DNews

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương

Minh Nhân

(Dân trí) - Đám cưới của Vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương được định vào ngày 20/3/1934.

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương

Đám cưới tại hoàng cung

Đám cưới của Vua Bảo Đại được định vào ngày 20/3/1934, cử hành theo các nghi lễ ấn định trong phần nói về sách lập hoàng hậu của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, thực hiện dưới thời Vua Thiệu Trị, gồm những văn bản quan trọng do các triều đại nhà Nguyễn ban hành từ 1802, tức là năm Gia Long lên ngôi hoàng đế, đến 1851.

Ngày 6/3/1934, hai tuần trước ngày đại lễ, Vua Bảo Đại ban Dụ số 4 loan báo ý định làm lễ Đại hôn và lập hoàng hậu:

"Trẫm theo ý chỉ của ba Tôn cung, Trẫm định lập nội cung để có người nội trợ. [...] Trẫm lựa một người thiếu nữ quán ở Nam Kỳ, tên là Nguyễn Hữu Thị Lan tức là Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Hào, con một nhà có danh giá trong lục tỉnh. [...]

Người mà Trẫm sách lập làm Hoàng hậu đây, đã từng du học bên quý Pháp quốc lâu năm cũng như Trẫm vậy, cho nên đã dung hòa được văn hóa tốt đẹp của Tây Âu và tinh thần vẻ vang của Đông Á, mà trở nên một người nhân cách hoàn toàn.

Đức hạnh người ấy đáng làm hiền phối cho Trẫm, và cũng đáng làm khuôn mẫu ở ngôi chánh vị trong cung. Hễ người ấy vào cung, thời Trẫm cho lập liền làm Hoàng hậu".

Ngày 15/3, Vua Bảo Đại chít khăn vàng, mặc áo thụng vàng có các quan nội thần đi hầu, đến điện Phụng Tiên làm lễ cáo yết các tiên vương về việc nhà vua sắp kết hôn với cô dâu Nguyễn Thị Lan.

Xong lễ tại điện Phụng Tiên, nhà vua sang cung Diên Thọ tâu với lưỡng Tôn cung (hai Thái hoàng Thái hậu) và Hoàng Thái hậu Từ Cung về việc cử hành lễ đại hôn sắp tới.

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương - 1

Bìa sách "Theo dấu chân Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại" (Ảnh: Minh Nhân - Minh Trang).

Bữa tiệc trước ngày đưa dâu

Cùng ngày 15/3, khi Vua Bảo Đại làm lễ cáo yết tiên vương, thì tại biệt thự số 37 đường Taberd, ông bà Nguyễn Hữu Hào tổ chức một buổi tiệc trình diện cô dâu với khoảng hơn 20 khách mời, gồm các nhân vật hàng đầu trong chính quyền thuộc địa, giới trí thức, chính trị và kinh doanh của xứ Nam Kỳ.

Khách đến đông đủ, ông bà Nguyễn Hữu Hào cho con gái Mariette Nguyễn Thị Lan ra chào khách: "Người mảnh mai yếu điệu, mặc bộ Âu phục màu xanh, đi đứng gọn gàng, cô Mariette bưng bánh rượu đi mời từng người, ra vẻ ân cần, hậu đãi lắm".

Đốc phủ Quới thay mặt các quan khách tỏ lời khen tặng gia đình Nguyễn Hữu Hào và cầu chúc cô Mariette được bình an, hưởng mọi điều hạnh phúc. Nghị trưởng Chủ tịch Hội đồng Quản hạt Mathieu thay mặt quan khách Pháp cũng ngỏ lời khen tặng cô Mariette và nói việc lập hoàng hậu còn mang ý nghĩa "Pháp - Việt hòa hảo" lâu dài.

Đốc lý Biaille de Langibaudière bày tỏ sự vui mừng của thành phố Sài Gòn trong cuộc hôn phối này.

Ông Lê Phát Vĩnh, cậu cô dâu, thay mặt gia quyến cảm ơn các quan khách đã đến đông đủ để tiễn cháu Mariette trước ngày về nhà chồng.

