Bà ngoại bật khóc vì câu nói của thông gia giàu có

Tôi vừa và miếng cơm vào miệng thì bà thao thao bất tuyệt: "Ôi con bé này nó giống bố nên trán cao thông minh, mắt to. Bé mà giống mẹ thì chán chết, vừa xấu vừa dốt, lương chỉ đủ xăng xe với ăn vặt".

Tôi lấy chồng theo sự mai mối của cô chú, 2 vợ chồng tìm hiểu được khoảng nửa năm thì cưới. Chồng tôi làm công trình, nay đây mai đó còn tôi là nhân viên hợp đồng ở trường học.

May mắn là bố mẹ chồng cho chúng tôi căn chung cư nên tôi không phải lâm vào cảnh ở nhà thuê như nhiều người bạn lập nghiệp giữa thủ đô đắt đỏ này…

Tôi thấy mình lấy được người có nghề nghiệp đàng hoàng, có nhà cửa thì rất mừng chỉ việc lo phấn đấu kiếm tiền nuôi con. Nhưng thực tế sự đời nào có như mơ. Căn chung cư có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách của hai vợ chồng tôi thường xuyên có em trai chồng, chị chồng tới ở cùng cho vui.

Hôm nào chồng tôi về thì em chồng trải đệm nằm phòng khách. Hễ tôi có nói điều gì lỡ lời là chị chồng, em chồng gọi điện về mách ngay với mẹ chồng tôi. Sau đó, tôi cứ về đến quê là bà lôi tôi ra "dạy dỗ". Tôi tức giận, có vùng vằng đôi câu thì bà liền lu loa gọi điện cho bố mẹ đẻ tôi. Bà bảo "trả tôi về nơi sản xuất" để bố mẹ tôi dạy bảo.

Tôi chỉ thương bố mẹ mình, phải nhịn hết nước hết cái, biết con gái yếu thế nên tháng nào mẹ cũng dấm dúi cho tôi từ mớ rau, quả trứng đến vài đồng tiêu vặt. Mẹ đẻ tôi bảo: "Thôi con ạ, một sự nhịn chín sự lành, con cứ nhẫn nhịn cho nhà cửa yên ấm".

Vợ chồng tôi lấy nhau được gần 2 năm thì sinh con đầu lòng. Hôm tôi đi đẻ, tuyệt nhiên không thấy mặt mẹ chồng đâu, chỉ có mẹ tôi và chị gái thay nhau trực ở bệnh viện.

Mẹ chồng tôi chỉ gọi điện cho chồng tôi hỏi han vài câu lấy lệ. Thấy tôi sinh con gái thì bà càng có vẻ thờ ơ. Nhìn sang mấy chị em sản phụ cùng phòng, toàn thấy bà nội đón tay đứa trẻ mà tôi trào nước mắt.

Mẹ đẻ tôi không nói năng gì, chỉ một mực động viên tôi chịu khó ăn uống cho sữa nhanh về.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến ngày đầy tháng cháu, mẹ chồng tôi mới xuất hiện, bà đưa cho tôi 1 triệu bảo là cho cháu tiền mua sữa.

Tiếp đó bà cứ ngồi vắt chân trên ghế xem phim mặc kệ mẹ đẻ tôi quay cuồng trong bếp làm mâm cơm đầy tháng cho cháu ngoại. Chồng tôi cười cười nhắc khéo: " Bà nội xuống bếp phụ cùng bà ngoại cho vui" thì bà nói rõ to, cố tình cho mẹ đẻ tôi nghe rõ.

Bà nói: "Tao khổ sở cày kéo bao năm mới có tiền mua cái nhà này cho vợ chồng mày, bà ấy lên chăm cháu vài ngày bõ bèn gì". Tôi ngậm đắng nuốt cay thương mẹ mình cứ lúi húi dưới bếp, giả vờ điếc không nghe thấy câu nói vừa rồi.

Lúc ăn cơm, cả nhà đang trò chuyện vui vẻ thì bà nội bảo tôi đưa con cho bà bế. Tôi vừa và miếng cơm vào miệng thì bà thao thao bất tuyệt: "Ôi con bé này nó giống bố nên trán cao thông minh, mắt to. Bé mà giống mẹ thì chán chết, vừa xấu vừa dốt, lương chỉ đủ xăng xe với ăn vặt".

Liếc nhìn thấy mặt mẹ đẻ tái nhợt đi vì giận nên tôi vội chống chế: "Mẹ cháu nuôi cháu lớn thêm một chút rồi sẽ xoay sở kiếm thêm bà ạ".

Mẹ chồng tôi vẫn chẳng chịu buông tha: "Đồng lương quèn thì làm nổi cái gì? Thôi sau này mẹ Bống cứ bỏ việc nhà nước đi, về quê bán gạo cho bà còn giàu gấp vạn".

Tôi cố mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng khóc. Trong lòng không khỏi oán giận mẹ chồng. Bà chỉ lên chơi với cháu 1 ngày, sáng lên chiều về mà bà nỡ dội cho tôi không biết bao nhiêu câu đau đớn.

Đến lúc mẹ chồng về, tôi ôm con mà nước mắt lưng tròng. Mẹ đẻ tôi lại cố gắng động viên. Tuy nhiên, lần này bà chịu hết nổi nên bảo: “Biết tiếng bà ấy ở cùng xã là ghê gớm nhưng mẹ không nghĩ đến mức này. Thôi thì vì con vì cháu, mẹ cứ phải giả câm giả điếc mà ở đây giúp con, chứ nhà mình có đến nỗi nghèo hèn gì cho cam”.

Nói xong, bà quay đi lau nhanh giọt nước mắt. Tôi nhìn mẹ mà thấy giận bản thân mình. Người ta càng lớn càng khiến bố mẹ tự hào, còn tôi, gần 30 tuổi vẫn khiến mẹ buồn tủi…

Theo Phạm Kim Thư (Hà Nội)
Vietnamnet