Bị thông gia coi khinh, bà ngoại vẫn bám trụ để bế cháu
“Nhiều người bảo, số tôi trẻ thì khổ vì con, già lại khổ vì cháu nhưng tôi nghĩ khổ thêm vài năm cho cháu mình cứng cáp chứ để người khác máu tanh lòng chăm cháu tôi không yên tâm” – bà Lê Thị Siêm (Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) tâm sự về những ngày tháng xa nhà, đến ở cùng con gái.
LTS: Trông trẻ là công việc không phải dễ dàng đặc biệt đối với người già tuổi cao sức yếu. Vậy tại sao họ chấp nhận mệt nhọc, xa nhà để theo con cái đến sống ở một vùng đất lạ để chăm con, trông cháu?
Bà Siêm năm nay 68 tuổi. Ở độ tuổi này, nhiều người đã được sống cuộc sống đủ đầy, được con cháu cung phụng, hoặc ít nhất là cũng đã an nhàn sau quãng đời đầy lo toan vất vả. Thế nhưng với bà lại khác.
Đã 6 năm nay, những người dân trong làng hiếm khi gặp bà. Người ta chỉ thấy một mình ông Kiệm (chồng bà- pv) năm nay đã 75 tuổi vẫn ra vào một mình trong căn nhà nhỏ, vẫn loay hoay với những bữa cơm mà nấu lên cũng chỉ một mình ông ăn. Bởi, bà Siêm còn bận đi Hà Nội, Sài Gòn để chăm cháu.
Hôm trò chuyện với PV, bà Siêm vừa từ nhà con gái trở về. Bà bảo, ngày mai, gia đình ông bà thông gia và con rể, con gái của bà sẽ đưa cháu đi du lịch 5 ngày nên bà được "nghỉ phép".
Trong câu chuyện, bà bảo, đây là đứa cháu thứ 3 của bà. Hai cháu đầu là cháu nội, ở Sài Gòn bà đều đến trông và chăm nuôi cho đến khi tròn 2 tuổi. Đứa cháu ngoại này bà cũng định như vậy. Tuy nhiên, thằng bé mới tròn một năm thì đã có không biết bao nhiêu chuyện xảy ra.
Bà bảo, gia đình thông gia của bà khá giả, khá gấp 10 lần kinh tế nhà bà vì thế mà họ khinh con gái bà. Khi con gái bà sinh con, gia đình bên nội không ai hỏi han. Có chăng, họ chỉ quan tâm đến thằng cháu. Nhưng quan tâm cũng chỉ chốc lát chứ bà thông gia không chịu ở nhà bế cháu hay chăm cháu cho con.
Con gái bà đẻ được nửa tháng trời đã phải lăn vào bếp để cơm cơm nước nước cho bố mẹ chồng. Bà nhìn thấy con mà chảy nước mắt vì thế mà bà cứ xăm xắn để làm thay con.
“Dần dần, họ coi mình chẳng khác gì giúp việc trong gia đình. Việc lớn việc bé đều đến tay. Thậm chí, bữa cơm sáng, mình cũng phải dậy để chuẩn bị cho ông bà ấy ăn. Ăn xong, họ đứng dậy để bát đũa cho mình rửa.
Hoa quả, mình đi chợ mua về (tất nhiên là không phải tiền của mình) nhưng họ cũng không bao giờ mời mình một câu. Đã vậy, mình mà mua phải hoa quả không ngon hay nấu ăn không vừa miệng là ông bà ấy nói cho không ra gì.
Rồi cháu mình, mình bế ẵm, cho ăn cho uống, thay tã cả ngày, ông bà ấy không động tay, nhưng hễ cháu ốm đau, sụt sịt là bà ấy cạnh khóe, chửi mình” – bà Siêm kể.
Thậm chí, hôm vừa rồi, cũng vì bà bế thằng bé xuống sân chung cư chơi nên cháu bị lây cúm của mấy đứa trẻ khác. Vậy là, bà bị thông gia nhiếc móc đủ điều. Con gái thương bà nên nói lại vài câu thế là ăn trọn cái tát của bố chồng.
Ảnh minh họa
“Ông ấy tát con dâu (tức con gái mình – nv) trước mặt của mình còn bà ấy thì cầm tay con rồi ấn vào tay mình đòi trả. Vậy mà, mình vẫn phải xin lỗi chứ làm to lên chỉ khổ con mình…
Cũng may, trộm vía, thằng bé càng lớn càng đẹp và ngoan, mới 1 tuổi mà cái gì cháu cũng biết, bảo hoan hô là hoan hô, bảo chào là chào…nên cũng an ủi phần nào “ – bà Siêm nói.
Bà vẫn quyết ở chăm cháu thêm 1 năm nữa vì nếu bà không chăm chắc chắn họ sẽ bảo các con thuê một người giúp việc khác. Mà osin thì bây giờ đài báo nói nhiều, bao nhiêu là vụ đánh đập, bạo hành trẻ con nên bà không yên tâm.
Thêm vào đó, bà cũng đã quen với cảnh đi bế con bế cháu giờ ngồi không bà thấy "buồn tay buồn chân".
“Thôi thì, người ta khinh mình, coi thường mình 1, 2 năm chứ chẳng thể coi khinh được mãi. Mình thì vì con, vì cháu mà nhịn nhục thêm tí cũng không sao” – bà Siêm nói.
Theo Minh Anh (ghi)
Vietnamnet