9x cũng “sống thử”
(Dân trí) - "Anh ấy có yêu em thì mới cắm xe, cắm đồ, bị bố mẹ mắng vì em. Nếu em không đi cùng anh ấy, em sẽ là đứa chẳng ra gì". Đây là suy nghĩ của một trong số những 9x đã từng cùng bạn trai chứng tỏ cho người lớn biết, họ có thể làm tất cả!
Từ sự dễ dãi của chủ cho thuê...
Những cặp vợ chồng hờ, vợ chồng sinh viên tồn tại được nhờ một phần "công lao" không nhỏ từ phía chủ nhà trọ.
Chỉ cần hai người dắt tay nhau đến hỏi thuê nhà, ngay lập tức không cần chứng minh thư, không cần giấy tờ, không hợp đồng, chỉ cần trả trước tiền nhà theo thỏa thuận là mọi vấn đề coi như xong. Nội quy xóm trọ dán trước cổng có khi cũng chỉ là một thứ đồ trang trí cho vui mắt.
Lợi dụng sự dễ dãi đó, 9x xác định xây tổ ấm lập tức đầu tư một khoản để… ra riêng.
Trước tiên họ đi tìm nhà trọ quanh thành phố, sau đó sắm sửa đồ đạc: tủ quần áo (bằng vải), chăn đệm không có giường, xô chậu, bếp núc, bát đĩa… y như thật.
Tất nhiên khoản ban đầu này sẽ được chàng đầu tư triệt để bằng cách nói dối cha mẹ xin tiền, hoặc thụt két gia đình, không thì cắm cốp để trang trải chi tiêu.
Xong xuôi mọi việc, 9x đã có chỗ ở của "riêng gia đình mình". Ngoài thời gian học trên lớp, 9x về nhà trọ sinh hoạt với nhau và cùng mời bạn bè về nấu nướng tụ tập ăn uống. Xong ai thích ngủ lại thì ngủ, ai thích về thì về. Đương nhiên bạn bè của họ cũng toàn thành phần "chơi đừng hỏi".
Chủ nhà biết, nhưng chỉ lắc đầu "bọn trẻ con bây giờ...". Họ chẳng đuổi vì "bọn nó nộp tiền xông xênh lắm"!
... Đến những căn phòng trọ VIP
Linh Yên - một 9x khá chịu chơi dẫn tôi đến căn nhà trọ của cô bé với người yêu. Nhìn ngoài không có vẻ đặc biệt nhưng bên trong căn phòng tiện nghi đến mức tôi nghĩ mình nhìn nhầm.
Ngoài cách trang trí khá thẩm mỹ còn là quạt, TV, máy tính nối mạng... Yên và Thông đã thuê phòng được sáu tháng, ở từ trưa đến tối mới về nhà. Lúc nào Thông dạt nhà thì ra đây ở, hôm nào bố mẹ Yên đi vắng cô cũng ra ngủ cùng.
Khi được hỏi tiền đâu mà sắm sửa những đồ đạc đó, Yên trả lời là do cả hai mua dần. Xin tiền nộp học, tiền mua nọ mua kia... Những thứ đắt tiền là do Thông chơi lô đề trúng hoặc cắm xe mua cho cả hai. Do ở ngoài được tự do nên cả hai ở đây nhiều hơn ở nhà, thích đi thì đi, thích về thì về vì "đây là nhà của mình". Bạn bè đến chơi vô tư mà không bị xét nét.
Yên dẫn tôi sang phòng bên cạnh - nơi một đôi bạn của cô đang sống. Căn phòng cũng chẳng kém cạnh gì, nhưng có phần hơi bừa, lộn xộn, thậm chí còn có cả vỏ... bao cao su vứt trên nền nhà. Yên bảo chuyện bình thường lắm...
Bố mẹ có biết?
"Biết làm sao được, bọn em đi học về qua nhà rồi chiều lại đi ngay, bảo là đi học nhóm ở nhà bạn, xong đi học lò..." - P.Uyên - sinh năm 91 đã sống ba tháng cùng bạn trai nói.
Vừa được đi vừa xin được tiền "đóng học", chiều đi chợ nấu cơm xong cả hai "vợ chồng" chuẩn bị đồ đi chơi, đến 10h thì "chồng" đưa Uyên về nhà, phần anh chàng thích về nhà thì về, nếu không lại quay ra nhà trọ ngủ, kèm theo mấy cậu bạn say khướt.
Cũng có một số phụ huynh khi thấy con xin tiền nhiều thì nghi ngờ, tra hỏi. Ấy thế mà các chàng cũng nói thẳng là thuê nhà ở riêng, nhưng nhất quyết không khai ra địa chỉ vì sợ bố mẹ đến khuân hết đồ về. Phụ huynh cũng bất lực vì không trị nổi con cái. Một số đi tìm người yêu của con trai nhờ vả "khuyên nó giùm bác", có biết đâu cô nàng cũng đồng lõa với chàng bạn trai.
Và những lúc trả phòng...
Tất nhiên đó là thời điểm cả hai đã chán nhau. Tưởng ra ở riêng xây thiên đường hạnh phúc, nhưng họ còn quá trẻ để có thể chịu đựng được những va chạm về tài chính và cuộc sống hàng ngày.
Tuy chỉ ở hơn nửa ngày nhưng một cô bé lớp 11 ham chơi không thể luôn tay dọn dẹp, nấu cơm, giặt quần áo cho "chồng" được. Một cậu trai lớp 11 cũng chẳng thể kè kè và nghe lời dạy bảo của cô "vợ" đồng trang lứa. Họ cũng chưa làm ra tiền để trang trải cho những nhu cầu vượt quá mức của mình như quần áo tiền triệu, ăn cơm phải ngon mới ăn, uống nước phải coca, pepsi mới uống...
Thế là trả phòng, chia tay nàng lại ở nhà, hoặc không thì cặp kè với chàng khác. Chàng lại dẫn người yêu mới, "vợ" mới về và tiếp tục cuộc sống "chỉ nghĩ đến gia đình khi tiền đã cạn".
Không biết khi mốt ở trọ đã hết, 9x còn xây tổ ấm bằng cách nào? Sau cái mốt này họ có trưởng thành hơn trong suy nghĩ làm sao để xây dựng một gia đình hạnh phúc không, hay sẽ lại tiếp tục cuộc chơi đến quên đường về...
Tùng Nhi