Nói với con gái

(Dân trí) - “Có con gái như có… bom nổ chậm trong nhà” - Hàm ý câu nói có lẽ xuất phát từ nỗi lo con gái... “tầm bậy” rồi làm xấu mặt gia đình. Nhiều bậc cha mẹ đã quản lý con rất chặt, nhiều khi theo dõi, đọc trộm nhật ký, rầy la con vô cớ. Đó chưa phải cách thực sự tâm lý mang lại “sức đề kháng” cho con.

Thay đổi trong cơ thể

 

Chị Hoa có cô con gái đang vào tuổi dậy thì. Con bé mới ngày nào còn vô tư vòi mẹ tiền ăn quà nay bỗng dưng… thích soi gương ngắm nhìn cơ thể, có lúc lại nhoẻn cười một mình.

 

Mới đầu chị khá lo, nhưng sau nghe chị bạn khuyên: “Em cứ nhỏ nhẹ gần gũi con, chia sẻ với con những hiểu biết, kinh nghiệm mình đã trải qua. Con nó khi thấy sự đồng cảm, chia sẻ nhẹ nhàng của mẹ chắc chắn sẽ yên tâm bước vào tuổi dậy thì với những biến đổi trong cơ thể một cách thoải mái”.

 

Chị Hoa về nhà “thực tập” ngay. Chị gần gũi con, nhỏ to tâm sự, nói gần nói xa về cái thời 14 -15 của mình. “Hồi mẹ bằng con bây giờ tự dưng có những biến đổi lạ lắm. Nhất là lần đầu có kinh, lo lắng đến mất ngủ. Mẹ còn giấu bà ngoại đem… thủ tiêu “vật chứng”.

 

Nhưng đó không phải là bệnh con gái ạ, chuyện bình thường thôi. Khi người ta bắt đầu thành thiếu nữ, buồng trứng hoạt động, và theo chu kỳ mỗi tháng trứng sẽ rụng một lần nếu không được thụ tinh. Khi đó sẽ có hiện tượng chảy máu… Con cứ yên tâm nhé”.

 

Sự cởi mở chân thành và gần gũi đúng lúc của chị Hoa đã giúp cô con gái yên tâm và đỡ ngại hơn nhiều. Có khi cô bé còn rủ mẹ đi mua… “phụ tùng” cho tuổi dậy thì nữa.

 

Chị Minh Nguyệt, cũng từng là “bác sĩ” riêng của con gái, bộc bạch: “Mình là mẹ mà ngại không nói với con những biến đổi cơ thể tuổi mới lớn thì ai nói? Mà không nói thì sao con biết được. Rồi nó sẽ lo lắng, tìm hiểu những thông tin ở đâu đâu…”

 

Ngay khi con gái sắp bước vào tuổi dậy thì với những thay đổi trong nói năng, có đôi chút bốc đồng, chị Nguyệt đã mua ngay sách dành cho tuổi mới lớn về xem, đọc hiểu và bắt đầu làm “chuyên gia” cho con gái.

 

Chị bớt la mắng con như lúc con còn nhỏ, vì hiểu con đang thích thể hiện mình là người lớn. Đồng thời, chị nói cho con những biểu hiện cơ thể khi bước vào tuổi dậy thì. Con gái nghe, hiểu và bắt đầu kể cho chị nghe khi mình có kinh, khi cơ thể thay đổi và chính chị là “bác sĩ” giúp con gái vệ sinh, chăm sóc sức khỏe.

 

Rung cảm đầu đời

  

Chị Ngọc cũng là người chọn dạy con tuổi cập kê bằng cách nói nhỏ, bày dạy cho con những biện pháp phòng ngừa bệnh phụ khoa, bệnh qua đường tình dục, thậm chí phòng tránh thai.

 

Chị cho biết: “Chúng ta cứ nghĩ nói những điều đó với con là “vẽ đường cho hươu chạy”, còn cấm con tiếp xúc với những cụm từ tình dục, bao cao su… Nhưng càng cấm con nó càng tò mò, rồi có khi lại… thử. Thử trong khi không biết một tí gì về kiến thức giới tính quả là nguy!”.

 

Vì lẽ đó, chị Ngọc quyết định làm “chuyên gia tư vấn” tâm sinh lý cho con. Chị không lục cặp, không xem trộm nhật ký của con mà quan sát những thay đổi trong tính tình, ví như con hay mơ mộng, hay có những lúc “suy tư” bất thường… từ đó chị dành thời gian rảnh rỗi để nhỏ to tâm sự.

 

Chị hỏi: “Có phải con đang thích bạn trai nào không?”. Tiếp đó chị chia sẻ “con gái đôi lúc thích bạn khác giới là bình thường, hồi xưa mẹ cũng vậy” cho con thấy mình cũng là… đồng minh, rồi sau đó phân tích: “Tuy nhiên, bây giờ con còn đi học. Những “rung rinh” đầu đời ấy có thể nuôi dưỡng nhưng đừng “sống chết” với nó. Con nên nói với bạn cùng lo học, cùng tiến, con ạ”.

 

Chị Ánh Dương cũng đồng quan điểm: “Nói cho con hiểu để chúng tự điều tiết, phòng tránh “tai nạn”. Vậy tốt hơn là mình cứ nơm nớp lo sợ, quản lý, hoặc có lúc vi phạm đời tư của con. Tuổi mới lớn, con cái cần bố mẹ chia sẻ, thông cảm, chỉ dạy cho chúng như những người bạn…”.

 

Đừng sợ “vẽ đường cho hươu chạy”, vì đằng nào bọn trẻ đến tuổi cũng sẽ “chạy” thôi. Thà vẽ cho đúng đường còn hơn để chúng quàng xiên vào bụi rậm, hậu quả càng khó lường!

 

Lưu Mạnh Khôi

Dòng sự kiện: Nuôi dạy con cái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm