Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10

Suy ngẫm về “Phúc đức tại mẫu”

(Dân trí) - “Muốn giáo dục một đứa trẻ, thì phải giáo dục 20 năm trước khi đứa bé đó chào đời”. Người mẹ có ảnh hưởng rất lớn với con cái, không chỉ chăm bẵm nuôi dưỡng mà còn dạy dỗ. Trong gia đình, nếu cha là nóc che nắng mưa thì me là cái nền vững chắc cho con đứng vững từ những bước chập chững đầu đời.

Chín tháng mười ngày mang con trong dạ, đến khi chào đời, ôm ấp bú mớm nâng niu… những điều đó đã làm cho vai trò làm mẹ của người phụ nữ trở thành mật thiết, gắn liền với cuộc sống người con hơn.

 

Ngay từ khi em bé bắt đầu hoài thai, em đã mang trọn vẹn những gì mà cha và mẹ cho mình. Từng ngày, và từng giờ em lớn lên, sống bằng những dòng máu nóng của mẹ, và ảnh hưởng từng hơi thở, lời nói, hay một tác động nhỏ của mẹ.

 

Khi lọt lòng, dù em chưa nhìn thấy mẹ là ai, nhưng bản năng đã chỉ cho em biết rõ ràng chỉ có một người nào đó mới chính là mẹ em. Mũi em đánh hơi thấy mẹ, tay em quờ quạng, môi em hé mở nuốt dòng sữa thơm tho chắt chiu từ mẹ, nguồn cung cấp cho em sinh lực đầu đời. Và rồi em hoàn toàn lệ thuộc vào người ấy. Đó cũng là sức mạnh vô hình và siêu việt của người mẹ.

 

Người Việt Nam có câu: “Phúc đức tại mẫu”. Phúc đức, theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt là “điều tốt lành để lại do con cháu do ăn ở tốt, theo quan niệm truyền thống”. Con cái được thừa hưởng điều tốt lành, may mắn từ người mẹ, do cách ăn ở cư xử, sự gương mẫu, cách giáo dục của người mẹ mà ra. Người mẹ chính là thầy dạy đầu tiên của việc hình thành nhân bản nơi đứa con.

 

Mẹ tôi năm nay đã hơn 60 tuổi. Tốt nghiệp trường Sư phạm trong những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt, bà xung phong về nơi tuyến lửa Quảng Bình, nơi các em đi học dưới mưa bom. Lăn lộn với học sinh, ngoài những giờ dạy dưới công sự, bà còn đến nhà các em động viên không bỏ học, vá áo, tết mũ rơm nguỵ trang. Bà còn trích cả lương giáo viên mua giấy bút, gạo, cá khô cho các em khó khăn, có người thân bị mất bởi bom Mỹ.

 

Sau này, rời khỏi mảnh đất nắng gió ấy đã hơn ba mươi năm, từng cô chú học sinh ấy vẫn còn tìm về chơi thăm mẹ. Tôi bị tai nạn bất ngờ, phải vào TPHCM chữa trị, chăm tôi, gửi gắm các bác sĩ giỏi cho tôi là một chú học sinh cũ của mẹ, nay giữ một trọng trách có điều kiện được nhiều người biết đến.

 

Đôi mắt chú vẫn rưng rưng khi nhớ lại những ngày xa xưa khi còn là một chú nhóc lội bùn, nhà cửa tan hoang bởi bom, tưởng phải bỏ học. Mọi người cùng nằm phòng bệnh viện với tôi đều tưởng chú là chú ruột, khi nghe kể chỉ là học sinh cũ của mẹ đều ồ lên cảm động.

 

Lấy chồng, làm vợ rồi làm mẹ, tôi thấm nhuần bài học giản dị mà sâu sắc ấy. Làm gì tôi cũng nghĩ tới con, không biết tôi hành động như thế này có ảnh hưởng gì đến con không? Có thể khi đã lớn, con trai tôi cũng không biết mẹ nó đã suy nghĩ trăn trở từng li từng tí như thế nào. Để khi dạy con, mình không tự ngượng với chính bản thân mình. Có những trục trặc nhỏ với gia đình chồng, tôi tự nhủ đấy là ông bà nội, cô chú, anh em của con mình… để liệu đường cư xử an hòa.

 

Tôi cố gắng đi học thêm nhiều thứ, còn chăm chỉ hơn thời con gái, để nâng cao trình độ bản thân mình, để con nhìn vào thấy mẹ vẫn học mà chăm chỉ học hành. George Herbert đã viết một câu rằng: "Một bà mẹ tốt thì giá trị hơn cả trăm ông thầy!".

 

Còn tôi, tôi nhớ đến mẹ mình, tôi lại nhớ đến lời Thánh Alphônsô Ligouri, sáng lập Dòng Chúa cứu thế: “Tất cả những gì tôi có, đều do mẹ tôi ban cho”. Phúc đức tại mẫu, một chân lý ở mọi nơi, mọi tôn giáo đều không bao giờ cũ.

 

Vòng quay truyền thống của thương yêu và sự hy sinh cao cả của những người mẹ đóng góp cho đời những tác phẩm tuyệt vời của mình - những người con, truyền giữ được giống nòi, giữ được văn hóa, giữ được truyền thống của dân tộc.

 

Hạnh Chi

Dòng sự kiện: 20/10/07