Ở một xóm “vợ chồng”

(Dân trí) - Những khu nhà trọ gồm khoảng 10-20 phòng, mỗi phòng là một cặp sinh viên độ tuổi cuối 8X đầu 9X sống với nhau như vợ chồng, tất nhiên là không hôn thú, tôi gọi đó là xóm “vợ chồng”. Vì muốn “mắt thấy tai nghe”, tôi lân la đến một xóm như thế hỏi thuê phòng…

Vạn sự khởi đầu nan!

 

Khu Mỹ Đình (Hà Nội) là nơi tập trung đông những xóm “vợ chồng”, bởi ở đây cách xa trung tâm thành phố và xa các trường Cao đẳng, Đại học. Đã là luật bất thành văn, các đôi “vợ chồng” sinh viên luôn… tế nhị chọn những nơi xa trường để ở. 

 

Quanh Mỹ Đình, các khu nhà trọ nằm rải rác, khoảng 10-20 phòng một dãy, giá cũng vừa phải, trung bình khoảng 400 ngàn/1phòng. Tôi dễ dàng tìm được một xóm “vợ chồng” còn phòng trống. Chủ nhà là một người đàn ông hiền lành, phúc hậu, tóc đã bạc trắng quá nửa. Đã quá quen với cảnh những cặp “vợ chồng” sinh viên “dắt díu” nhau đi tìm nhà, ông chủ có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi chỉ đi một mình.

 

Xóm trọ có hai dãy phòng quay mặt vào nhau, mỗi dãy 7 phòng. Căn phòng trống dành cho tôi ở cuối dãy bên phải, gần khu vệ sinh chung, mùi ẩm thấp xộc ra từ cánh cửa gỗ cũ. Những gương mặt ngó ra từ những căn phòng tối, hầu như phòng nào cũng có đôi! Có đôi đang chải tóc cho nhau, có đôi “hồn nhiên” nằm ôm nhau xem TV, có đôi lại chòng ghẹo nhau cười khúc khích…

 

Sáng sớm khung cảnh xóm trọ tấp nập hơn nhiều buổi chiều hôm trước. Một số anh “chồng” đã đi học. Các cô “vợ” tụ tập trước bể nước chung rôm rả giặt giũ, nhặt rau, mổ cá chuẩn bị cho bữa trưa.

 

Vui ngày chưa đủ…

 

Mười bốn căn phòng của xóm trọ thì có tới tám đôi “vợ chồng” sinh viên, một đôi vợ chồng là học sinh lớp 13 mới vừa thi ĐH lần thứ 2 hiện đang đợi kết quả, ba phòng còn lại “nguyên chất” hơn - hai phòng hai nam sinh, một phòng hai nữ sinh, một phòng trống và một phòng còn lại thuộc sở hữu tạm thời của tôi.

 

Các cặp “vợ chồng” hầu hết đều là sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học. Chỉ có một cặp của phòng số 8 là vừa ra trường và chưa xin được việc làm. Không hiểu vì năm học vừa mới bắt đầu hay vì việc học không còn quan trọng mà thấy đa số họ cả ngày ở nhà… ôm nhau và buôn chuyện. 

 

Khoảng thời gian đông vui nhất trong ngày tập trung vào hai bữa cơm trưa, chiều. Lúc ấy, các cặp “vợ chồng” mới chịu “xuất đầu lộ diện” ra khỏi căn phòng cả ngày khép cửa im ỉm. 4h chiều, các “vợ” mở cửa phòng, sửa lại mái tóc bù rối, sửa lại trang phục trễ nải, chuẩn bị đi chợ cho bữa tối.

 

Trong môi trường “đồng cảnh”, các “vợ” sống khá hoà thuận với nhau, “chị chị, em em” ngọt ngào, ríu rít rủ nhau chợ búa, trên mình “xúng xính” những phục trang “siêu ngắn, siêu trễ” theo đúng tiêu chí “không còn gì để mất”.

 

Lúc này, các anh “chồng” mới uể oải ra cửa. Anh “chồng” phòng số 5 (sau này tôi hỏi mới biết sinh năm 1985) mặt búng ra sữa, dường như vừa ngủ dậy, tóc dựng như tổ quạ, ngồi bệt xuống cạnh cửa làm một hơi thuốc lào đầy khoan khoái. “Tổ quạ” còn đang “phê” thì những cánh tay khác đã chìa ra khỏi những cánh cửa các căn phòng tối, giọng gần như đồng thanh “Tao mượn cái!”.

 

Người “chồng” phòng số 8 vừa tốt nghiệp Đại học Lao động - Xã hội, chưa xin được việc làm, được xem là “cao lão” của xóm. “Cao lão” dáng người gầy yếu, sinh năm 1982 - quê ở Nam Định. “Vợ” của “cao lão” bằng tuổi, học cùng trường, hai người yêu nhau từ năm thứ 2, sau 6 tháng tìm hiểu, hai người đã quyết định dọn về ở chung. Hiềm một nỗi, cả hai “vợ chồng” đều nghèo, trợ cấp gia đình ít ỏi, “tổ ấm” của đôi uyên ương tuềnh toàng, không có đồ đạc gì đáng kể ngoài chiếc bếp ga du lịch dùng để nấu nướng và… chiếc giường (của gia chủ).

