Từ clip cô gái quỳ gối, lo lắng về bài học dạy con "sai thì nhận lỗi"
(Dân trí) - "Sự dã man đến mất hết nhân tính của gia đình chủ shop thì tôi không còn muốn bàn, nhưng tôi thật lo lắng cho bài học chúng ta vẫn thường dạy con...".
Tôi là một người mẹ, mấy ngày nay dư luận chấn động chuyện quay clip làm nhục người khác tại shop quần áo M.H ở Thanh Hóa. Sự dã man đến mất hết nhân tính của gia đình chủ shop thì tôi không còn muốn bàn, nhưng tôi thật lo lắng cho bài học chúng ta vẫn thường dạy con.
Một đứa trẻ ngay từ khi còn nhỏ đã luôn được cha mẹ uốn nắn rằng: Làm sai thì phải biết dũng cảm nhận sai, phải nói lời xin lỗi.
Trẻ con có lỗi lầm của trẻ con, người lớn có sai lầm của người lớn, là con người không ai không có lúc mắc sai lầm, là người phàm mang trong mình đủ hỷ nộ ái ố, có suy nghĩ, có cảm xúc nên ai cũng sẽ có những hành động sai lầm khi ý chí và con tim ở một thời điểm nào đó đưa ra một quyết định sai. Tôi vẫn dạy con rằng: "Dù con có làm gì sai, điều đó không đáng trách bằng việc con sau đó không dũng cảm thừa nhận mình sai, nhận trách nhiệm cho những gì mình đã làm và không biết nói lời xin lỗi khi từ sai lầm của con gây tổn hại, tổn thương, ảnh hưởng đến người khác".
Phần lớn những khi con cái làm sai và biết nhận lỗi, biết nói lời xin lỗi, chúng ta sẽ chọn cách bỏ qua cho con, ngợi khen con vì lòng dũng cảm biết thừa nhận lỗi và nói lời xin lỗi. Một hình phạt cho lỗi sai của con là điều cần thiết phải đưa ra, nhưng nó luôn là hình phạt phù hợp ở mức vừa đủ để con ghi nhớ, ví dụ như vì con đã phạm lỗi, con sẽ phải đảm nhận công việc đổ rác, rửa bát, dọn phòng, vốn dĩ thường ngày con không làm, hoặc bị tước đi một hoạt động yêu thích của con như không xem hoạt hình vào buổi tối, không được ăn gà rán vào cuối tuần...
Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, cách dạy con trong gia đình như vậy thật lý tưởng khi thấy con cái mình ngoan, ít phạm lỗi và nếu phạm lỗi thì không ngần ngại nói lời xin lỗi và nhận trách nhiệm về mình.
Thế nhưng, sau sự việc cô gái quỳ gối khóc lóc van xin ở shop quần áo vẫn không được tha, bị cắt tóc, làm nhục vì tội cô bé gây ra là ăn cắp món đồ có giá 160 ngàn đồng, thì tôi thật sự rất lo lắng.
Tôi đã đặt câu hỏi rằng, bài học về lòng trung thực tôi dạy con có đúng hay không? Con tôi thấy gì khi những điều mẹ dạy khác xa với thực tế ngoài xã hội, nơi người ta cư xử "hổ báo cáo chồn" mà không còn cần phân biệt đúng sai, mức độ, đến mức vô pháp vô thiên? Nó sẽ xin lỗi và nhận lỗi, để nhận về sự trừng phạt khủng khiếp, dã man, mọi rợ, thiếu tính người hơn rất nhiều so với hình phạt lẽ ra nó xứng đáng phải nhận và đã sẵn sàng đối đầu trước khi quyết định nói lời xin lỗi như vậy hay sao?
Tôi không có ý bênh vực cô bé đã ăn cắp món đồ. Dù thế nào, trộm cắp vẫn là sai. Không thể mang cái khó, cái nghèo ra để ngụy biện cho hành vi trộm cắp, vì đâu phải cứ nghèo thì đi ăn cắp và được chấp nhận. Cô bé sai thì phải chịu phạt, không viện cớ ngụy biện, không thương cảm bỏ qua, nhưng hình phạt như thế nào phải tương xứng với sai lầm như thế đó. Cách "trừng phạt" của chủ shop là cách của bầy tham, là tống tiền, làm nhục và xâm hại thân thể người khác.
Không thể lấy cái sai này để sửa chữa một cái sai khác, cho nên hành vi làm nhục, trừng phạt người khác vô nhân tính như vậy là không thể chấp nhận được, không thể tồn tại được trong một xã hội tốt đẹp, văn minh.
Mọi đất nước đều có luật pháp, mọi xã hội đều có những quy tắc, chuẩn mực đạo đức không thể phá bỏ, đó là nền tảng cho sự hình thành cộng đồng người, khiến chúng ta khác với loài vật. Tôi mong những bài học về lòng trung thực, dũng cảm mình đã dạy con không phải thay đổi hay xóa bỏ vì những chuyện đau lòng thế này, để các con lớn lên vẫn hiểu và tin rằng lòng trung thực là điều chúng ta luôn cần có. Con người ai cũng mắc sai lầm, sai lầm đến đâu nhận trách nhiệm đến đó và dũng cảm thừa nhận trách nhiệm là cách chúng ta bước qua những sai lầm để không bao giờ lặp lại sai lầm đó một lần nữa.