Lạ lùng thế hệ "ngại bắt chuyện" nhưng luôn than "mình ế"

Nguyên An

(Dân trí) - Không ít bạn trẻ vì "sợ quê" mà không bắt chuyện với người lạ trong lần đầu gặp mặt. Chính tâm lý ấy khiến nhiều bạn tuột mất cơ hội phát triển mối quan hệ yêu đương.

Khi những nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện và ngày càng thuận tiện cho việc giao tiếp trên không gian ảo thì lại có rất nhiều bạn trẻ bỗng nhiên gặp tâm lý "ngại bắt chuyện" khi gặp gỡ người lạ ngoài đời thực. 

Vô tình, tâm lý ấy khiến các bạn trẻ khó có được mối quan hệ yêu đương từ những người có cơ hội gặp mặt trực tiếp. Không phải là tất cả các bạn trẻ đều có chung xu hướng này nhưng đa phần, ngày càng nhiều bạn trẻ có tâm lý "ngại bắt chuyện". Cùng tìm hiểu qua một vài chia sẻ của thế hệ Gen Z để xem các bạn nghĩ gì về việc chủ động bắt chuyện khi gặp gỡ người lạ nhé. 

Dù tự thấy bản thân là một người dễ gần và hòa đồng, chính chàng trai Bằng Giang cũng có tâm lý không thích bắt chuyện trước với người khác trong lần đầu gặp gỡ.

Bằng Giang chia sẻ: "Cá nhân mình không thích bắt chuyện trước bởi mình lo ngại bị người ta "bơ" thì quê lắm, đó là cảm giác bị coi thường hoặc gì đó rất khó diễn tả. 

Mình nhận thấy khá nhiều người cho rằng, chủ động mở lời trước thể hiện vị thế thấp hơn, mất giá hơn nên nhiều người cũng ngại bắt chuyện chứ không riêng gì mình". 

Lạ lùng thế hệ ngại bắt chuyện nhưng luôn than mình ế - 1

Bằng Giang có những chia sẻ thực tế về tâm lý "ngại giao tiếp". 

Đó là một phần nguyên nhân khiến chàng trai 9x không thích bắt chuyện với người lạ. Bằng Giang luôn tin rằng, những mối quan hệ sẽ phát triển tốt hơn nếu bắt đầu từ ngoài đời thực. Trò chuyện trên mạng có thể dễ dàng hơn nhưng câu chuyện lại thường chẳng đi đến đâu.

Vận dụng kiến thức tìm hiểu khi theo học ngành Xã hội học (Trường Đại học KHXH & NV), Bằng Giang nhận định: "Mình cho rằng, truyền thông đại chúng xây dựng nên những hình tượng tốt đẹp khiến sự tự nhìn nhận bản thân trở nên yếu kém hơn đồng thời kỳ vọng về đối phương cũng như mối quan hệ lãng mạn mang tính lý tưởng hơn.

Bây giờ chúng ta có nhiều thú vui, nhiều vấn đề cần lo toan hơn, áp lực tiền bạc, công việc... Làm thế hệ Gen Z mình ngại xây dựng mối quan hệ yêu đương, điển hình như lối sống độc thân ở Nhật Bản và một số nước phương Tây. Bên cạnh đó, rất nhiều bạn ngại bắt chuyện bởi lý do kỹ năng giao tiếp chưa được tốt, lười, ngại giao tiếp", Bằng Giang chia sẻ. 

Chính vì vậy, tâm lý ngại bắt chuyện cũng có thể làm giảm đi cơ hội phát triển mối quan hệ xã hội của nhiều bạn trẻ. Chàng trai 9x cũng cho biết thêm, bản thân sẽ chủ động trò chuyện và làm quen với người lạ nếu người đó tạo cho cậu một ấn tượng đặc biệt và khi đó một cuộc trò chuyện sẽ là cơ hội để cả hai hiểu rõ và phát triển mối quan hệ. 

Cũng có chung tâm lý "ngại bắt chuyện" dù đã bước vào mối quan hệ yêu đương 2 năm nay, bạn trẻ Vũ Linh Ngân chia sẻ: "Mình thấy khá vui nếu được ai đó bắt chuyện trong lần đầu gặp gỡ. Nhưng bản thân mình vì chưa hiểu rõ về đối phương nên sẽ có sự rụt rè đề phòng với người lần đầu gặp mặt.

