĩ quan. Giấy khai tử lập ngày 16/9/1963 lúc 8 giờ 15 phút, do Thị trưởng Henri Bosselut, viên chức hộ tịch, ký cùng với người khai, Thái tử Bảo Long.
Bản sao giấy khai tử do Tòa thị xã Chabrignac cấp ngày 20/2/2023.
Giấy khai sinh và khai tử ghi tên họ là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, đúng theo tên chính thức lúc khai sinh. Giấy rửa tội thì ghi tên thánh Jeanne Mariette kèm theo tên Việt Nam là Nguyễn Thị Lan. Cả ba tài liệu đều ghi ngày sinh là ngày 14/11/1913.
Ngày 25/5, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy tại Hà Nội.
Tác phẩm là kết quả của cuộc hành trình "theo dấu" nhà vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn tại cả hai nước Việt Nam và Pháp.
Đây được coi là cuốn tư liệu lịch sử nhân vật đắt giá, viết về con người, cuộc đời Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963).
Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại dày 464 trang, gồm 4 phần chính: Thiếu nữ Nam kỳ và Hoàng Thái tử Triều Nguyễn, Hoàng hậu và Hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac.
Ngoài ra, tác phẩm còn xuất bản thêm một phần phụ kể Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.
Cả 4 phần trong tác phẩm được thể hiện tương ứng 4 giai đoạn chính của cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương theo trình tự thời gian.