Trưởng thành từ phản biện đúng: Khuyến khích con... "cãi lý"

Lý lẽ trẻ đưa ra khi tranh luận với cha mẹ không phải là hư hay bướng bỉnh. Thay vào đó, phụ huynh cần hiểu rằng, việc cho phép con tranh luận là nền tảng quan trọng, giúp trẻ rèn luyện tinh thần phản biện.

Theo các chuyên gia, cha mẹ cần giúp con có kỹ năng tư duy phản biện. Như vậy, trẻ sẽ có suy nghĩ rõ ràng, hợp lý và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống.

"Gọi dạ bảo vâng" mới là ngoan?

Đối mặt với con trẻ thích chống đối, tranh luận, hay cãi mẹ, không ít phụ huynh cho rằng, đây là hành động hỗn láo, xấc xược, thiếu tôn trọng người lớn. Có phụ huynh còn than thở: "Mới tí tuổi mà nó đã tranh luận với bố mẹ. Lớn lên nó nhất định sẽ là đứa trẻ hư".

Tuy nhiên, thực tế, nhiều bằng chứng cho thấy, trẻ thích nói lý, tranh luận "chưa chắc" đã hư. Năm 2012, một nhà tâm lý học tại Đại học Virginia (Mỹ) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy: Những đứa trẻ thích tranh luận với cha mẹ sẽ ít vướng vào các tệ nạn xã hội như ma túy, nghiện rượu, bạo lực khi bước vào tuổi vị thành niên. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2011 được công bố trên tạp chí Child Development chỉ ra rằng, những lập luận tranh cãi giữa cha mẹ và trẻ em, đặc biệt là thanh thiếu niên và thiếu niên, rất có lợi cho trẻ trong thời gian dài. Ông Joseph P. Allen - tác giả chính của nghiên cứu này - kết luận: Những gì một đứa trẻ học được trong việc xử lý các bất đồng với cha mẹ chính xác là những gì trẻ áp dụng vào giao tiếp với bạn bè đồng lứa. Bởi vậy, theo tác giả Allen, cha mẹ nên nghĩ rằng, những lý lẽ trẻ đưa ra không phải là phiền toái hay bướng bỉnh. Thay vào đó, phụ huynh cần hiểu rằng, đây là nền tảng giáo dục quan trọng, giúp trẻ rèn luyện tinh thần phản biện.

Có lẽ, đó chính là một trong những lý do khiến các phụ huynh không nên tức giận khi con trẻ thể hiện ý muốn tranh luận về một vấn đề nào đó. Theo các chuyên gia, cha mẹ không nên nghĩ rằng đó là hành vi hỗn. Thực tế, hãy xem đó là một cách dạy trẻ trong quá trình trưởng thành.

Hầu hết, các gia đình trong xã hội Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng luôn tồn tại một quan niệm rằng, cha mẹ nói gì thì con nhất nhất phải nghe theo. Thậm chí, trẻ không có quyền cãi lại, phản bác. Nếu tranh luận với cha mẹ, trẻ sẽ bị "quy kết" là hỗn, không biết nghe lời. Chính vì suy nghĩ đó nên nhiều phụ huynh thường kết thúc cuộc tranh luận bằng câu: "Tao nói gì mày phải nghe, cấm cãi!" hay "Mày giỏi mày làm đi, không cần bố mẹ nữa chứ gì?". Tệ hơn, không ít ông bố, bà mẹ mắng con bằng những từ nặng nề. Cách làm đó là một trong những yếu tố khiến cuộc tranh luận đi vào "ngõ cụt", mâu thuẫn cứ thế "âm ỉ". Từ đó, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con ngày càng xa cách và thêm căng thẳng. Có lẽ, để cuộc tranh luận không trở thành mâu thuẫn, cần có sự thấu hiểu đến từ cả hai phía.

Không ít trẻ ngày nay sẵn sàng nêu ý kiến cá nhân, phản biện quan điểm của cha mẹ. Thực tế, hành động này không phải là chống đối. Đó đơn giản là phản biện, nêu ý kiến ngược lại nhằm thuyết phục cha mẹ thống nhất theo quan điểm trẻ cho rằng hợp lý.

Ví dụ, do chưa hiểu hết về sự phát triển của công nghệ thông tin, cha mẹ chỉ nghe thông tin một chiều và cấm con sử dụng Internet. Bởi, cha mẹ cho rằng, con sẽ chơi điện tử, truy cập thông tin xấu và khiến việc học bị ảnh hưởng. Chắc chắn, không ít trẻ sẽ tranh luận rằng, con sử dụng Internet là để phục vụ cho việc học, mở rộng kiến thức và nắm bắt tin tức…

Hoặc, cũng có trường hợp cha mẹ không đồng tình để con tham gia các hoạt động ngoại khóa vì lo cho sự an toàn của trẻ. Trong khi đó, trẻ được phổ biến rằng, mục đích của hoạt động ngoại khóa là giáo dục kỹ năng sống cùng những ích lợi về thể chất. Khi đó, trẻ cũng sẵn sàng nói lý với cha mẹ.

Chia sẻ trên mạng xã hội, tài khoản tên Trần Anh nhận định, "lịch sự" luôn là yếu tố đầu tiên đánh giá thái độ và không khí của buổi tranh luận. Về vấn đề này, cha mẹ phải là người làm gương. Trong bất kỳ trường hợp nào, phụ huynh cũng không nên văng bậy, xúc phạm đến danh dự của con. Bởi, nhiều phụ huynh khi không thể giữ được bình tĩnh thường mắng con bằng những lời lẽ xúc phạm. Điều đó khiến con tổn thương nghiêm trọng về mặt tinh thần, thậm chí là ảnh hưởng đến cách xử sự của trẻ sau này. Cha mẹ nói bậy khi mất bình tĩnh sẽ khiến trẻ nghĩ rằng, khi không thể kiềm chế, ta có quyền nói bậy và xúc phạm người khác.

"Đó là một điều cấm kị, vì không chỉ ảnh hưởng đến sự thành công của cuộc nói chuyện, mà còn đến nhân cách của trẻ sau này. Còn về phía con, đương nhiên là  không thể nói bậy với cha mẹ. Song, con cũng cần phải "lịch sự" trong buổi tranh luận", Trần Anh chia sẻ.

Ngoài ra, cũng theo tài khoản này, nguyên tắc "rõ ràng, thẳng thắn" cũng vô cùng quan trọng khi con và cha mẹ tranh luận. Vì là người nhà, nên cha mẹ và trẻ cần thẳng thắn nói hết mọi khúc mắc, dựa trên thái độ lịch sự và tôn trọng. Bên cạnh đó, cha mẹ và con cũng cần hợp tác, cởi mở. Theo Trần Anh, có như vậy, cuộc tranh luận mới thành công, khiến cha mẹ hiểu con hơn, cũng như giải quyết mọi khúc mắc trong lòng của đôi bên. Nhờ đó, khiến mâu thuẫn không kéo dài và "âm ỉ".

Trưởng thành từ phản biện đúng: Khuyến khích con... cãi lý - 1

Cha mẹ có thể cùng con đọc sách để nâng cao vốn từ, tạo tiền đề cho việc phản biện.

Dạy con tư duy phản biện

Theo Chuyên gia Tâm lý học trẻ em Phan Linh, thế giới này không chỉ có đen và trắng. Mỗi chúng ta đều có những nguyên tắc riêng của bản thân. Tuy nhiên, thái độ càng thiếu linh hoạt, chúng ta càng khó khoan dung với sự lựa chọn của người khác.

"Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin và được quyền tự do lựa chọn: Mọi người tự quyết định việc họ tin vào điều gì và lựa chọn điều gì. Điều này tốt nhưng không phải dễ dàng. Khi chúng ta sai lầm, tranh luận và chúng ta lo lắng liệu mình đã chọn sai? Để tự tin hơn, điều quan trọng là học cách suy nghĩ chín chắn hơn. Có nhiều cách đơn giản để chúng ta phát triển tư duy phản biện này, đặc biệt là ở một đứa trẻ".

Để dạy con về tư duy phản biện, phụ huynh có thể giúp trẻ tìm kiếm cả mặt tốt và xấu trong bất kỳ hiện tượng nào. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần cùng trẻ tham gia trò chơi "Có, nhưng…". Trò chơi này dạy tính linh hoạt của tư duy và giúp nhanh chóng tìm ra lý lẽ trong các cuộc tranh chấp. Một người tham gia tìm kiếm lập luận tích cực và người kia tìm kiếm điều ngược lại.

