Vì đâu con bất hiếu?
(Dân trí) - "Tội lỗi lớn nhất đời người là tội bất hiếu" - Lời Phật răn hiện hữu trong nhiều gia đình nhưng cảnh con cái có lời nói, hành vi bạc đãi cha mẹ vẫn không phải hiếm. Chỉ khi gục ngã trong nỗi đau đớn nhất, người ta mới ngộ ra: không hẳn bố mẹ sinh con trời sinh tính.
Tính ích kỷ sinh ra nhiều hệ lụy
Hiền lành, dễ mến là ấn tượng của bất kỳ ai khi tiếp xúc với C. - một thanh niên trẻ mới lập gia đình. Gần nửa năm trời sống vất vưởng ngoài nhà trọ, dằn vặt bởi miệng lưỡi thế gian và sự coi thường của nhà vợ, C. gầy sọp đi rất nhiều khi cái "án lương tâm" tội đánh bố phải cấp cứu vẫn còn ám ảnh trong từng giấc ngủ.
"Em không hiểu sao mình lại hành động như thế" - Câu đầu tiên C. biện minh cho tội bất hiếu của mình. Nghe lộn điện thoại, bám theo bố khi ông ra khỏi nhà vì phong thanh chuyện bố có bạn gái là minh chứng cho sự ích kỷ, thiếu tôn trọng, luôn coi cha là sở hữu riêng của một đứa con sớm mồ côi mẹ.
Tâm lý không ổn định khi thiếu tình mẫu tử, đuợc bù đắp bằng sự nuông chiều, bao bọc thái quá của người cha là đất để tính ích kỷ, hằn học của C. phát triển không kiểm soát nổi. Dù với bất cứ lý do gì, hành động coi thường đạo lý ấy khó lòng gột rửa.
Khi cha mẹ không là tấm gương trong
Ông T. (Tây Hồ) không thể giấu sự thật cay đắng khi phải vào viện với khuôn mặt bầm tím và hàm răng đã mất hàng tiền đạo sau cú đấm "như mãnh lực của cọp" mà cậu con quý tử tặng cha đúng ngày xóa tội vong nhân.
Ngày các con còn nhỏ, gia đình ông sống cũng hòa thuận, hạnh phúc. Xã hội phát triển, cuộc sống đổi thay khi giá đất khu vực nhà ông tăng chóng mặt. Ông trở thành tỷ phú đất khi sở hữu cả một khu vườn rộng. Vợ ông bỏ hẳn việc chạy chợ lam lũ, sa vào cờ bạc lô đề. Ông phong độ chẳng kém ai, tiền lúc nào cũng rủng rỉnh, không lẽ chỉ biết mỗi "mụ ngan già" ở nhà, thế là bia bọt, em út lúc nào không hay.
Con cái đến tuổi trưởng thành, thằng anh có xe máy, điện thoại, sao để con em đi xe đạp. Chuyện con yêu con ghét nảy sinh. Mẹ bênh con trai, bố thương con gái. Đất bán mãi cũng hết, miệng ăn tay phá đến núi cũng sụp. Vợ chồng lục đục xô xát. Thằng anh bênh mẹ đạp bố ngã ngửa trên sàn nhà, chưa bõ tức còn bồi thêm cú nữa khi men ruợu vẫn sôi trong hơi thở.
Hàng tiền đạo của ông đuợc bác sĩ chỉnh sửa có khi cũng đẹp hơn xưa, nhưng nỗi đau đớn, thất thần vẫn chưa thể hoàn hồn sau cơn bão.
Ươm mầm bạo lực, gặt nỗi đau gia đạo
Trong quán rượu quen, lần thứ nhất người đàn ông vung tay hỉ hả khoe với chiến hữu: "Thằng cháu ngoại tôi mới 8 tuổi mà hảo hán lắm, nó chỉ vào mặt bố: Ông đợi đấy! Ông mà còn đánh mẹ, tôi lớn lên sẽ cho ông biết tay!". Cả quán im lặng, không ai hưởng ứng.
Lần thứ 2,cũng người đàn ông ấy, vẫn bàn rượu ấy nhưng không thấy ông hào sảng, chỉ gục đầu bên chai rượu. Người ta xì xào: Ông ta đang đau, nỗi đau của một người cha bị chính đứa con dứt ruột đẻ ra hành hung, ngược đãi.
Chỉ thấy chưa làm cha mẹ vui lòng, nhiều người con tự nhận mình bất hiếu. Chứng tỏ đạo làm con sâu rộng theo tình yêu thương, nhận thức và cảm nhận của mỗi người.
Những hành động bất hiếu luôn bị dư luận lên án, đạo đức xã hội không chấp nhận. Có lỗi lầm dễ sửa chữa và được tha thứ nhưng tội bất hiếu thì bia miệng để đời.
Một gia đình luôn tràn ngập tình thương yêu, lòng bao dung và sự công bằng chắc chắn không có cửa cho "nỗi đau gia đạo" bước chân vào.
Nguyệt Hằng