Số quan khách có mặt trong buổi tiệc nhỏ trình diện cô dâu chứng tỏ sự giao thiệp rộng rãi và tầm ảnh hưởng của gia đình Nguyễn Hữu Hào trong chính quyền, báo chí và kinh doanh Nam Kỳ, nhưng cũng cho thấy gia đình sống không phô trương, rất khiêm tốn.

Một cuộc hôn nhân trọng đại như vậy, mà buổi tiệc giới thiệu cô dâu chỉ diễn ra một ngày trước khi cô dâu lên đường ra đèo Hải Vân để về nhà trai. Giới nhân sĩ, kinh doanh và báo chí Nam Kỳ tỏ ý tiếc là không lập được một phái đoàn đại diện tiễn cô dâu xứ Nam Kỳ về kinh đô làm hoàng hậu.

Rước dâu về kinh đô

Ngày 17/3, vợ chồng Hoàng thân Bửu Liêm và Hoàng Tùng Đệ Vĩnh Cẩn được cử thay mặt nhà trai, đi với Thượng thơ Bộ Nghi lễ Bửu Thạch vào đèo Hải Vân đón dâu. Đoàn xe hơi khởi hành từ Huế lúc 6 giờ sáng và đến đèo Hải Vân lúc 8 giờ rưỡi.

Đến 10 giờ rưỡi thì phái đoàn nhà gái từ Đà Nẵng (Tourane) ra đến nơi. Trong đoàn nhà gái có mẹ - bà Lê Thị Bình, và chị cô dâu - bà Agnès, Nam tước Didelot, ông Lê Phát Vĩnh, cậu cô dâu, và ông Đỗ Hữu Trí, một thân hào Nam Kỳ, thẩm phán tại tòa án Sài Gòn và bạn của gia đình. Đốc lý thị xã Đà Nẵng Valette và vợ cũng tháp tùng trong đoàn nhà gái.

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương - 2

Bà Hoài Ân Vương phi, vợ Hoàng thân Bửu Liêm, tặng cô dâu bó hoa quấn dải màu hoàng triều vàng và đỏ. Trong buổi rước dâu, máy ảnh nhiều lúc chụp được ánh mắt dò hỏi của bà Bửu Liêm trước mặt cô dâu, biểu hiện tất cả e dè, nghi ngại của hoàng tộc và những người bảo thủ trong triều đình trước quyết định của nhà vua khi chọn cưới một thiếu nữ Tây học.

Sau khi chào hỏi, hai đoàn xe nhập làm một và lên đường trực chỉ kinh đô. Tại kinh thành Huế, trên đường đoàn xe sắp đi qua, dân chúng đã tụ tập rất đông, nhiều người từ xa đến, nôn nóng chờ được nhìn mặt hoàng hậu tương lai. Tại lầu Công quán, nơi cô dâu ở trong ba ngày trong khi chờ ngày lễ Đại hôn, các quan chức Pháp và Nam triều cũng đã tề tựu đông đủ.

Tờ Hà Thành ngọ báo viết:

"Tại Thần Kinh, ai nấy đều mong thấy Hoàng hậu tới Huế. Các đường từ Hoàng thành cho đến đồng An Cựu đều chật người đi coi. Tại Hậu Bổ, gần chỗ Công quán càng đông hơn, xe cộ khó qua lại [...].

12 giờ. Lệnh kỳ đài phát. Rồi tiếng pháo nổ động đất báo hiệu cho tất cả nhân dân biết. Người bạn trăm năm của Hoàng thượng nay đã đến với núi Ngự sông Hương.

Đoàn xe vào cửa Công quán đầu tiên là xe Đức ông Vĩnh Cẩn, ngồi chung xe với quan Thượng thơ Nghi lễ Bửu Thạch. Kế đến xe cô Nguyễn Thị Lan ngồi với thân mẫu và bà Didelot".

