Tổng quan bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Hội chứng tăng tiết hormon chống bài niệu (ADH) không thích hợp (tên tiếng Anh là Syndrome of inappropriate antidiuretic hormone - viết tắt SIADH) là hội chứng ảnh hưởng tới việc cân bằng nước và chất khoáng trong cơ thể người, đặc biệt là natri. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây hạ natri máu do tăng tiết ADH không thích hợp.
Vậy hoocmon ADH là gì? Hormon chống lợi tiểu (ADH) được tiết ra bởi một nhóm tế bào vùng đồi dưới não. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng huyết áp, lượng máu trong cơ thể, lượng nước trong tế bào bằng cách kiểm soát lượng nước cũng như nồng độ chất thải trong nước tiểu được bài tiết ra ngoài cơ thể.
ADH ảnh hưởng tới thận và mạch máu. Thận chịu ảnh hưởng của ADH sẽ tích trữ và thẩm thấu nhiều nước hơn, giảm lượng nước bài tiết ra ngoài cơ thể, làm nồng độ nước tiểu đặc hơn. Và dưới ảnh hưởng của ADH, mạch máu sẽ co lại, làm huyết áp tăng, cho nước thẩm thấu tới tế bào nhiều hơn.
Hội chứng ADH không thích hợp xảy ra khi lượng AHD trong cơ thể quá nhiều. Khi đó, cơ thể người bệnh không thể đào thải nước ra bên ngoài (bị giữ nước) và nồng độ khoáng chất trong máu của bệnh nhân thấp.
Nguyên nhân bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Do bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương
Vùng dưới đồi của não tiết ra quá nhiều ADH.
Tai biến mạch máu não.
Nghiện rượu
Mắc hội chứng Guillain-Barre.
Bị chấn thương vùng đầu.
Não úng thủy.
Nhiễm khuẩn: viêm màng não, viêm não, áp xe.
Có khối u trong não.
Do thuốc
Việc sử dụng một số loại thuốc có thể kích thích vùng dưới đồi của não giải phóng nhiều hormon ADH hơn. Một số cái tên điển hình là: Chlorpropamide, Clofibrate, Cyclophosphamide, Bromocriptine mesylate (bromocriptin), Nicotin, Opiat, Oxytocin, Phenothiazin, Vinblastin, Vincristin,...
Do ung thư
Một số bệnh ung thư như u lympho bào, ung thư hành tá tràng, u trung biểu mô, u nguyên bào thần kinh khứu giác, u tuyến ức, ung thư phổi tế bào nhỏ, ung thư tuyến tiền liệt, u tuyến ức,... có thể kích thích cơ thể tăng tiết ADH, dẫn tới hội chứng tiết hormon kháng bài niệu không phù hợp.
Các nguyên nhân khác
Người bị HIV, rối loạn thần kinh - tâm thần, mắc bệnh phổi, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, truyền nước quá nhiều sau phẫu thuật, lao, nấm,... thường mắc hội chứng ADH không thích hợp do cơ thể tăng tiết hormon ADH.
Triệu chứng bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Ở giai đoạn đầu, hội chứng tiết hormon kháng bài niệu không phù hợp không xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, càng về sau khi bệnh nặng hơn, bệnh sẽ có nhiều biểu hiện tùy từng người. Tiêu biểu là:
Buồn nôn hoặc nôn ói.
Chuột rút hoặc run tay, chân.
Tâm trạng chán nản, suy giảm trí nhớ, hay khó chịu.
Thay đổi tính cách, dễ nhầm lẫn, gặp ảo giác.
Động kinh, thậm chí một số trường hợp có thể bị hôn mê.
Nếu vì một lý do nào đó lượng natri trong cơ thể người bệnh quá thấp hoặc giảm nhanh thì các triệu chứng của bệnh còn biểu hiện nặng hơn.
Đối tượng nguy cơ bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Bệnh có liên quan trực tiếp đến lượng nước và natri trong cơ thể. Vì vậy, nếu một trong hai hoặc cả hai yếu tố trên mất cân bằng thì có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gồm:
Có nồng độ natri trong máu rất thấp.
Đang phẫu thuật hoặc đang được điều trị khối u não.
Viêm màng não.
Bị rối loạn tự miễn, mắc ung thư phổi hoặc các bệnh mãn tính khác.
Chấn thương vùng đầu hoặc chấn thương sọ não.
Phòng ngừa bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Sau đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa và kiểm soát tình trạng bệnh tiết hormon kháng bài niệu ADH không thích hợp:
Hạn chế lượng nước uống hằng ngày.
Nắm rõ nguyên nhân gây hội chứng ADH không thích hợp để tìm ra biện pháp điều trị tận gốc.
Thường xuyên đo lượng natri trong máu.
Xem xét tới các chứng rối loạn khác làm tăng nguy cơ tiết hormon ADH không phù hợp nhằm điều trị triệt để.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Xét nghiệm máu và nước tiểu để đánh giá lượng nước và natri trong cơ thể: có quá nhiều nước và có quá ít natri hay không. Nếu chẩn đoán mắc hội chứng ADH, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị các nguyên nhân gây tụt natri như tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hoặc suy tuyến thượng thận.
Các biện pháp điều trị bệnh Hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp
Hội chứng tiết ADH không thích hợp là hội chứng tự hạn chế nên phương pháp điều trị tốt nhất là điều chỉnh theo cơ chế sinh bệnh. Điều đó cũng có nghĩa là loại bỏ nguyên nhân gây tăng tiết ADH.
Hạn chế uống nhiều nước khi bị bệnh để cân bằng mức natri trong máu lại bình thường. Lượng nước tối đa mà bệnh nhân được phép uống chỉ nhiều hơn một chút so với lượng nước tiểu trong ngày. Người bệnh cần đo lượng natri trong máu thường xuyên để đảm bảo việc hạn chế uống nước có hiệu quả tốt trong việc điều trị bệnh.
Dùng thuốc đối kháng ADH là demeclocycline. Trong một số tình huống khẩn cấp, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu mạnh như furosemide để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Tiên lượng điều trị hội chứng tiết hormon kháng bài niệu (ADH) không phù hợp phụ thuộc vào nguyên nhân chính gây bệnh cũng như mức độ nặng của tình trạng hạ natri máu và những triệu chứng đi kèm khác. Người bị hạ natri máu nặng hoặc hạ natri máu triệu chứng có tỷ lệ tử vong cao hơn so với hạ natri máu nhẹ hoặc không triệu chứng, mạn tính. Bệnh sẽ khỏi nếu được điều trị dứt điểm nguyên nhân chính gây bệnh.