Hậu hoạ từ hủ tục
(Dân trí) - Đứa con gái thứ hai nhà anh Thành vừa định cầm miếng đùi gà luộc ở trên đĩa, chợt nghe tiếng quát giật giọng của bố: "Mày làm cái gì đấy? Miếng đùi đó để phần cho thằng cu. Phải nhường nó chứ". Con bé tiu nghỉu bỏ xuống và đi ra ngoài.
Những chuyện như vậy bắt đầu xảy ra trong gia đình này kể từ khi vợ anh sinh được thằng cu.
Sau 5 năm, vợ chồng anh Thành sinh được hai cô con gái thật xinh xắn, ngoan hiền. Tưởng như đó là điều may mắn mà ông trời đã ban tặng cho gia đình họ, nào ngờ, vừa sinh đứa thứ hai vẫn là con gái, anh Thành và bố mẹ chồng đã tỏ thái độ chán chường. Họ bắt vợ anh phải sinh tiếp đứa nữa để có thằng chống gậy, nối dõi tông đường.
Và "phúc bảy mươi đời", theo cách nói của gia đình nhà chồng, vợ anh đã sinh được một đứa con trai. Nhưng cũng kể từ khi có đứa con nối dõi ra đời, thì mọi sự quan tâm của bố mẹ chỉ đổ dồn cho nó.
Từ ăn đến mặc, cái gì thằng cu cũng được ưu tiên số một. Thậm chí cả khi ba chị em chơi đùa với nhau, hễ thấy thằng bé khóc là thể nào bố mẹ chúng cũng đổ tại cho hai đứa con gái. Nào là không biết trông em, không biết nhường em...
Thế là từ chỗ quý em, hai đứa chị đã quay sang ghét em vì cho rằng chính sự ra đời của em khiến chúng không được bố mẹ yêu quý như trước nữa. Kết quả học tập của hai chị em cũng giảm sút rõ rệt...
Trong cuộc sống hiện nay, không khó để nhận ra sự khao khát thèm muốn có con trai của nhiều gia đình, nhất là những gia đình đã có tới hai, thậm chí ba cô con gái. Quan niệm trọng nam khinh nữ không phải chỉ thấy ở các vùng quê nông thôn mà ngay cả thành thị cũng vậy và có ở đủ các tầng lớp.
Bất chấp những rào cản từ nơi công tác, nhiều gia đình cán bộ, công chức vẫn quyết tâm sinh được thằng con trai. Thậm chí họ còn nhờ bác sỹ tính toán rồi dùng siêu âm để kiểm tra. Nếu đó là con trai thì cho đẻ, còn là con gái thì bỏ.
Dù đã bị lên án rất nhiều, song dường như vấn đề cư xử của người lớn đối với trẻ con xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ đã không được nhắc đến.
Trong khi đó, theo một số chuyên gia tâm lý, nếu người lớn đem tư tưởng đó nhồi nhét vào đầu con trẻ thì hậu quả rất nặng nề và không chỉ có hại cho lũ trẻ bây giờ mà cả về sau.
Khi những đứa trẻ lớn, chúng cũng sẽ theo tư tưởng của bố mẹ, phải quyết tâm có con trai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc con số chênh lệch về giới tính ở Việt Nam không dừng lại ở 110/100 như hiện nay.
Lan Hương