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương - 3

"Lầu Công quán" được xây năm 1870 dưới triều Vua Tự Đức làm nơi tiếp các sứ đoàn ngoại quốc, tên chính thức là tòa Thương Bạc. Năm 1885, nơi này trở thành phủ của Phụ chánh Đại thần Nguyễn Văn Tường, sau thành trường Hậu Bổ Huế - trường được thành lập năm 1911 để bổ túc kiến thức cho sĩ tử đã đỗ Cử nhân nhưng phải học thêm ba năm về thủ tục hành chánh mới.

Đoàn xe rước dâu ngừng trước Công quán, dưới cả ngàn cặp mắt hiếu kỳ của dân chúng đứng bao quanh, "một thiếu nữ xinh đẹp, gọn gàng, tóc hớt ngang vai, mình mặc áo Thượng Hải hoa vàng, tươi cười bước xuống xe, đáp lễ các người đứng đón tiếp".

Cựu Khâm sứ Charles đến tận cửa xe, nghiêng mình chào và mời cô Nguyễn Thị Lan vào dinh. Khi cô dâu bước lên các bậc thang để vào nhà, bà Charles đã đứng chờ để đón tiếp. Cô dâu kề má hôn xã giao bà cựu Khâm sứ, người đã giới thiệu cô Nguyễn Thị Lan với Hoàng thượng trong buổi tiếp tân tại khách sạn Langbian Palace Đà Lạt.

Trong phòng khách, quan khách đã tề tựu đông đủ. Xong lễ giới thiệu, các thiếu nữ đại diện phụ nữ trong hoàng tộc, Hội Ái hữu Nam Kỳ và nữ sinh Đồng Khánh lên tặng hoa chào mừng hoàng hậu tương lai.

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương - 4

Lễ Đại hôn

Đêm 19/3/1934, tỉnh Thừa Thiên tổ chức cuộc rước đèn lớn, có đội múa rồng do các tuần binh múa đi qua đường phố kinh thành, với đủ kiểu đèn đẹp mắt do các phường làm. Dân chúng tụ tập rất đông hai bên đường xem đoàn rước đi qua.

Khi đám rước đến lầu Công quán, đội múa lân biểu diễn dưới lầu cho Hoàng hậu tương lai xem. Cổng của Công quán cũng mở để dân chúng có thể vào trong công viên tham gia buổi lễ. Trong khi đó, thành phố bắn pháo bông chào mừng Hoàng hậu.

Ngày 20/3, từ sáng sớm, các đường phố kinh thành Huế đã bắt đầu náo nhiệt. Hàng hàng lớp lớp người từ thôn quê lên, từ các nơi đến, kéo về các con đường từ khu Hậu Bổ đến cửa Chương Đức ở phía tây Hoàng thành, chờ đoàn xe đưa hoàng hậu tương lai vào Đại Nội.

Trên các cành cây cao, bức tường thành trường Hậu Bổ, trẻ con, người lớn tranh nhau kiếm chỗ cao để thấy rõ dung nhan người sẽ làm hoàng hậu nước Nam.

6 giờ 30, cổng sắt của dinh Công quán mở để binh lính vào làm nhiệm vụ giữ trật tự, những người có phận sự ra vào chuẩn bị mọi công việc, người từ Đại Nội vào giúp cô dâu trang điểm...

8 giờ, các mệnh phụ mặc áo tràng thêu, đầu chít khăn xanh bắt đầu đến. Trong số đó có Hoài Ân Vương phi, bà kiêm nhiếp Tôn Nhơn phủ Ưng Bàng, phu nhân các thượng thơ, tham tri, thị lang các Bộ... Các bà sẽ đi cùng cô dâu vào Đại Nội trong lễ tấn nội đình (lễ nhập cung).

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương - 5

Đón dâu từ lầu Công quán về Đại Nội (Nguồn: Tạp chí L'Illustration).

8 giờ 45, chiếc xe hơi riêng của Hoàng đế từ Đại Nội đến, sẵn sàng đón cô dâu vào cung.

