Vợ chồng cần "biết thua" nhau
(Dân trí) - Hôm nay lướt mạng, thấy một bạn khoe ảnh bố mẹ nhân kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Mẹ bạn mặc áo dài màu xanh duyên dáng bên cạnh bố bạn bảnh bao trong bộ vest, nụ cười hiền khô.
Bốn mươi năm quả thực chẳng hề ngắn trong một kiếp người, lại càng không hề ngắn cho một mối hôn nhân gắn bó.
Bạn ấy kể rằng bố mẹ bạn sắp kỷ niệm 40 năm ngày cưới. Bốn mươi năm qua, không ít những trách móc giận hờn, không ít những bất hòa cãi vã, và lần cãi nhau nào bố bạn ấy cũng thua.
Một lần bạn hỏi:
- Sao con thấy lần nào bố mẹ cãi nhau bố cũng thua thế?
- Bố không thua thì làm gì có chúng mày.
Câu trả lời của bố ngắn gọn thôi nhưng hàm chứa bao nhiêu ý nghĩa. Và tôi chợt nhớ đến lời mẹ tôi từng nói "thắng bố mày thì mẹ được cái gì mà cố hơn thua?".
Bố tôi vốn khó tính và bảo thủ. Cái gì bố thích là cái đó tốt, cái gì bố nói là đúng. Ông khắt khe với vợ con từ lời ăn tiếng nói đến những chuyện nhỏ nhặt. Ngày bố mẹ còn trẻ, tôi vẫn thường chứng kiến bố mẹ có cãi nhau vì bất đồng quan điểm. Bố mẹ cãi nhau, người chịu khổ nhất là mấy chị em tôi. Vì khi bố tức giận mặt bố khó đăm đăm không nói năng gì khiến chúng tôi e dè sợ hãi, còn mẹ sẽ trút thái độ bực bội lên chúng tôi chứ không nhẹ nhàng như ngày thường. Dần dần những cuộc cãi vã ít đi. Nếu có, mẹ sẽ là người dừng lại trước hoặc nhường theo ý bố.
Tôi nói thật, bố tôi khó tính nổi tiếng trong làng. Khó đến độ tôi nghĩ, ngoài mẹ tôi ra chắc không ai chiều nổi bố. Khó tính đến độ tôi nghĩ, nếu sau này tôi gặp phải người chồng khó tính như vậy chắc tôi không thể chịu đựng như mẹ từng chịu đựng bố tôi.
Ấy vậy mà bố mẹ tôi đã sống chung được năm mươi năm. Bố tôi đã cận kề 80, mẹ cũng ngoài 70 rồi. Bố tôi đã bớt khó tính hơn và mẹ tôi thì vẫn nhường bố như một thói quen. Trước đây, có đôi lần tôi trách mẹ, cho rằng vì mẹ quá nhường bố, quá nhẫn nhịn chịu thua trong mọi tình huống nên mới dung dưỡng tính bảo thủ và cố chấp của bố. Nhưng mẹ tôi nói: Thật ra thì sau những cuộc tranh cãi, khi đã tĩnh tâm rồi bố vẫn biết là mình không đúng. Thôi thì vợ chồng, quan trọng nhất vẫn là hiểu tính nhau mà sống, ai thua ai thắng cũng không quan trọng bằng giữ được hòa khí trong nhà.
Khi tôi lập gia đình, tôi mới hiểu sâu sắc hơn những gì mẹ tôi nói. Đến bát đũa vô tri vô giác còn có khi xô nhau huống gì là hai người sống chung làm sao tránh khỏi những va chạm thường ngày. Không ít lần vợ chồng tôi bất đồng quan điểm. Những lúc như vậy, có khi tôi sẽ chủ động im lặng, cũng có khi chồng tôi sẽ xin lỗi trước. Dù ai đúng ai sai, chỉ cần tĩnh tâm sẽ nhận ra. Chịu thua trong một cuộc tranh cãi đôi khi không hẳn vì mình sai mà là vì mình không muốn mọi mâu thuẫn đi xa hơn, căng thẳng hơn.
Tôi vẫn nhớ hồi lớp 1 từng học qua câu chuyện kể về hai con dê cùng đi qua một chiếc cầu hẹp. Con dê nào cũng muốn sang bên kia trước, không con nào chịu nhường con nào. Cuối cùng cả hai húc nhau và cùng rơi tõm xuống suối.
Một câu chuyện tưởng chỉ dành cho trẻ con nhưng mang lại bài học cho người lớn ở nhiều khía cạnh, trong đó có cả bài học về ứng xử giữa vợ chồng.
Lâu nay, chúng ta vẫn hay nói với nhau về quyền bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà, quyền bình đẳng giữa vợ và chồng. Nhưng tôi vẫn nghĩ trong tình yêu, trong những mối quan hệ thân tình vốn không có sự công bằng. Thể nào cũng sẽ có người yêu thương nhiều hơn, nhường nhịn nhiều hơn, chịu thua thiệt nhiều hơn. Và họ cam tâm làm điều đó vì họ biết đối phương quan trọng với họ như thế nào. Sự công bằng chỉ có ở những người xa lạ: Anh cho tôi cái này, tôi trả lại anh cái kia, sòng phẳng rõ ràng.
Chung sống với nhau quả thực chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Huống hồ nữa là đàn ông và đàn bà, một người đến từ sao Hỏa, một người đến từ sao Kim, hai thế giới hoàn toàn khác biệt nhau cả về suy nghĩ và cách sống. Vậy nên, khi thấy một đôi chồng già nào đó cuối đời thủ thỉ bên nhau như bố mẹ tôi, tôi vẫn thường rất cảm động. Có cuộc hôn nhân nào không từng đi qua bão giông thời trẻ để có thể bên nhau lúc tuổi xế chiều.