"Một nhà khoa học từng nói, mọi phán đoán của ông sẽ vô nghĩa nếu đem ra khỏi ngữ cảnh. Nếu một tờ báo nào đó giật tít "Nhà khoa học nổi tiếng tuyên bố mọi phán đoán của ông ấy đều vô nghĩa" thì người đọc có phải bị lừa không? Cũng không hẳn. Nhưng nó có phải sự thật không? Chắc chắn là không. Bởi vậy, phản biện là điều cần thiết. Quan trọng là phản biện văn minh chứ không phải tranh cãi rồi hạ bệ, trù dập, thậm chí xúc phạm nhau", bà Phan Linh nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Vi Quỳnh - giáo viên bộ môn FasTracKids STEM tại Hệ thống Giáo dục kỹ năng sống Cara - cho biết, để phát triển kỹ năng sống cho trẻ, cha mẹ cần trang bị kỹ năng tư duy phản biện ngay từ đầu.

"Nhiều phụ huynh suy nghĩ rằng, tư duy phản biện là hay cãi lại lời bố mẹ, nhưng không biết rằng, con đang lập luận theo cách của các con mà bố mẹ vội vàng ngắt lời ngay. Phụ huynh không chịu bớt thời gian để giải thích một vấn đề cho con hiểu và không để con tự mình hiểu ra vấn đề. Phụ huynh thường nói luôn rằng, việc này của con là sai, không đúng hay con phải làm thế này, thế kia", nữ giáo viên chia sẻ.

Do đó, theo bà Vi Quỳnh, cha mẹ cần để con có kỹ năng tư duy phản biện. Như vậy, con sẽ có suy nghĩ rõ ràng, hợp lý và giải quyết vấn đề một cách hệ thống. Để trang bị cho trẻ kỹ năng tư duy phản biện, biết phân tích các vấn đề hợp lý, trước hết, trẻ cần nâng cao vốn từ vựng. Nữ giáo viên chia sẻ, vốn từ vựng là yếu tố đầu tiên để phát triển kỹ năng sống cho trẻ. Khi biết thêm nhiều từ vựng, trẻ có thể hiểu và phân tích nhiều vấn đề. Đồng thời, có khả năng dùng những từ ngữ phù hợp, liên quan đến nhau để giải thích vấn đề.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng được khuyến khích đặt những câu hỏi "tại sao" cho con. Theo bà Vi Quỳnh, câu hỏi "tại sao" góp phần phát triển kỹ năng sống cho trẻ, kỹ năng tư duy phản biện một vấn đề nào đó.

"Hãy luôn ra những câu hỏi tại sao để con suy nghĩ và tìm hiểu vấn đề. Điều đó sẽ làm con nhớ hơn thay vì bố mẹ giải thích luôn. Việc giải thích luôn khiến hạn chế sự tư duy vấn đề của con và trẻ cũng sẽ nhanh quên", nữ giáo viên cho biết.

Cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ đặt câu hỏi lại. Nhiều phụ huynh thường quan niệm rằng, khi trẻ hỏi nhiều, nên phớt lờ và không trả lời. Tuy nhiên, thực tế, hành động đó sẽ hạn chế khả năng tìm tòi, tư duy của con. Thay vào đó, khi trẻ đặt câu hỏi, cha mẹ hãy hướng dẫn con tìm câu trả lời. Đồng thời, cùng thảo luận về vấn đề đó.

"Để rèn luyện tốt kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt là tư duy phản biện, phụ huynh hãy đưa ra những đáp án chưa đúng để con nhận diện được vấn đề và phản biện lại. Bố mẹ hãy dành thời gian chơi với con trò giải câu đố để hiểu thêm về trẻ, tạo dựng tình cảm gia đình và góp phần cải thiện kỹ năng sống cho trẻ. Như vậy, con sẽ dễ dàng phân tích, nhìn nhận những vấn đề xảy ra xung quanh để nhận ra đâu là hợp lý, là đúng và có cách giải quyết", bà Vi Quỳnh gợi ý.