9 giờ, trước cửa đã có bốn lọng đỏ dàn chào, cô dâu mặc áo thụng gấm đỏ, đầu đội khăn màu thiên thanh, chân đi giày thêu phụng, bước ra giữa tiếng pháo nổ liên hồi, trước một đám đông vây quanh gồm quan khách, phóng viên và những kẻ hiếu kỳ.

Đoàn xe rời dinh tiến đến cửa Chương Đức. Cưỡi ngựa dẫn đầu là võ quan Đề đốc Hộ thành Nguyễn Văn Mậu, hai bên có binh sĩ cầm gươm hộ tống. Theo sau là một đoàn quân chừng 20 người cầm cờ và trượng theo hầu. Tiếp đó là xe hơi chở mẹ và chị cô dâu. Hoàng hậu tương lai ngồi một mình trên chiếc xe riêng của Hoàng đế.

Tiếp theo là khoảng hơn một chục chiếc xe chở các mệnh phụ phu nhân và quan khách. Hai bên đường trên lộ trình 1,6km từ lầu Công quán đến cửa Chương Đức có rất đông dân chúng đứng chờ đoàn xe đi qua. Đây là giai đoạn duy nhất của lễ cưới mà người dân có thể chứng kiến, vì các nghi lễ tiếp theo trong Đại Nội chỉ diễn ra bên trong hoàng cung.

Điều chưa biết về đám cưới đặc biệt của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương - 6

Đến cửa Chương Đức để vô Đại Nội, có võ quan Nguyễn Hữu Tiền, Thống lĩnh quân thủy bộ của triều đình, đứng đón và hộ tống đám rước vào hậu cung. Hoàng hậu tương lai xuống xe và được hướng dẫn tới lầu Thái Bình, nơi cư ngụ của Hoàng Thái hậu Từ Cung để làm lễ yết kiến Hoàng Thái hậu.

Bà Từ Cung vui vẻ tiếp nàng dâu mới và truyền cung nữ lấy áo tràng màu vàng thêu phụng ban cho cô dâu để thay áo tràng đỏ đang mặc. Hoàng Thái hậu căn dặn vài điều về lễ nghi bái yết Hoàng đế và hai Thái hoàng Thái hậu.

Sau đó, Công chúa Mỹ Lương, trưởng nữ vua Dục Đức, đưa cô dâu qua điện Dưỡng Tâm. Nơi đây có bà Lang Tô, em ruột Vua Đồng Khánh, đón vào điện. Sau khi nghỉ ngơi một lát, Công chúa Mỹ Lương dẫn cô dâu sang điện Càn Thành làm lễ bái yết Hoàng đế.

Điện Càn Thành được trang hoàng như trong các ngày đại lễ. Nằm sau điện Cần Chánh, nơi nhà vua họp triều đình, điện Càn Thành là tư cung của nhà vua và cũng là trung tâm của Tử Cấm Thành. Ở chánh điện, Hoàng đế Bảo Đại đã ngồi trên ngai vàng đặt trên một bệ cao. Thị vệ vào tâu Hoàng hậu đã đến.

Cô Nguyễn Thị Lan bước vào chánh điện tiến về hướng Hoàng đế. Đến trước chiếc chiếu vàng đặt trước ngai, cô dâu cúi đầu làm lễ tam khấu đầu (xá ba lần). Xong lễ, Hoàng đế ngự về điện Kiến Trung, cô dâu trở về điện Dưỡng Tâm.

10 giờ 30, chương trình của cô dâu tiếp tục bằng nghi lễ yết kiến Tam cung tức hai bà nội và mẹ của Hoàng đế, dưới sự hướng dẫn của Thượng thơ Nghi lễ Bửu Thạch.

Trước hết là đến cung Diên Thọ bái yết Thánh Cung Khôn Nguyên Xương Minh Thái hoàng Thái hậu, vợ chánh của vua Đồng Khánh, bà nội trên danh nghĩa của Vua Bảo Đại. Cô dâu cũng cúi đầu làm lễ xá ba lần như trước Hoàng đế. Đức Thánh Cung tặng cháu dâu hai chén ngọc cổ dùng để đựng phấn trắng và sáp môi đỏ.

Sau khi tạ ơn, cô dâu cáo từ để qua cung Trường Sanh bái yết Tiên Cung Khôn Nghi Xương Đức Thái hoàng Thái hậu, vợ thứ của vua Đồng Khánh và bà nội ruột của Vua Bảo Đại. Nếu cuộc tiếp kiến tại cung Diên Thọ có tính nghi lễ thì cuộc diện kiến với Đức Tiên Cung thân tình hơn. Thái hoàng Thái hậu cho đốt pháo mừng khi cháu dâu đến.

Sau lễ tam khấu đầu, Tiên Cung nói cháu dâu đến ngồi gần, ngắm kỹ càng cháu dâu rồi nói: "Bà chỉ có một cháu trai, nay đã có nội cung, bà lấy làm vui mừng. Hoàng đế phải lo việc xã tắc, cháu đây phải giữ việc nội đình. Bà mong sao mau có chắt để được vui vẻ lúc tuổi già".

Xong, Tiên Cung sai lấy bảo vật tặng cháu dâu, gồm các đồ ngọc, ngà để trang điểm, dựng trong khay ngà bọc gấm vàng.

Sau cùng, lúc 11 giờ, cô dâu đến lầu Thái Bình bái yết mẹ vua là Đức Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái hậu. Bà Từ Cung cũng cho lệnh đốt pháo mừng và sau lễ tam khấu đầu cũng tặng nàng dâu nhiều phẩm vật bằng ngọc.

11 giờ rưỡi, cô dâu rời lầu Thái Bình để về điện Dưỡng Tâm. Đến nơi, cô dâu cất khăn xanh, cởi áo tràng vàng, mặc áo gấm lục, đầu chít khăn đỏ, ra ngồi nơi căn giữa điện Dưỡng Tâm để triều thần làm lễ yết kiến. Lần lượt các quan văn võ áo gấm đại trào tề tựu tại điện để ra mắt và chào mừng cô dâu.

12 giờ, xong lễ ra mắt và bái yết, cô dâu Nguyễn Thị Lan rời điện Dưỡng Tâm để về điện Kiến Trung.

Điện Kiến Trung là công trình kiến trúc nằm ở cuối Tử Cấm Thành, do Vua Khải Định ra lệnh xây năm 1921, hoàn thành năm 1923, theo lối kiến trúc cổ điển Pháp kết hợp với phong cách Ý thời Phục Hưng và kiến trúc cổ truyền của Việt Nam, làm chỗ làm việc và chỗ ở cho nhà vua. Ngày 6/11/1925, Vua Khải Định băng hà tại đây.

Sau khi về nước chấp chánh, Vua Bảo Đại đã cho sửa sang lại bên trong, xây buồng tắm, thiết kế các tiện nghi theo lối sống phương Tây. Một số bàn ghế được đặt làm tại Paris từ nhà thiết kế nổi tiếng Jules Leleu.

Sau ngày cưới, Hoàng hậu Nam Phương sẽ sống tại đây cùng Hoàng đế Bảo Đại, xen kẽ với những thời gian nghỉ tại Đà Lạt, nơi ông Nguyễn Hữu Hào đã cho xây một biệt thự và tặng cho con gái.

Ngày 25/5, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức sự kiện ra mắt cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy tại Hà Nội.

Tác phẩm là kết quả của cuộc hành trình "theo dấu" nhà vua và hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn tại cả hai nước Việt Nam và Pháp. Đây được coi là cuốn tư liệu lịch sử nhân vật đắt giá, viết về con người, cuộc đời Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963).

Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại dày 464 trang, gồm 4 phần chính: Thiếu nữ Nam kỳ và Hoàng Thái tử Triều Nguyễn, Hoàng hậu và Hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac.

Ngoài ra, tác phẩm còn xuất bản thêm một phần phụ kể Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.

Cả 4 phần trong tác phẩm được thể hiện tương ứng 4 giai đoạn chính của cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương theo trình tự thời gian.