Hơn nữa hiện nay, đa phần các bạn trẻ đều lựa chọn việc trao đổi giao tiếp qua mạng xã hội, dẫn đến các kỹ năng giao tiếp, tạo lập mối quan hệ ở ngoài đời bị hạn chế". 

Lạ lùng thế hệ ngại bắt chuyện nhưng luôn than mình ế - 2

Linh Ngân cho biết mình sẽ cảm thấy khá vui nếu được ai đó bắt chuyện trong lần đầu gặp gỡ.

Theo quan sát riêng của Linh Ngân, khá nhiều bạn bè của cô cũng có chung một tâm lý ngại giao tiếp, ngại bắt chuyện và tạo lập mối quan hệ mới ngoài đời nhưng vẫn thường xuyên tự hỏi: "Sao mãi không có người yêu?". 

Quan hệ tình cảm hình thành từ sự tương tác lâu dài, ổn định giữa các chủ thể. Khi bản thân không mở lòng, ngại giao tiếp thì sẽ không có bất kỳ sự liên kết nào xảy ra.

"Việc "ngại bắt chuyện" như một cách tự gói bọc lại cơ hội tìm đối tượng phù hợp để yêu đương.  Giống như khi đi tìm việc, khi mà không thử mở lòng và trải nghiệm từ việc này đến việc kia thì sao biết mình giỏi về cái gì", Linh Ngân bày tỏ.

Từng rơi vào cảm giác hối tiếc khi không mở lời trò chuyện với đối phương khi có cơ hội gặp gỡ nhưng cô gái trẻ Lê Phương Thảo vẫn không thể thay đổi tâm lý "ngại bắt chuyện" của bản thân. 

"Mình cảm giác rất khó mở lời. Từ xưa đến nay quan điểm của mình vẫn là con trai nên chủ động trước, nên mình rất hiếm khi chủ động và rất ngại khi mở lời trước. Hơn nữa mình thấy con gái ở một khía cạnh nào đó khi chủ động thì khá là "mất giá", Thảo chia sẻ. 

Lạ lùng thế hệ ngại bắt chuyện nhưng luôn than mình ế - 3

Phương Thảo chia sẻ, cô nàng ngại bắt chuyện vì sợ... "mất giá". 

Thảo cũng nghĩ rằng, tâm lý "ngại bắt chuyện" giống như rào cản khiến cô nàng khó tìm được mối quan hệ yêu đương. Không chỉ các bạn nữ mà ngay cả các bạn nam cũng có tâm lý tương tự.

"Mặc dù có những lúc gặp đối tượng rất thích nhưng vì lý do "con gái" nên không dám bắt chuyện. Đôi khi bạn trai cũng có cảm tình trong lần đầu gặp mặt nhưng cũng ngại chủ động với mình. Nhưng dù sao mình cũng vẫn mong muốn người bạn trai chủ động thì sẽ "bật đèn xanh" trước", Phương Thảo cười nói. 

Là một người nói khá nhiều và dễ gần nên bạn Ngô Nam Anh thường chủ động bắt chuyện với những người xung quanh trong lần đầu gặp mặt. "Có thể do mình đã quen đứng trước đám đông nên không có tâm lý ngại bắt chuyện. Tuy nhiên mình thấy xung quanh cũng có khá nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z không thích mở lời. Nhưng nếu không mở lời làm sao chúng ta biết có trò chuyện hợp hay không nhỉ? Mình rất thắc mắc". 

Lạ lùng thế hệ ngại bắt chuyện nhưng luôn than mình ế - 4

Ngô Nam Anh thường chủ động bắt chuyện với những người xung quanh.

Nếu là những người bình thường xung quanh thì mình cứ cởi mở bắt chuyện thôi, tính tình vốn dĩ hòa đồng. Nhưng nếu đó là người mình có cảm tình thì chắc chắn là mình cần đắn đo một chút để làm sao người ta có thiện cảm với mình", Nam Anh chia sẻ. 

Còn bạn, bạn có đang mong muốn có được mối quan hệ yêu đương nhưng lại gặp tâm lý "ngại bắt chuyện" không? Theo bạn, tâm lý "ngại bắt chuyện" có phải là rào cản khiến bạn mất đi nhiều cơ hội có được mối quan hệ tốt đẹp? Cùng chia sẻ ở phần bình luận nhé!