Tổng quan bệnh Tiêu chảy rota
Tiêu chảy rota là gì?
Tiêu chảy rota là bệnh tiêu chảy cấp tính ở trẻ nhỏ do Rotavirus gây nên. Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ.
Tiêu chảy rotavirus thường có những biểu hiện điển hình như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng và dễ mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong.
Bệnh tiêu chảy rotavirus xảy ra nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi, thường phân bố ở các nước có khí hậu ôn đới và bệnh xảy ra theo mùa, nhất là vào mùa đông. Còn ở những nước nhiệt đới, bệnh xảy ra quanh năm.
Nguyên nhân bệnh Tiêu chảy rota
Nguyên nhân gây tiêu chảy cấp do Rotavirus là loại virus mang tên Rotavirus. Đây là virus có khả năng tồn tại bền vững trong môi trường, có thể sống hàng giờ ở trên bàn tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, rotavirus có thể sống ổn định và gây ra bệnh khi sống trong phân 1 tuần.
Triệu chứng bệnh Tiêu chảy rota
Sau khi bị lây nhiễm từ nguồn bệnh khoảng 1-2 ngày, trẻ biểu hiện các triệu chứng sau:
Nôn ói: xuất hiện đầu tiên, trước khi có tiêu chảy từ 6- 12 giờ, kéo dài trong 2- 3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều, sau đó bớt dần và tiếp theo đến tiêu chảy.
Tiêu chảy: đi phân lỏng toàn nước, màu xanh dưa cải, có thể nhầy và không có máu. Tiêu chảy tăng dần những ngày sau đó, kéo dài trong khoảng thời gian 3- 9 ngày.
Có thể có sốt, đau bụng, ho, chảy mũi.
Dễ có dấu hiệu mất nước: khô môi, mắt trũng, khát nhiều, lì bì hay kích thích vật vã, quấy khóc,đánh giá dấu véo da mất nhanh/ mất chậm/ mất rất chậm,thóp trũng..Trẻ rất dễ bị khô kiệt nếu không được điều trị kịp thời.
Nhiễm toan chuyển hóa: thở mạnh, sâu, môi đỏ.
Dấu hiệu hạ Kali: chướng bụng, liệt ruột cơ năng, loạn nhịp tim, nhược cơ toàn thân.
Trẻ dễ bị sụt cân và suy dinh dưỡng do bị mất nước nặng.
Đường lây truyền bệnh Tiêu chảy rota
Phân của trẻ em mắc bệnh tiêu chảy rota hoặc người bình thường nhưng có mang trong mình virus rota sẽ là nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước, có thể là những vật dụng tiếp xúc xung quanh.
Virus Rota lây truyền cho trẻ em qua đường phân- miệng
Ngoài ra, virus này cũng lây qua đường hô hấp
Đối tượng nguy cơ bệnh Tiêu chảy rota
Các yếu tố nguy cơ gia tăng khả năng mắc bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus ở trẻ em:
Trẻ em bú bình không đảm bảo vệ sinh.
Ăn uống không hợp vệ sinh: cho trẻ ăn những thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng nên dễ nhiễm virus gây bệnh, thức ăn của trẻ bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
Nước uống của trẻ không sạch do để lâu ở ngoài hoặc nguồn nước bị nhiễm virus rota.
Người chế biến và dụng cụ chế biến bị nhiễm bệnh.
Xử lý phân và chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách cũng gây nguy cơ mắc bệnh.
Không rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến, trước khi cho trẻ ăn.
Phòng ngừa bệnh Tiêu chảy rota
Để phòng ngừa tiêu chảy rota, cần thực hiện các biện pháp sau:
Vệ sinh nguồn nước, ăn uống đúng cách, chế biến thức ăn đúng cách, rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến, cho trẻ ăn, vệ sinh những đồ dùng chế biến và đồ dùng cho trẻ ăn đúng cách, giữ gìn vệ sinh khi cho trẻ bú: bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
Trẻ em từ 2 tháng tuổi nên được uống dự phòng vắc xin rota
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Tiêu chảy rota
Để chẩn đoán bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus ở trẻ em, cần dựa vào những triệu chứng lâm sàng và các kỹ thuật cận lâm sàng:
Lâm sàng
Trẻ có các triệu chứng nôn, tiêu chảy kéo dài, sốt, đau bụng, có thể ho và chảy nước mũi. Trẻ có thể có dấu mất nước, nhiễm toan chuyển hóa và hạ kali máu.
Cận lâm sàng
Có 3 nhóm xét nghiệm chính để chẩn đoán bệnh là
Chẩn đoán nhanh phát hiện virus hoặc kháng nguyên: lấy mẫu phân trong tuần đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng, lấy huyết thanh rồi dùng kỹ thuật hiển vi điện tử, miễn dịch huỳnh quang trực tiếp, miễn dịch phóng xa, ELISA...
Chẩn đoán phát hiện ARN của virus rota: lấy mẫu phân trong tuần lễ đầu của bệnh hoặc hút dịch tá tràng, lấy huyết thanh và dùng kỹ thuật PCR để thực hiện xét nghiệm.
Chẩn đoán huyết thanh học: lấy máu tĩnh mạch và chắt lấy huyết thanh để làm xét nghiệm.
Các biện pháp điều trị bệnh Tiêu chảy rota
Điều trị tiêu chảy rota bằng cách: dự phòng biến chứng mất nước
Bù dịch bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch: cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường hoặc sử dụng Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể điều trị bằng thuốc hạ sốt.
Cho trẻ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với độ tuổi