 

Ra trường, thất nghiệp, hai “vợ chồng” càng túng thiếu hơn, bữa cơm, bữa mì tôm. Tình yêu không được lương thực nuôi dưỡng, những trận cãi vã bắt đầu nảy sinh ngày một nhiều…

 

Người “chồng” phòng số 2, được xem là trẻ nhất, mới sinh năm 1986 - đang là sinh viên năm thứ 2 Trung cấp Cơ điện, tên thường gọi là L. “Vợ” của L cũng là một sinh viên hiện đang học Cao đẳng Du lịch, quê ở Thanh Hoá, sinh năm 1987. Nhưng, “vợ” L vẫn chưa phải là trẻ nhất.

 

Giữ ở vị trí “top” đầu về tuổi tác là, Phương N- sinh năm 1988, vừa thi lại ĐH lần hai. Phương N (quê ở Hải Phòng) lên Hà Nội ôn thi chưa được một năm nhưng đã kịp “rinh” về được một anh “chồng” (sinh năm 1984).

 

Hai “vợ chồng” N từ buổi quen nhau đến khi dọn về ở cùng chỉ vỏn vẹn có bốn tháng. Cuộc sống “góp gạo thổi cơm chung” của hai người ôn thi chẳng còn gì rỗi rãi bằng! Cùng ôn thi một lớp, nên chỉ cần “vợ” hoặc “chồng” đi học, chiều về xem chung một vở, lại tiết kiệm được một khoản tiền học kha khá. Không hiểu mật độ đến lớp của họ ra sao, ôn thi thế nào mà đến thời điểm này khi tất cả các trường đã công bố điểm thi, thì cả hai vợ chồng N vẫn “tuyên bố” với cả xóm là họ chưa biết kết quả!

 

Lại vui đêm…

 

Bữa tối vừa kết thúc, các anh “chồng” tụ tập nhau lại rủ rê một bữa nhậu ra trò dưới ánh trăng cho lãng mạn! Chỉ một loáng, cổ cánh vịt và rượu trắng đã được mua về. Các anh “chồng” quây quần bên chiếc chiếu, các chị “vợ” ríu rít bên cạnh… hầu rượu, chuyện trò.

 

Các chén rượu nâng lên rồi hạ xuống cùng với đủ những câu chuyện trên trời dưới bể, từ việc giá cả, chợ búa, đến những “dự án” lô đề hoành tráng sẽ đầu tư ra sao, từ việc tiền tiêu túng thiếu, đến việc “sinh hoạt” của các cặp “vợ chồng” trẻ được đưa ra đàm đạo sôi nổi…

 

Đang mải mê nghe ngóng những câu chuyện, tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng gõ cửa. Trước mặt tôi là cô bé học lớp 13 Phương N, tôi chưa kịp nói gì thì cô bé đã bước vào phòng. “Chị ơi, chết em rồi, sáng mai mẹ em lên, chỉ lên một ngày thôi, chị cho em ở nhờ một ngày nhé. Mẹ em về, em sẽ về bên phòng ngay”. Tôi chưa kịp phản ứng thì N lại liếng thoắng “Em chỉ mang ít quần áo, đồ đạc sang thôi, chị yên tâm, mẹ em không biết đâu. Em toàn dùng “chiêu” này thôi mà! Chị nhé”. Tiến thoái lưỡng nan, tôi đành gật đầu. 

 

Sau bữa tiệc rượu, các anh “chồng” mặt đỏ gay trở về phòng. Những tiếng nhạc bắt đầu vang lên với “volume” vặn hết cỡ. Các tình ca ảo não, những bản nhạc sôi động, và các ca khúc nhạc chế theo phong cách “vì tôi đẹp trai nên bao cô đã có thai” ầm ĩ, sôi nổi không kém bữa tiệc rượu.

 

Ở xóm “vợ chồng” các hoạt động diễn ra khá khuya. Một, hai giờ sáng không gian mới tĩnh lặng. Đó cũng là lúc có những “âm thanh” lạ xuất hiện. Sáng mai ra, cô lao công dọn rác cho xóm luôn mồm ca thán “Khiếp thật, khu trọ chúng mày sao mà ngày nào cũng nhiều… bao cao su thế”.

 

Trong số họ, mỗi cặp “vợ chồng” là một câu chuyện tình yêu khác nhau, là một hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng ở họ cũng có những điểm chung dễ nhận diện: đa số họ đều là sinh viên đến từ các tỉnh xa, hầu hết vẫn sống bằng tiền trợ cấp từ gia đình. Những quan niệm về trách nhiệm gia đình, về tương lai đối với họ là một điều gì đó khá xa vời!

 

Bài và ảnh: Hào Hoa
(còn tiếp)

 

Kỳ 2: Bao nhiêu hạnh phúc sẽ nảy mầm?

Dòng sự kiện: Sống thử